Đã nghe ít nhiều về Cô Tô và từng đọc "Ký sự Cô Tô" của Nguyễn Tuân từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, tôi từng mong được một ngày đặt chân lên hòn đảo mà dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, nó đẹp như một huyền thoại, và rồi mong muốn của tôi đã trở thành hiện thực.
Vượt qua chặng đường dài từ cảng Cái Rồng, Vân Đồn, tàu đưa chúng tôi cập cầu cảng Cô Tô. Tại đây, các đảo đều có núi đá. Đỉnh núi cao nhất là đỉnh Cáp Cháu trên đảo Thanh Lân (hơn 200m). Đỉnh cao thứ hai là ngọn Hải đăng trên đảo Cô Tô lớn (hơn 100m). Từ hai đỉnh cao này có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh của huyện đảo Cô Tô và các vùng biển lân cận. Tất cả các đảo đều có tên gọi, được phân làm 4 nhóm, tùy theo mức lớn, nhỏ, vị trí và hình dạng tự nhiên, gồm: nhóm đảo, nhóm hòn, nhóm cồn và nhóm đá.
Các hòn, cồn, đá đều nằm rải rác xung quanh bốn đảo lớn là Cô Tô lớn, Cô Tô con, Thanh Lân và đảo Trần, tạo thành một quần thể đảo lớn nhỏ, từ trên cao nhìn xuống rất đẹp, chẳng mấy khác một Bái Tử Long hay Hạ Long thu nhỏ. Đi thuyền máy quanh các đảo chính hoặc luồn lách vào khu vực quần tụ các hòn, cồn, đá, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước nhiều vẻ đẹp của đá, của núi rất kỳ thú; của nhiều cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, xanh mượt; của các bãi biển nước xanh trong thấu đáy với bờ cát trắng chạy dài còn nguyên vẻ hoang sơ tự nhiên, đầy quyến rũ.
Tôi chưa cảm được cái màu "xanh quá quắt", "xanh như ngả cốm làng Vòng", hay trìu tượng hơn là "xanh như một trang sử của loài người" (lúc con người còn viết sử vào thân tre)… như Nguyễn Tuân từng viết, nhưng quả thật biển Cô Tô có một màu xanh thật đẹp. Nếu muốn đón một bình minh đẹp rạng rỡ thì sáng sớm hãy đến chờ ở các bãi biển Bắc Vàn, Hồng Vàn hoặc bãi đá Cầu Mỵ, Móng Rồng. Tôi đã đón bình minh ở bãi biển Hồng Vàn và bãi đá Móng Rồng, cũng đã thấy cái bình minh trong trẻo của Cô Tô.
Đứng ở ban công trên đỉnh của ngọn Hải Đăng, sẽ nhìn thấy vẻ đẹp toàn cảnh của biển, núi, rừng và đồng ruộng Cô Tô. Ở hầu hết khu vực trung tâm của các đảo lớn đều là núi đá khá cao, xung quanh trải rộng ra là những đồi núi thấp, những cánh đồng, ao, hồ nước ngọt và xa hơn là biển. Cô Tô tuy rất ít sông suối, nhưng có nhiều ao hồ nhỏ có nước ngọt tự nhiên. Trên các đảo lớn đều có mạch ngầm nước ngọt khá phong phú, chất lượng khá tốt. Huyện Cô Tô đã đầu tư xây một hệ thống đập để hình thành 11 hồ nước ngọt (cả trên Cô Tô lớn và Thanh Lân), đủ cung cấp nước cho sinh hoạt và và tưới tiêu nông nghiệp.
Bạn có thể sử dụng phương tiện đi xe máy hoặc xe điện chạy men theo những con đường chạy xuyên đảo, qua những xóm làng bên bìa rừng, tôi đã bị lôi cuốn bởi những cánh đồng lúa tươi tốt, vàng ươm, thơm lừng hương lúa mới nằm giữa các thung lũng xanh ở Đồng Tiến và những vườn cây ăn quả ở Thanh Lân. Đây đó những đàn trâu, bò đủng đỉnh gặm nhấm cỏ, rơm. Thỉnh thoảng lại gặp những đụn khói đốt đồng thơm nồng hương khói rạ, chẳng khác gì cảnh những cánh đồng chiêm ở đồng bằng châu thổ sông Hồng vào những mùa gặt. Vẻ đẹp thanh bình, dân dã của nông thôn Việt Nam dường như được tái hiện nguyên vẹn ở giữa bạt ngàn trùng dương sóng vỗ này.
Cô Tô là một ngư trường rộng lớn có khoảng 1.000 loài cá, trong đó hơn 60 loài có giá trị kinh tế cao như: cá hồng, cá song, cá mú, cá chim, cá duội. Mực ở Cô Tô cũng ngon đặc biệt, mà có đến 8 loài như mực ống, mực lá, mực nang... Cô Tô còn có những loài hải sản quý hiếm như ngọc trai, bào ngư, hải sâm, cầu gai, ốc hương... Đó là một lợi thế lớn để Cô Tô phát triển ngành kinh tế biển.
Ở ngay trung tâm thị trấn Cô Tô còn có một khu di tích về Bác Hồ, có đền thờ, nhà lưu niệm và tượng đài Bác rất đẹp. Đó là sự tôn vinh, tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cô Tô để ghi nhớ những lời Bác dạy trong lần Người ra thăm đảo tháng 5/1961. Đặc biệt, bức tượng Bác Hồ ở đây là bức tượng duy nhất được Người đồng ý cho xây dựng khi Người còn sống, dường như ý nguyện của Người là muốn được sống cùng với quân dân đảo Cô Tô.
Mùa xuân đang đến với quần đảo giữa trùng dương này, bạn hãy đến khám phá và trải nghiệm để thêm yêu vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.
Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ lâu đời đã là nơi trú ngụ thuyền bè của ngư dân vùng biển Đông Bắc (khi đi biển lâu ngày hoặc gặp bão, giông). Quần đảo này có đến hơn 50 đảo đá lớn, nhỏ với địa hình, thổ nhưỡng khá đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, gồm đủ đồi, núi, rừng, đồng bằng và biển, đảo. |