Aa

Nhà ở công nhân: Nhìn từ nguy cơ “vỡ trận” thiết chế công đoàn

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Bảy, 26/09/2020 - 06:00

Vốn được xem là giải pháp hữu hiệu để hiện thực hóa giấc mơ an cư của người lao động tại các khu công nghiệp, nhưng nhìn vào thực tế triển khai các khu thiết chế Công đoàn hiện tại, giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ.

Lời tòa soạn:

Thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn để hiện thực hoá giấc mơ an cư của người lao động. Đây là một đề án nhân văn, nhận được rất nhiều kỳ vọng của hàng triệu công nhân trên cả nước.

Theo một con số thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ khi triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến nay, đã có khoảng 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng ý bố trí đất, mỗi khu đất có diện tích từ 1 - 5ha, đủ điều kiện, tiêu chí để xây dựng thiết chế Công đoàn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến độ xây dựng thiết chế Công đoàn ở một số địa phương đang chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch đặt ra. Hình ảnh về một khu nhà ở hiện đại, khang trang với đầy đủ tiện ích vẫn chỉ nằm trên bản vẽ, và hiện trạng lúc này chỉ là những bãi đất trống mênh mông cỏ mọc, những hạng mục thi công dang dở "cửa đóng then cài" xuống cấp trầm trọng. Con đường hiện thực hoá giấc mơ an cư cho người lao động là một hành trình dài chưa thấy ngày về đích ở phía trước...

Trên tinh thần nghiên cứu, Reatimes đã khảo sát hiện trạng các dự án tại một số địa phương, ghi nhận ý kiến các chuyên gia về vấn đề này và đăng tải trong tuyến bài: Nguy cơ "vỡ trận" thiết chế công đoàn.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Nguy cơ vỡ trận của các thiết chế Công đoàn đã một lần nữa khiến việc phát triển nhà ở công nhân rơi vào vòng luẩn quẩn, thậm chí bế tắc, trong khi đó, nhu cầu an cư của công nhân, người lao động đang ngày càng gia tăng và trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Từ một chính sách nhân văn 

Ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) đệ trình.

Theo đó, quy mô và quy hoạch đầu tư mỗi Khu thiết chế Công đoàn, theo Tổng LĐLĐVN phải có diện tích đất xây dựng (tối thiểu) từ 3 - 5ha, được đầu tư các khối chung cư nhà ở công nhân 5 tầng (khoảng 1.000 căn hộ); có các công trình công cộng như nhà văn hóa đa năng với sức chứa ít nhất 500 người, quảng trường trung tâm chứa 5.000 người, nhà điều hành của công đoàn khu công nghiệp và tư vấn pháp lý; khu vực thể dục thể thao, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, hiệu thuốc, hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống văn hóa xã hội của công nhân; vườn hoa, cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Để triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng các thiết chế Công đoàn, Tổng LĐLĐVN đã ban hành Nghị quyết 9C về việc tiết giảm 10% chi phí hành chính và hoạt động phong trào ở các cấp Công đoàn trên toàn hệ thống để dành nguồn vốn đầu tư các dự án thiết chế Công đoàn. Bằng nguồn vốn tích lũy của tổ chức Công đoàn và các nguồn vốn khác, mỗi thiết chế sẽ đầu tư từ 300 - 500 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao đi kèm.

Tổng LĐLĐVN cho biết, từ khi triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến nay, đã có 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng ý bố trí đất, mỗi khu đất có diện tích từ 1 - 5ha, đủ điều kiện, tiêu chí để xây dựng thiết chế Công đoàn. Năm 2018, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai 12 dự án thiết chế Công đoàn tại các địa phương; năm 2019 phê duyệt tại 9 địa phương. Theo kế hoạch đến 2020, Tổng LĐLĐVN đầu tư xây dựng 50 thiết chế Công đoàn trên cả nước; đến năm 2030, phấn đấu 100% mỗi khu công nghiệp phải có ít nhất một thiết chế Công đoàn.

So với các dự án nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại khác, những điểm ưu việt của thiết chế Công đoàn là chi phí xây dựng hạ tầng như: Đường, điện, hệ thống cấp thoát nước, cây xanh, công trình văn hóa thể thao… sẽ không tính vào giá bán của căn hộ để công nhân được hưởng giá ưu đãi nhất, chỉ từ 150 - 200 triệu đồng là có thể sở hữu căn hộ từ 30 - 45m2. Mặt khác, các công trình dịch vụ trong tổ hợp công trình không chỉ dành phục vụ cho những công nhân sống bên trong tổ hợp công trình mà còn để phục vụ toàn bộ công nhân đang làm việc trong các KCN.

Trong bối cảnh thiếu hụt nhà ở cho công nhân, người lao động, chủ trương xây dựng các thiết chế Công đoàn được đánh giá là giải pháp nhân văn, theo đó, nếu thực hiện tốt, giấc mơ an cư của hàng triệu người lao động nghèo tại các KCN sẽ thành hiện thực. Những thiết chế Công đoàn cũng tạo ra các cơ sở hạ tầng trường học, khu vui chơi cho con cái của người lao động trong khu công nghiệp, tạo ra môi trường sống và làm việc đồng bộ, tiện ích nhằm đáp ứng các nhu cầu sống của công nhân.

Khi đời sống an sinh được chăm lo, công nhân, người lao động có thể an tâm để cống hiến, góp sức vào công cuộc sản xuất, tạo ra của cải cho xã hội.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế triển khai xây dựng các thiết chế Công đoàn ở một số địa phương trong 3 năm qua thì việc làm thế nào để những kỳ vọng nói trên thành hiện thực vẫn là một câu chuyện dài.

... đến nguy cơ “vỡ trận”

Theo kế hoạch đề ra, đến năm 2020 sẽ có khoảng 50 thiết chế Công đoàn được xây dựng trên cả nước nhưng đến thời điểm hiện tại, mới có 3 thiết chế Công đoàn được triển khai xây dựng tại các tỉnh: Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang; 41 địa phương có kế hoạch bố trí đất với diện tích từ 1 - 5ha để Tổng Liên đoàn xây dựng các thiết chế của Công đoàn. Là địa phương có đông công nhân nhưng đến nay, tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có thiết chế Công đoàn nào phục vụ người lao động.

 

Theo khảo sát thực tế của phóng viên Reatimes, tiến độ xây dựng thiết chế Công đoàn ở một số địa phương thực hiện thí điểm thiết chế Công đoàn đang chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch đặt ra,  và đứng trước nguy cơ "vỡ trận".

Tại dự án xây dựng Khu thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc thuộc dự án Nhà văn hóa lao động Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc được UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, trên diện tích 4ha, hình ảnh về một khu nhà ở hiện đại, khang trang với đầy đủ tiện ích dường như vẫn chỉ nằm trên bản vẽ, thay vào đó là sự xuống cấp, hoang hóa, lãng phí.

Cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam đầu tư kinh phí cùng với một số đơn vị tài trợ đã xây dựng hoàn chỉnh Nhà đa năng, Trường mầm non, sân, đường, điện, hệ thống cấp thoát nước và cây xanh với tổng diện tích xây dựng trên 2.500m2, với số tiền đầu tư 27,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong kế hoạch đầu tư xây dựng tại dự án nêu trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam dự kiến đầu tư 350 tỷ đồng xây dựng 14 block, mỗi block gồm 5 tầng với tổng diện tích xây dựng trên 7.800m2 sàn (tương đương 884 căn hộ), đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 3.500 đoàn viên, công nhân lao động.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2020, khu nhà đa năng thường xuyên khóa cửa, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp nặng không thể sử dụng; trong khi đó, trường mầm non cửa đóng then cài dù đã được cho một đơn vị thuê lại để khai thác, quản lý… Bên ngoài khuôn viên rộng rãi là nơi dự kiến đầu tư 14 block nhà chung cư để bố trí cho 3.500 đoàn viên, công nhân lao động đang được… cư dân địa phương tận dụng trồng rau, trồng hoa.

Phần lớn diện tích dự án thiết chế Công đoàn tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam) bị bỏ hoang. (Ảnh: Hữu Trà)

Theo Tổng LĐLĐVN, việc xây dựng các thiết chế Công đoàn còn chậm so với kế hoạch đặt ra là do trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc liên quan đến quy định của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đầu tư…

Cụ thể, theo quy định, Tổng LĐLĐVN là cơ quan thuộc tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư với mục đích xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê.

Trong khi đó, trên thực tế các địa phương lại rất tạo điều kiện về quỹ đất để thực hiện các thiết chế Công đoàn. Như tại dự án thí điểm thiết chế Công đoàn ở Điện Bàn, Quảng Nam, ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND TX. Điện Bàn cho biết, để hỗ trợ cho dự án của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam, TX. Điện Bàn đã hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất và bố trí đất đai để đầu tư dự án cho công nhân trên diện tích 4ha. 

Ngoài ra, xung quanh Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, TX. Điện Bàn cũng ưu tiên quỹ đất tương xứng để quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở xã hội và dành quỹ đất để xây dựng các khu văn hóa thể thao.

Như vậy, rõ ràng, khó khăn của việc triển khai các thiết chế Công đoàn không nằm ở việc tiếp cận quỹ đất. Mặt khác, nguồn vốn triển khai dự án cũng không phải là nút thắt trong câu chuyện này. Bởi theo báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được Kiểm toán Nhà nước công bố, số dư tích lũy tài chính Công đoàn đến ngày 31/12/2019 là gần 29.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại cấp liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và tương đương (chiếm 36% của toàn ngành). 

Điều này có nghĩa, bên cạnh nguồn vốn có từ việc tiết kiệm 10% chi phí hành chính và hoạt động phong trào ở các cấp Công đoàn trên toàn hệ thống, Tổng LĐLĐVN đang “dư thừa” tới 29.000 tỷ đồng, chỉ để gửi ngân hàng.

Vậy, trong câu chuyện xây dựng các thiết chế Công đoàn, đâu mới thực sự là “chốt chặn” khiến một chủ trương nhân văn đứng trước nguy cơ "vỡ trận" và lãng phí nghiêm trọng?

Mặt khác, Việt Nam đang “háo hức” dọn tổ đón đại bàng FDI từ làn sóng dịch chuyển sản xuất nhưng liệu có chớp được cơ hội vàng hay không? Khi lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài là những khu công nghiệp đồng bộ, trong đó, vấn đề an sinh cho người lao động phải được đặt lên hàng đầu, thì thực tế nhếch nhác tại các khu công nghiệp của Việt Nam hiện nay thật khó để trở thành “chốn đậu lý tưởng” có thể giữ chân “đại bàng”.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng nhà ở, đảm bảo an sinh cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp càng trở nên bức thiết.

Lời giải nào cho bài toán xây dựng nhà ở công nhân, nhìn từ nguy cơ “vỡ trận” các thiết chế Công đoàn?

Cà phê cuối tuần hôm nay sẽ bàn luận và làm rõ hơn về câu chuyện này. Xin được giới thiệu các chuyên gia: GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính.

Chủ trương tốt, bất cập ở cách thực thi

PV: Thưa các chuyên gia, từ tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất của Tổng LĐLĐVN. Đây từng được kỳ vọng là giải pháp tốt để giải quyết vấn đề nhà ở công nhân vốn đang rơi vào bế tắc nhiều năm. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cho đến thời điểm này, tại các địa phương hiện chưa có bất kỳ một thiết chế Công đoàn nào thành hình. Theo các chuyên gia, đâu là “chốt chặn” khiến một chính sách nhân văn như thiết chế Công đoàn khó thành hiện thực, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ trận?

TS. Nguyễn Văn Đính: Trước hết, việc phát triển nhà ở cho công nhân là một nhu cầu bức thiết. Tại các khu công nghiệp, các khu chế xuất, công nhân rất khó khăn về nhà ở, họ phải tìm thuê phòng tại những xóm trọ, khu nhà cũ kỹ, không đảm bảo các điều kiện sống khá tồi tàn. Chúng ta không đảm bảo nhà ở, điều kiện sống chất lượng cho người lao động thì làm sao đòi hỏi họ lao động có hiệu quả và họ sẽ là những người lao động gắn bó lâu dài với các cơ sở sản xuất?

Nhiệm vụ này không chỉ của chủ sử dụng lao động mà là của Nhà nước và các tổ chức khác. Trong đó, Tổng LĐLĐVN đưa ra giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân ở là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ có chủ trương đúng nhưng việc thực thi lại bất cập, chưa tạo ra được hiệu quả.

Việc phát triển nhà ở cho công nhân là một nhu cầu bức thiết. (Ảnh: Hữu Trà)

Chúng ta chưa có nghiên cứu kỹ và đồng bộ về nhà ở công nhân, dẫn đến đơn vị nào cũng muốn làm nhưng làm chưa đủ, chưa tới. Bởi khả năng họ chỉ có đến thế thôi. Công đoàn là đơn vị quản lý, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Họ làm tốt vai trò đó và họ có thể tạo ra nguồn vốn tài chính và định hướng cho việc phát triển nhà ở cho người lao động để đảm bảo cuộc sống của họ. Tuy nhiên, họ không thể là đơn vị có thể làm chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở, kể cả nhà ở cho công nhân thuê.

Luật Kinh doanh bất động sản quy định rõ ràng, đơn vị có năng lực phát triển nhà ở mới được triển khai xây dựng chứ không phải đơn vị nào có tiền là có thể làm. Ở đây cần có sự chuyên môn hóa, anh có thể giỏi làm kẹo nhưng chưa chắc có thể làm cái bánh xà phòng. Đó là hai câu chuyện khác nhau.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ: Việc tạo ra những thiết chế Công đoàn đó là chủ trương tốt, nhưng Công đoàn làm gì trong câu chuyện này là việc cần phải xác định lại, chứ không phải đứng ra làm chủ đầu tư. Đừng giao trái khoáy nhiệm vụ. Không có sở trường mà vẫn muốn làm thì sẽ rất lãng phí nguồn lực, không hiệu quả.

Ở các nước, người ta chỉ đưa lực lượng gọi là các tổ chức xã hội (ở Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội) vào tạo cơ chế để có thể huy động vốn, trợ giúp chứ không bao giờ được giao làm chủ đầu tư, bởi vì tính chất kỹ thuật mang tính chuyên nghiệp trong xây dựng, kể cả công tác quản lý, vận hành nhà ở, tất cả những điều đó không phù hợp với chức năng của một tổ chức xã hội.

Nếu Tổng LĐLĐ đứng ra làm chủ đầu tư thì nhiều khi tính chuyên nghiệp không có và rồi lại sao nhãng những việc khác, ví dụ như việc cần phải bảo vệ lợi ích của công nhân, người lao động.

Việc một tổ chức chính trị - xã hội đứng ra làm chủ đầu tư một dự án nhà ở có thể đem lại hiệu quả hay hậu quả, chúng ta đã có thể nhìn thấy rõ, khi sự “vỡ trận” của các khu thiết chế Công đoàn được triển khai ở nhiều tỉnh thành đã không chỉ còn là nguy cơ.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi cũng cho rằng, kế hoạch xây dựng thiết chế Công đoàn hiện tại không phải là đứng trước nguy cơ vỡ trận nữa mà thực tế đã vỡ trận rồi.

Để xây dựng được các khu nhà ở công nhân với hạ tầng đồng bộ, kết nối với các khu công nghiệp đòi hỏi rất nhiều vấn đề mà chúng tôi cho rằng, nó vượt tầm khả năng của Liên đoàn Lao động.

Khi Tổng LĐLĐVN được chấp thuận đề án xây dựng các thiết chế Công đoàn có thể nói không ít công nhân, người lao động vui mừng mà mong muốn được hưởng chính sách này sớm nhất. Nhưng Tổng LĐLĐVN đã không lượng được sức mình khi 3 khu thí điểm xây dựng thiết chế Công đoàn đều dang dở, không thể đưa vào sử dụng nhưng kế hoạch lại triển khai tới 50 khu thiết chế Công đoàn trên cả nước trong năm nay và hiện đã có 41 địa phương đồng ý bố trí đất, mỗi khu đất có diện tích từ 1 - 5ha, đủ điều kiện, tiêu chí để xây dựng thiết chế Công đoàn. Lẽ ra, phải tập trung thí điểm ở một khu trước, xem có khả thi không thì mới làm đề án và triển khai nhân rộng, đường này lại triển khai tràn lan dẫn đến thực tế lãng phí nguồn lực đất đai như hiện nay.

Trong việc này chủ trương là tốt nhưng cách làm lại không có hiệu quả, dẫn đến không huy động được sức mạnh từ nhà đầu tư, doanh nghiệp và địa phương.

PV: Nút thắt lớn nhất của các doanh nghiệp trong việc triển khai xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trong thời gian qua là quỹ đất, sau đó là nguồn vốn. Trong khi đó, Tổng LĐLĐVN lại có đủ hai yếu tố này nhưng không thể thực hiện được. Giải quyết mâu thuẫn này như thế nào, thưa các chuyên gia?

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ: Nếu Công đoàn có thể tiết kiệm chi phí nào đó tạo ra nguồn tài chính để phục vụ cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân, thì có thể liên kết với một doanh nghiệp bất động sản chuyên nghiệp để họ đứng ra làm việc đó, còn Công đoàn chỉ đứng ra chịu trách nhiệm hỗ trợ kinh phí ở mức độ bao nhiêu phần trăm… Đó cũng là cách đầu tư và thu thêm quỹ cho Công đoàn.

Các tổ chức chính trị - xã hội như Tổng LĐLĐ có sức mạnh trong việc vận động, quyên góp, đứng ra giám sát đối với các dự án đầu tư từ các thành phần kinh tế khác để giải quyết nhà ở cho đối tượng họ quản lý, thậm chí họ có thể đứng ra làm đơn vị bảo đảm, bảo lãnh để người công nhân có thể vay tiền mua nhà ở xã hội mà không cần có tài sản thế chấp hay đứng ra quyên góp từ các nhà hảo tâm, xã hội hóa để tạo nguồn tiền đầu tư. Còn việc đầu tư xây dựng thì phải kết hợp với doanh nghiệp.

Ở Indonesia, họ làm công tác này rất hiệu quả là bởi họ đặt đúng sở trường của các tổ chức xã hội vào vị trí cần thiết để giải quyết các vấn đề nhà ở cho công nhân.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Tổng LĐLĐVN có chủ trương tạo lập các khu thiết chế Công đoàn cho nhà ở công nhân, họ có vốn và được hỗ trợ quỹ đất sạch nhưng không có khả năng triển khai dự án, họ cần xem lại năng lực của mình để có cách làm phù hợp.

Việc xây dựng các khu nhà ở công nhân đặt trong sự đồng bộ, liên kết với các khu công nghiệp và khu dân cư khác, chứ không phải để tách rời. Đây cũng có thể là một trong những lý do khiến khu thiết chế Công đoàn có nơi đã hoàn thành cơ bản nhưng không ai sử dụng, bỏ hoang và xuống cấp trầm trọng.

Nếu cho rằng, Tổng LĐLĐVN là cơ quan thuộc tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư với mục đích xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê thì tại sao không mời, thuê hay liên kết với các doanh nghiệp tư nhân có kinh nghiệm phát triển bất động sản.

Chủ thể đứng ra làm chủ đầu tư phải là các doanh nghiệp, vai trò của Liên đoàn là lo cho đời sống của công nhân, người lao động, nếu như họ trích quỹ ra để hỗ trợ doanh nghiệp, có thể theo hình thức góp vốn thì câu chuyện này sẽ được triển khai rất tốt.

Giải pháp nào cho nhà ở công nhân?

PV: Trước khi có kế hoạch xây dựng các thiết chế Công đoàn và cả sau khi kế hoạch này được triển khai thì việc xây dựng nhà ở công nhân vẫn luôn bế tắc khi nguồn cung thiếu hụt rất lớn so với nhu cầu. Theo các chuyên gia, giải pháp tốt nhất để giải quyết bài toán an sinh cho người lao động tại các khu công nghiệp là gì?

TS. Nguyễn Văn Đính: Việc phát triển nhà ở công nhân cần phải có sự nghiên cứu một cách toàn diện, kỹ lưỡng: Ở đâu cần, chỗ nào phù hợp?

Gần như ở hầu hết các địa phương trên cả nước đang có hiện tượng tạo ra những quỹ nhà đúng đắn về chủ trương như nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở cho người nghèo. Nhưng việc thực hiện chưa đúng. Chỗ cần thì không triển khai, chỗ không cần thì lại ồ ạt triển khai, có khi là để làm cho xong việc, làm cho có thành tích.

Rõ ràng, hiện tượng nhà bỏ hoang sau khi xây xong là chuyện bình thường.

Nếu ở cạnh khu công nghiệp có một khu nhà ở cho công nhân thì rất tốt, nhưng hiện còn nhiều vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn, phức tạp trong các quy định của pháp luật. Một dự án khu công nghiệp lại thuộc về ngành công nghiệp, không thuộc lĩnh vực bất động sản. Nên phát triển một khu công nghiệp lại không phát triển đi kèm khu nhà ở công nhân và các hạ tầng khác. Ngược lại, phát triển khu nhà ở dành cho công nhân, người lao động lại không gắn với khu công nghiệp.

Một chủ đầu tư chuyên làm khu công nghiệp họ chỉ làm khu công nghiệp. Chủ đầu tư chuyên làm bất động sản chỉ thích phát triển bất động sản. Chúng tôi chưa nhận thấy ở Việt Nam có những dự án đồng bộ bao gồm cả khu công nghiệp, cả hạ tầng phục vụ cho cuộc sống của những người lao động làm việc tại các khu công nghiệp.

Các chính sách đều có sự quan tâm đến việc phát triển các loại hình nhà ở cho công nhân, đặc biệt là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp tập trung, các khu chế xuất tập trung, tuy nhiên, các quy định của chúng ta đang rời rạc, chưa có sự gắn kết thực sự để tạo ra hiệu quả.

Cơ chế khuyến khích đã có, vấn đề là chúng ta phải xác định được hệ thống phát triển đồng bộ giữa khu công nghiệp và hạ tầng của khu công nghiệp đó tạo thành dự án phức hợp.

Để hình thành một khu công nghiệp, bắt buộc phải nghiên cứu phát triển khu dân cư đi kèm, đảm bảo mọi điều kiện, từ việc cự ly đi lại làm việc, đến chất lượng sống để tái tạo sức lao động và các quyền lợi an sinh của họ.

Khi phê duyệt một dự án khu công nghiệp thì bắt buộc trong quy hoạch phải có khu dân cư, khu nhà ở cho công nhân cũng như hạ tầng đồng bộ. Và khu công nghiệp đó phải là khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp xanh.

GS. Đặng Hùng Võ: Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế (có hiệu lực từ 10/07/2018) cho phép quy hoạch và phát triển KCN - đô thị - dịch vụ đã mở ra một hướng đi để giải quyết cho vấn đề thu hút lao động và giải quyết nhu cầu an sinh của người lao động tại các KCN. Chính sách này được kỳ vọng có thể giải quyết nhà ở cho công nhân cũng như các hạ tầng xã hội, từ nhà trẻ, trường học, khu vui chơi đến các hạ tầng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đời sống công nhân lao động.

Nghị định 82 nếu được thực hiện quyết liệt thì nó sẽ đưa ra những lời giải mang tính khả thi hơn, khi một chủ đầu tư có thể đầu tư vào công nghiệp và đồng thời đầu tư vào đô thị, dịch vụ. Đó cũng là cách để thu hút được đầu tư của khu vực tư nhân nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong việc thực hiện Nghị định này, chúng ta phải đưa ra các tiêu chí: Khí thải, nước thải, chất thải rắn phải ở mức độ nào là cho phép... Chúng ta nói KCN phải sạch nhưng không hề nói như thế nào là sạch, không đưa ra các quy định mức độ gây hại của các chất thải. Chúng ta mới chỉ nói chung chung mà chưa đưa ra các tiêu chí chi tiết. Tư duy quản lý chưa rõ ràng. Tất cả các điều trong luật đều sử dụng tư duy định tính, không được gắn với các chỉ số. Nếu không đưa ra những tiêu chí cụ thể về vấn đề đảm bảo yếu tố môi trường thì không nên phê duyệt cho phép làm khu đô thị trong KCN.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Những định hướng chính sách cho việc phát triển mô hình này như Nghị định 82/2018 đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong việc tham gia phát triển khu đô thị công nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển theo mô hình khu đô thị công nghiệp đòi hỏi một lượng vốn lớn và nhiều yêu cầu khắt khe khác, do đó, cơ hội chỉ dành cho những chủ đầu tư chuyên nghiệp, có năng lực và tiềm lực tài chính cùng sự đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên có sự liên kết với nhau để có sự đầu tư hiệu quả, bài bản và đúng quy hoạch, đúng tiến độ.

Khi khu công nghiệp gắn với khu đô thị và dịch vụ, đòi hỏi các KCN phải đảm bảo yếu tố xanh, sạch, sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, nhằm tạo ra một không gian sống và làm việc an toàn, chất lượng.

Chúng ta không thể tách rời KCN và khu đô thị như trước đây. Rõ ràng, nhiều KCN đã hình thành lên nhưng không có bất động sản dân dụng (khu đô thị, hạ tầng tiện ích), không có nhà ở cho công nhân, cán bộ dẫn đến rất nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội nên phải bỏ hoang, hoặc chỉ được lấp đầy một phần. Bất động sản công nghiệp không thể phát triển bền vững nếu không đi kèm với bất động sản dân dụng.

PV: Trong bối cảnh Việt Nam đang “dọn tổ đón đại bàng” để đón làn sóng FDI mới, vấn đề an sinh cho người lao động trong các khu công nghiệp có lẽ càng trở thành một đòi hỏi bức thiết?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Hiệp định CPTTP cùng với EU - Việt Nam FTA, được gọi là những FTA thế hệ mới, với đặc điểm là nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động, cũng như bảo vệ tính bền vững của môi trường, để đảm bảo rằng tự do thương mại sẽ đóng góp vào phát triển bền vững, đồng thời giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng. Do đó, điều kiện ăn ở, làm việc của người lao động là tiêu chí bắt buộc để các doanh nghiệp FDI lựa chọn hợp tác.

Nếu như chúng ta không kịp thời cải thiện nhà ở, điều kiện sống cho công nhân, người lao động thì rất khó để thu hút các “đại bàng”. Việc phê duyệt các dự án khu công nghiệp cần phải gắn liền với xây dựng nhà ở cho công nhân, như một điều kiện bắt buộc đi kèm.

GS. Đặng Hùng Võ: Chúng ta đang sốt sắng đón đầu luồng đầu tư dịch chuyển của các nước từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, đã có tập đoàn nào vào Việt Nam đâu? Ví dụ cơ sở sản xuất chính của Apple tại Trung Quốc sẽ di chuyển sang Ấn Độ hoặc Malaysia, còn Việt Nam chỉ sản xuất phụ trợ. Chúng ta nói “dọn tổ” để đón “đại bàng” nhưng “đại bàng” đã bay đi rồi. Chính vì vậy, ta cần nhìn vào câu chuyện thực tế để tránh tình trạng đầu tư ồ ạt dẫn đến dư thừa. Theo đó, cần hướng đến sự đầu tư chất lượng và dài hạn, tạo ra những dự án khu công nghiệp đô thị đồng bộ, trong đó có nhà ở và các hạ tầng tiện ích khác phục vụ đời sống an sinh của công nhân. Phát triển công nghiệp phải gắn liền với đô thị hóa. Sự đầu tư của các doanh nghiệp có tiềm lực là rất cần thiết lúc này.

- Xin cảm ơn các chuyên gia!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top