Các đô thị thông minh trên thế giới thường được xây dựng từ mảnh đất hoàn toàn mới, thậm chí diện tích rất nhỏ, dân số khá ít nhưng cư dân ở đây là những người có học vấn cao, có lối sống văn minh đô thị, trong khi đó Việt Nam lại đưa mô hình này vào các thành phố đang tồn tại rất nhiều bất cập.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia lo ngại tính khả thi của cái gọi là “đô thị thông minh” ở Việt Nam. TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đô thị thông minh là một khái niệm rộng lớn gồm nhiều yếu tố: kinh tế thông minh (phát triển bền vững, có năng lực cạnh tranh), kết cấu hạ tầng thông minh (giao thông, dịch vụ đồng bộ, phúc lợi công cộng, môi trường an toàn, giáo dục, văn hoá, lao động việc làm, phân phối...), cư dân thông minh, tài nguyên thiên nhiên, cuộc sống thông minh (chất lượng sống tốt cho mọi cư dân) và không thể thiếu là quản lý đô thị cũng là quản lý thông minh.
Ở một số nước trên thế giới, họ áp dụng khá đồng bộ những yếu tố này vào nh đô thị mới, nhưng đô thị mà chúng ta chúng ta áp dụng phần lớn là đô thị cũ, vì thế, khó có thể đồng bộ và việc áp dụng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Minh Hoà cho rằng, tất cả các thành phố thông minh trên thế giới đều được xây dựng từ mảnh đất hoàn toàn mới, thậm chí diện tích rất nhỏ, dân số khá ít, thường dưới 500.000, nhưng đầu tư cực lớn, trong khi cả đất nước Việt Nam dự trữ mới 35 tỷ USD.
Cư dân ở đây là những người có học vấn cao, có lối sống văn minh đô thị, có sự quyết tâm cao của chính quyền, sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, hoặc những tập đoàn đầu tư tuyệt đối. Mục tiêu chỉ thực hiện vài điểm cơ bản.
phải có cư dân thông minh mới có được thành phố thông minh, nên phải phổ thông hoá những dữ kiện thông minh để người dân hiểu được. Nhưng ở Việt Nam, người dân có thể bẻ các bộ phận cảm biến này để bán với giá vài chục ngàn thì sao?
Bên cạnh đó, phải có một đội ngũ chuyên gia cực giỏi, bài toán của thành phố thông minh không phải là công nghệ mà bài toán về xã hội.
Nếu không có chính quyền thông minh, lãnh đạo thông minh để ra quyết định đúng, lựa chọn đúng, dám thực hiện và thực hiện hiệu quả thì công nghệ chỉ là vô ích, thậm chí phản tác dụng. Công nghệ có thể mua, chỉ là công cụ, còn xây dựng thể chế cho thành phố thông minh là điều không dễ.
Bày tỏ quan điểm trên báo chí, KTS Huỳnh Định Chiến : “Tư duy thành phố thông minh phải từ lãnh đạo thông minh, đó là bài toán mở, là cái lõi của vấn đề. Đi du lịch ở những xứ có lãnh đạo thông minh, thấy TP của họ rất bài bản, hài hoà, những công trình kiến trúc cổ đều được giữ nguyên, TP mới họ xây dựng ở vùng vành đai hết. Nhìn góc độ Sài Gòn, tôi thấy mô hình thành phố thông minh khó khả thi, vì không hài hoà, thân thiện.
Đối với Việt Nam, trong điều kiện hiện tại, xây dựng thành phố thông minh giống như nghe một câu chuyện thần thoại. Tôi không bình tiêu chuẩn đó ép vào Việt Nam như thế nào, tôi chỉ bàn về vấn đề loài người. Nếu tiến hoá về sinh học và trí thức loài người theo kịp mới phát triển thành phố thông minh. Nếu ai thích tự do như chim trời sẽ không thích thành phố thông minh. Phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ đến mức không suy nghĩ, không hành động thì bộ não sẽ teo đi. Ngày xưa người Anh nghĩ ra hướng đạo chính là vì người nước Anh “ lên xe xuống ngựa”, mất hết kỹ năng. Đừng để con người bị kỹ thuật bắt làm con tin, vận hành như một tín hiệu thông tin trong bộ máy khổng lồ”.
Theo các chuyên gia, để xây dựng một đô thị thông minh, hãy bắt đầu từ chính quyền phải tạo ra một thể chế quản lý thông minh.
“Nếu không có người cung cấp thông tin, mô hình đô thị thông minh sẽ trở thành vô dụng. Không thành phố nào trên thế giới có thể lắp đặt camera ở tất cả mọi ngõ ngách và điện tử hóa mọi công trình hạ tầng. Công nghệ chỉ là nền tảng, cốt lõi của thành phố thông minh vẫn là con người. Xây dựng đô thị thông minh là tạo ra kết nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân” – Nhà quy hoạch Singapore Nguyễn Đỗ Dũng nêu quan điểm.