Đi theo quốc lộ 6, chạm đất cao nguyên Mộc Châu, có lối rẽ trái đi hơn chục cây số đường đèo dốc, quanh co, uốn lượn qua các biển mây là tới đất Hang Kia. Thung lũng của bà con người Mông vào những ngày này đẹp đến mê hồn. Nơi này bốn mùa hoa rừng nở bạt ngàn, khí hậu ôn hòa khiến bao người lữ khách lạc lối, không muốn rời.
Hầu hết các công dân sinh sống ở xã Hang Kia là bà con người dân tộc Mông. Những công dân hiếu khách nhất đất Tây Bắc này luôn mở rộng cửa đón khách. Những ngôi nhà gỗ của bà con nằm thấp thoáng dưới tán vườn đào, vườn mận, yên bình đến nao lòng. Đến đây bạn có thể ghé thăm bất cứ gia đình nào. Gia chủ sẵn lòng mời bạn ở lại dùng bữa cơm với gia đình. Nơi này từng được biết đến là vùng đất của "tử thần" vì tệ nạn buôn bán ma túy. Mấy năm gần đây, nạn buôn bán đã giảm hẳn, bà con người Mông đã biết làm du lịch để đón khách.
Sùng Y Múa là cô gái người Mông ở bản Hang Kia, xã Hang Kia đã mạnh dạn mở homestay tại bản. Ngôi nhà sàn của Múa giờ là nơi đến của nhiều du khách. Y Múa kể, về với miền sơn cước nhỏ bé này, bạn sẽ cảm nhận được nghề thổ công vốn có từ bao đời này của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Nghề dệt lanh, vẽ sáp ong, thêu thùa được chị em phụ nữ dân tộc Mông học từ rất sớm, bé gái 4-5 tuổi đã biết thêu, 6-7 tuổi biết nối lanh, dệt lanh, vẽ sáp ong. Hòa mình với cuộc sống dân tộc của bà con người Mông cũng là một trải nghiệm thú vị.
Địa hình khu Bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò có độ cao trung bình từ 800-900m so với mặt nước biển. Điểm cao nhất trong khu bảo tồn đạt 1.223m, đây cũng là núi cao nhất trong khu bảo tồn. Diện tích rừng của khu bảo tồn chủ yếu năm trên các vùng núi có độ dốc lớn. Khu bảo tồn có 2 dải núi lớn là: Xà Lĩnh và Lương Xa, đã tạo ra nhiều thung lũng lớn, bằng rộng hàng trăm ha là nơi dân cư tập trung đông đúc để phát triển sản xuất nông nghiệp.