Aa

Kịch bản nào cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới?

Thứ Năm, 30/05/2019 - 05:40

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 công bố mới đây bởi Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo năm 2019 kinh tế Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng ở mức 6,5 - 6,9%.

Với động lực tăng trưởng của năm 2017, kinh tế thế giới duy trì sự ổn định trong nửa đầu năm 2018, nhưng nửa cuối năm với nhiều thách thức đã tác động không nhỏ tới “sức khỏe” kinh tế toàn cầu, làm giảm tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu, suy yếu các hoạt động sản xuất, dẫn đến sự gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, dòng vốn FDI toàn cầu giảm kéo theo sự sụt giảm tăng trưởng toàn cầu trong 2018.

Bởi đó, kinh tế thế giới năm 2019 được đánh giá là sẽ tiếp tục nhiều rủi ro bất trắc mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ những diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng trở nên gay gắt. Ngoài ra, các yếu tố địa chính trị vẫn tiếp tục tạo nên những bất ổn mới.

"Dù sao, với những yếu tố bất lợi nhiều hơn tích cực dự báo diễn ra trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 sẽ giảm so với năm 2018", đại diện VEPR nhấn mạnh.

khu vực công nghiệp và xây dựng

Công nghiệp và xây dựng là hai khu vực quan trọng, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng của nền kinh tế.

Trái ngược với xu hướng giảm tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2018, kinh tế Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức 7,08%, bất ngờ vượt khá xa mục tiêu Chính phủ đặt ra từ đầu năm ở mức 6,7%.

Đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng kỷ lục này vẫn là hai khu vực công nghiệp và xây dựng với 3,44 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ với 3,02 điểm phần trăm. Phần còn lại với 0,62 điểm phần trăm là đóng góp của khu vực nông, lâm, thủy sản.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay: "Kết quả tăng trưởng kinh tế 2018 đi liền với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, đã giúp tăng hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam từ vị trí mức 60 năm 2016 - 2017 lên vị trí 55 năm 2017 - 2018 trong số 137 nước được đánh giá".

Ngoài ra, thương mại quốc tế năm 2018 cũng đã có những chuyển biến đáng lưu ý. Cán cân thương mại đạt thặng dư năm thứ ba liên tiếp đã đóng góp không nhỏ vào việc vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, tương tự như các năm trước, xuất khẩu tới từ nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu (72%).

Nhóm nghiên cứu nhận định: Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa phát huy được nội lực tiềm năng mà còn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực FDI. Cơ cấu nhập khẩu cũng hầu như không có sự thay đổi so với các năm trước và tập trung vào các máy móc thiết bị, linh kiện và nguyên vật liệu phục vụ cho xuất khẩu.

Và bài toán đặt ra cho Việt Nam là câu chuyện “phát triển các ngành phụ trợ”, “nền kinh tế gia công” và những giải pháp để vượt qua “bẫy kinh tế gia công”.

Mặc dù lạm phát trong năm 2018 tiếp tục xu hướng thấp của những năm trước, nhưng nhóm nghiên cứu của VEPR vẫn bày tỏ lo ngại rằng nhiều khả năng lạm phát sẽ trở thành một thách thức lớn trong năm 2019 bởi áp lực từ trong nước và trên thế giới đều có thể sẽ ảnh hưởng tới diễn biến giá cả trong nước.

nhiều khả năng lạm phát sẽ trở nên một thách thức lớn trong năm 2019

Nhiều khả năng lạm phát sẽ trở thành một thách thức lớn trong năm 2019.

Trên cơ sở đó, VEPR đã đặt ra hai kịch bản phát triển cho nền kinh tế.

Trong kịch bản thứ nhất, tăng trưởng của nền kinh tế dự báo đạt mức thấp 6,56% - xấp xỉ mục tiêu Quốc hội đề ra.

Ông Thành phân tích: "Kịch bản này có thể xảy ra khi các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi do tác động từ sự gia tăng căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đem đến những sức ép mới khiến Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ thị trường Trung Quốc, gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam".

"Chúng tôi giả định xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và Trung Quốc chưa đủ linh hoạt để tăng mạnh trong môi trường chiến tranh thương mại", ông Thành chia sẻ.

kịch bản thứ hai, tình hình khả thi hơn với mức 6,81% - đạt mục tiêu của Quốc hội.

Theo đó, đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra, nhờ dư địa động lực tăng trưởng của 2018, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất của Chính phủ, thể hiện với mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính gồm công nghiệp và dịch vụ.

Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực chuyển mình trên lĩnh vực thương mại quốc tế. Điều này được thể hiện trong quý I/2019 với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước cao hơn của khối doanh nghiệp FDI. 

"Về mức giá chung, lạm phát cả năm 2019 được dự báo sẽ trở nên khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng có thể lên tới 4 - 5%".

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) 

"Đây là điều khác biệt so với xu thế nhiều năm trước bởi doanh nghiệp FDI luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn doanh nghiệp trong nước", đại diện VEPR nhấn mạnh.

Như  vậy, ở kịch bản đầu tiên, với hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến, lạm phát chỉ đạt mức 4,21%. Trong khi đó, tại kịch bản thứ hai, lạm phát cả năm ở mức 4,79%, cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội.

"Nguy cơ lạm phát theo kịch bản thứ hai có thể xảy ra nếu có sự cộng hưởng từ cả sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài", ông Thành cho hay.

Có thể thấy, các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công cũng như điều chỉnh tăng giá xăng dầu đã được thực hiện từ đầu năm 2019, điều này đặt ra lo ngại sẽ gây áp lực lớn gia tăng lạm phát.

Tính đến hết tháng 4/2019, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khoảng 2,93% (yoy) và đang trong xu hướng đi lên. Trong khi đó, mức gia tăng này mới chỉ phản ánh một phần rất nhỏ tác động từ những điều chỉnh giá của Chính phủ do có độ trễ của chúng.

Bên ngoài, giá dầu thô thế giới có thể tiếp tục tăng do những căng thẳng ở Trung Đông leo thang và nguồn cung thế giới được cắt giảm. Ngoài ra, khả năng đồng nhân dân tệ bị giảm giá vào cuối năm 2019 dưới sức ép của chiến tranh thương mại có thể khiến tiền đồng bị phá giá nhẹ cũng là một nhân tố rủi ro tác động đến mức giá chung trong nước.

"Để kiềm chế lạm phát, các cơ quan điều hành sẽ cần phải tiếp tục theo sát diễn biến giá cả trong nửa sau của năm 2019. Ngân hàng Nhà nước cần duy trì chính sách tiền tệ thận trọng trong thời gian tới nhằm duy trì mức lạm phát không vượt xa khỏi mục tiêu, duy trì ổn định vĩ mô", Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho hay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top