Nhờ chiến lược quy hoạch thông minh, Nhật Bản trở thành quốc gia xanh "mẫu mực"

- 06:27, 19/09/2016 G9T+7 - Theo Khánh Phương/Báo Xây dựng

Nhật Bản đã có thời gian phải đối mặt với thời kỳ đô thị hóa nhanh chóng. Bên cạnh những thành tựu trong phát triển đô thị, quốc gia này cũng gặp phải nhiều thách thức nhưng cuối cùng họ đã thành công nhất định trong phát triển đô thị.

Sau thế chiến thứ 2, Nhật Bản bước vào thời kỳ phát triển và đô thị của Nhật Bản cũng phải đối mặt với các vấn đề mà đô thị Việt Nam hiện đang gặp phải như dân số tập trung quá đông ở đô thị, giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp, ô nhiễm môi trường…

Nhiều thành phố trong những năm 1960 - 1980, dân số đột nhiên tăng. Hậu quả của sự gia tăng đột biến về dân số đã dẫn tới đô thị phát triển không kiểm soát được, thiếu nhà ở, cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp, ô nhiễm môi trường tăng nhanh, ùn tắc giao thông… Để giải quyết các vấn đề tồn tại đầy thách thức trong quá trình phát triển đô thị, Nhật Bản đã đi từ quy hoạch.

TP Tokyo rực rỡ. (Ảnh: Internet)

TP Tokyo rực rỡ. (Ảnh: Internet)

Tại Nhật, quy hoạch được xem là một chương trình quảng bá xúc tiến đầu tư nghiêm túc. Sau khi quy hoạch hoàn chỉnh, sẽ được công bố rộng rãi trước công chúng, đặc biệt về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch hạ tầng. Mục đích của việc này là để các nhà đầu tư và nhân dân cùng tham gia thực hiện.

Điểm đặc biệt nhất trong quy hoạch đô thị Nhật Bản là trong các chương trình phát triển đô thị có quy định tối thiểu 40% dự án phải ưu tiên cho địa phương quản lý thực hiện. Khi quy hoạch được lập nên, cần lấy ý kiến cộng đồng rất nhiều lần, đảm bảo 70% tự nguyện chấp thuận thì quy hoạch đó mới được phê chuẩn.

Khi quy hoạch đó được phê chuẩn, được sự đồng thuận thì sẽ được chuyển tải thành các quy định (gọi là chính sách phát triển đô thị) được chính quyền đô thị thực hiện. Đây là công cụ pháp lý tương đương một văn bản dưới luật. Khi bản quy hoạch được phê duyệt sẽ trở thành công cụ chính thức để thực hiện quy hoạch. Khi đó sẽ được thông báo và quảng bá rộng rãi đến cộng đồng và có hiệu lực từ ngày được chính thức công bố.

Sau khi các đồ án quy hoạch được phê duyệt, các dự án do chính quyền thành phố/chính quyền địa phương đảm nhiệm. Các dự án do Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) phê duyệt/ thẩm định trình Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ tiến hành triển khai thực hiện quy hoạch. 

Quy hoạch đô thị có 3 sản phẩm chính: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng và danh mục các dự án phát triển.

Quy hoạch sử dụng đất chủ yếu trong các đồ án quy hoạch đô thị, xác định đề xuất hai khu vực cơ bản: khu vực khuyến khích phát triển đô thị và khu vực kia là hạn chế phát triển. Các khu vực này được chia nhỏ từng lô với các quy định chặt chẽ về thiết kế kỹ thuật công trình đô thị.

Quy hoạch các quận/huyện vô cùng quan trọng trong quản lý phát triển đô thị. Quy hoạch này có nội dung liên quan đến thiết kế kỹ thuật đô thị, đưa ra những nguyên tắc và hướng dẫn xây dựng đô thị hoặc hướng dẫn bảo tồn/giữ gìn cho từng khu vực đô thị. Vì vậy, qui hoạch quận, huyện cũng có thể xem là phần bổ sung chi tiết cho quy hoạch sử dụng đất toàn thành phố. Quy hoạch này đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả đặc biệt với các khu vực chuyển đổi chức năng và các khu vực đất trống trong đô thị.

Các dự án phát triển đô thị gồm: dự án phát triển khu dân cư đô thị và các dự án xây dựng hạ tầng. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể có thể giao cho các đối tác có đủ tiềm lực về tài chính và chuyên môn thực hiện.

Các dự án này đều yêu cầu đảm bảo chất lượng môi trường đô thị và làm hài lòng các nhóm lợi ích tham gia phát triển. Dự án phát triển khu dân cư đô thị được phân thành 2 loại: dự án phát triển đô thị mới gắn với các khu công nghiệp, khu kinh tế và dự án tái phát triển khu dân cư hiện có.

 

 Việc cấp phép chuyển đổi chức năng sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình kiến trúc đều rất được coi trọng. Để hạn chế tình trạng sử dụng đất thiếu kiểm soát, việc cấp phép đầu tư cho tư nhân được kiểm duyệt rất nghiêm ngặt. Các khu vực đã lập dự án khả thi với quy hoạch 1/500 được chuyển tải thành quy chế với các quy định trong sử dụng đất mang tính bắt buộc.

Các quy định về thiết kế kỹ thuật đô thị cho phép mềm dẻo hơn nhưng vẫn tuân thủ theo các quy chuẩn và các quy định của quy hoạch chung đô thị. Chính quyền đô thị tại địa phương triển khai các hạng mục trong quy hoạch được duyệt phù hợp với phân công về quản lý của nhà nước. Hạ tầng đường sá với ít nhất 4 làn xe, các dự án cải tạo nâng cấp các khu dân cư đô thị có quy mô ít nhất 50 ha do cấp tỉnh quản lý thực hiện.

Việc lập quy hoạch và lập các dự án đô thị trực thuộc 2 tỉnh hoặc nhiều hơn sẽ được phê duyệt bởi bộ MLIT. Cán bộ tham gia xây dựng chính sách được tuyển dụng từ các ban ngành có liên quan đến quy hoạch, xúc tiến đô thị hoá hoặc quản lý xây dựng.

Dự án cấp vùng và quốc gia sẽ được thực hiện bởi các cơ quan tầm cỡ quốc gia phối kết hợp với tổng công ty lớn ví dụ như Tổng công ty Đường bộ Nhật đảm nhận. Các dự án khác được thực hiện trên có sở có đồng thuận của bộ MLIT và chính quyền địa phương. Các đơn vị tham gian thực hiện dự án có thể là tổ chức nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các công ty cổ phần thực hiện.

Ngày nay, Nhật Bản đã thành công trong xây dựng đô thị nhỏ gọn, thân thiện môi trường, giảm lượng CO2, phát triển đô thị trung tâm, đồng thời tiến hành chiến lược thông minh thu gọn các vùng ngoại ô, đạt được đô thị bền vững.

* Tittle do Reatimes đặt lại

Bạn đang đọc bài viết Nhờ chiến lược quy hoạch thông minh, Nhật Bản trở thành quốc gia xanh "mẫu mực" tại chuyên mục của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục