Khi thời tiết Gia Lai chuyển sang se lạnh cũng là lúc những cành xanh chuyển dần sang sắc đỏ, báo hiệu mùa thu hái trên các nông trại cà phê nơi đại ngàn bắt đầu. Thăm miền đất đỏ bazan thời điểm này mới hiểu, từ quả cà phê mọng chín trên cây, phải thêm nhiều khâu chế biến nữa mới có được ly cà phê thơm lừng nơi phố thị.
Ở đại ngàn Tây Nguyên đúng vụ thu hái cà phê, từ TP. Pleiku tôi rong ruổi khắp các huyện vùng ven như Chư Păh, Đắk Đoa..., trải nghiệm công việc thu hái và chế biến cà phê của bà con các dân tộc Jarai, Bana trên những vùng đồi đất đỏ Bazan.
Mùa hái quả, không chỉ là cơ hội tận hưởng cái nắng, cái gió của đất trời Tây Nguyên mà cả một không khí rộn ràng thu hái cà phê. Trái cà phê trên cành được tuốt xuống những tấm bạt lớn, trải ngay dưới những gốc cây và dù xa cả chục mét vẫn nghe thấy tiếng rào rào của quả lìa cành. Những đôi tay đeo găng thoăn thoắt tuốt, vặn những chùm quả chín mọng, thả rơi đầy xuống bạt. Chừng nửa giờ, khi đã phủ đầy trái cà phê, người hái nhặt bỏ lá, gom trái vào bao tải dứa và tiếp tục kéo tấm bạt sang luống khác.
Trong cái nắng của mùa đông Gia Lai, những mảnh sân phơi trái cà phê làm sáng bừng cả không gian, quyện cùng cái mùi ngai ngái của quả tươi. Thời gian phơi trái cà phê phụ thuộc vào thời tiết, có thể kéo dài cả tuần mới kết thúc và phần lớn thành phẩm được rao bán đến những nhà máy, còn lại các hộ gia đình tự rang xay. Thông thường, thời gian rang một mẻ cà phê đã lột vỏ tại nhà mất 30 phút và thực hiện thủ công thuần túy.
Nếu yêu cà phê, nên một lần trải nghiệm hành trình làm nên ly cà phê hảo hạng ngay nơi trồng thức uống đặc biệt này sẽ khiến bạn khó mà quên được. Ở đó, có mùi dầu diesel cháy, mùi bụi đỏ bazan, mùi quả cà phê tươi lẫn trong mùi thơm khói lam chiều bữa tối. Và có cả những nụ cười mộc mạc khó quên.