LTS: Nếu tính về khoảng cách, từ Hà Nội đến cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) hay A Pa Chải (Điện Biên) còn xa hơn đến thác Bản Giốc (Cao Bằng). Thế nhưng, vùng đất phên dậu Cao Bằng lại khiến người ta nghĩ miền biên viễn này xa xôi hơn, đặc biệt, mỗi khi nhắc đến câu ca: “Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Phải chăng, những chinh phu đi quân dịch cho nhà Mạc, thời điểm được cho là xuất xứ câu ca dao cổ này đã ai oán sẻ mà chia cung đường xa xôi, không biết ngày trở lại ấy.
Hội tụ đủ thác, hồ, núi non và hệ thực vật phong phú, công viên địa chất Non Nước Cao Bằng trong tháng 7 vừa qua được Insider xếp vào Top 50 điểm đến có view đẹp năm 2020, khi lựa chọn những nơi có cảnh quan tự nhiên cuốn hút bậc nhất thế giới. Loạt điểm đến trên cung đường mùa thu vàng miền biên giới được Photo Travel giới thiệu từ kỳ này với độc giả sẽ lần lượt khám phá thác Bản Giốc mùa nước đổ, những hang động kỳ lạ ở Ngườm Ngao, bản của những nếp nhà xếp đá Khuổi Ky, mùa hạt dẻ xù lông rụng rốn, Phia Oắc, nơi có cả một rừng rêu.
Tròn 10 năm trước, lần đầu tôi “trẩy hội nước non” là khi cùng cây viết phóng sự nổi tiếng Đỗ Doãn Hoàng và nhà báo Hoài Phương (Đài PTTH Cao Bằng) lên Cao Bằng làm cuộc điều tra đầu độc dòng sông Bằng, sông Hiến từ các mỏ khai thác khoáng sản đầu nguồn nước. Đó là chuyến đi đưa tôi lên đỉnh Phia Oắc có độ cao 1931m, nơi được ví như “nóc nhà” của Cao Bằng, trước khi “lội” dưới rừng nghiến bị phá nát phía dưới, làm cuộc điều tra.
Sau chuyến thực địa hiện trường, ngày đó tôi đã viết trên trong phóng sự của mình: “Tận mắt thấy ngổn ngang những gốc cây cổ thụ bị đánh bật gốc nằm vắt ngang trên màu đá trắng tang tóc mới thấy sự tàn sát thiên nhiên của những thủ phạm được gọi là “quặng tặc” quả là ghê gớm. Nếu thời Pháp thuộc, những rông núi ở Phia Oắc - Phia Đén (gồm các xã Thành Công, Phan Thanh, Quang Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) từng bị “hút máu” khá nặng với hàng triệu tấn volfram chuyển về “mẫu quốc” thì bây giờ, nó bị những “quặng tặc” như những con “chuột chũi” bới tung, tàn sát cả khu thiên nhiên độc đáo và giàu có vùng Đông bắc.”.
Hàng loạt các đường hầm xuyên sơn rộng lớn, lớn đến mức “quặng tặc” vô tư nấu nướng, giặt giũ rồi tiếp tục nổ mìn, phá đá, đào đãi như “chuột chũi” ở trong đó. Dọc đường lên đỉnh Phia Oắc, ngổn ngang cây cổ thụ đổ, núi đá bị đào bới một cách không thương tiếc, cảnh tượng chẳng khác nào sau một trận B52 giội xuống.
Thậm chí, trên cánh rừng nguyên sinh bị đánh mìn tan hoang vỡ đá, người đàn ông đào quặng vẫn thản nhiên trần tình với tôi về cuộc mưu sinh trái phép trên đỉnh Phja Oắc của mình. Giờ nghĩ lại cũng thấy rùng mình may mà ngày đó tuy những “quặng tặc” mưu sinh bất hợp pháp nhưng chắc chưa nguy hiểm như lúc này.
Bằng sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền tỉnh Cao Bằng, khu rừng quý giá này những năm gần đây đã hồi sinh ngoạn mục. Những bãi khai thác quặng hoang tàn chục năm trước đã được lấp đầy bởi thảm thực bì xanh ngát. Đã không còn cảnh cây đổ, la liệt như những bức ảnh tôi chụp 10 năm trước, khi quặng tặc moi tận gốc những cây gỗ nghiến cả trăm năm tuổi.
Ngược dòng thời gian, vốn là xứ lắm khoáng sản nên ngay khi chiếm được Cao Bằng cuối năm 1886, người Pháp đã nhanh chóng đưa nơi này trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của cuộc khai thác thuộc địa. Bắt đầu từ 4 mỏ vàng và 4 mỏ sắt, 10 năm sau đó, người Pháp mới nhận thấy rằng ở dãy núi Phia Oắc ở phía Tây Cao Bằng mới là vùng đa kim loại, với tiềm năng khoáng sản lớn và chưa được khai thác. Đến giờ, hệ thống hầm lò đào quặng người Pháp để lại từ gần một thế kỷ trước vẫn len lỏi khắp các tán rừng già ở Phia Oắc với nhiều hầm lò khai quặng xuyên sơn dài nhiều cây số.
Cùng với khai thác khoáng sản, người Pháp cũng nhận thấy quanh những dãy núi cao Phia Oắc - Phia Đén là vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, không gian nguyên sinh và thảm động, thực vật hết sức đa dạng. Và giống Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì, Mẫu Sơn hay Bà Nà, Phia Oắc nhanh chóng trở thành “miền đất lạnh” được người Pháp đưa vào danh mục làm những khu nghỉ dưỡng. Hàng loạt các khu biệt thự cổ, khu nhà đỏ (Tatsloom) dành cho các “quan cai trị” Pháp cuối tuần lên đây nghỉ mát vẫn còn vẹn nguyên hình hài phía dưới thảm rừng nguyên sinh phủ đầy rêu phong cổ kính.
Giờ thì “miền đất lạnh” đã chuyển hạng từ cấp Khu Bảo tồn, trải dài trên địa phận các xã Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) thành Vườn Quốc gia Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén từ tháng 1/2018. Đây cũng chính là điểm nhấn của Công viên địa chất toàn cầu “Non nước Cao Bằng” và Phia Oắc - Phia Đén hội đủ tiêu chí của một khu du lịch sinh thái đa dạng tuyệt vời. Nếu tính về khoảng cách, từ trung tâm Phia Oắc - Phia Đén về Hà Nội chỉ có 240km, gần hơn khoảng 100km so với Sa Pa về Hà Nội.
Trên cung đường gần 20km từ chân núi lên đến đỉnh Phia Oắc, tôi được chiêm ngưỡng các thảm rừng nguyên sinh ôn đới, phủ đầy rêu phong cổ kính, những dáng cây kỳ quái do gió lớn và mưa tuyết tạo thành. Tôi vẫn tin rằng, nếu may mắn trở lại đỉnh Phia Oắc lần thứ ba, sẽ phải chọn cho mình một trong những ngày thật lạnh của mùa đông, để thưởng ngoạn một phong cảnh như ở trời Âu, khi đỉnh Phia Oắc phủ kín một màu trắng của băng tuyết.