Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương – Cần Thơ vào năm 2019

- 10:22, 11/03/2017 G3T+7 - Nhật Bình

Ngày 10/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dẫn đoàn công tác đi kiểm tra thực địa tuyến cao tốc Sài gòn – Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - tuyến cao tốc “xương sống” cho sự phát triển của toàn vùng ĐBSCL. Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, đơn vị liên quan phải tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2019.

Thị sát đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương tại một số nút giao trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu báo cáo tổng quan về Mạng lưới giao thông vận tải đường bộ khu vực ĐBSCL và Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Theo đó, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 14.678 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT, triển khai từ năm 2015. Dự án dự kiến triển khai thi công bắt đầu từ quý II năm 2017 và hoàn thành vào quý III năm 2020. Nguồn kinh phí hoàn vốn cho dự án sẽ từ hai nguồn: Thu phí đoạn cao tốc TP. HCM - Trung Lương (khoảng 11 năm) và thu phí đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận (khoảng 20 năm). Công trình này ảnh hưởng đến hơn 2.300 hộ dân ở  26 xã, phường của  5 huyện, thị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. 

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 6.384 tỷ đồng theo hình thức BOT, đã được phê duyệt đề xuất năm 2016, hiện đang triển khai công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Tiến độ dự kiến triển khai thi công bắt đầu từ quý III năm 2018 và hoàn thành vào quý III năm 2021. Toàn bộ vốn đầu tư cho dự án là vốn vay thương mại, không sử dụng ngân sách.

Tại cuộc làm việc, chủ đầu tư, nhà thầu cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp để rút ngắn thời gian thi công; kiến nghị điều chỉnh mức, thời hạn thu phí, kiến nghị các ngân hàng ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn để đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết do thời gian vay vốn dài (từ 11 - 20 năm), trong khi đó nguồn vốn huy động trong nước phần lớn (70%) là ngắn hạn, nên các ngân hàng thương mại sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi quyết định cho vay. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là trao tự chủ cho các ngân hàng thương mại trong việc quyết định cho vay đối với các dự án BOT. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đề nghị chủ đầu tư làm việc thêm với các ngân hàng thương mại để đa dạng nguồn vốn, đảm bảo cân đối khả năng chi trả.

Thị sát đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương tại một số nút giao trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương tại một số nút giao trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Phó Thủ tướng Chính phủ  cho rằng, so với cả nước hệ thống hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL còn hạn chế và bất cập.

Đặc biệt tuyến Quốc lộ 1 từ TP. Cần Thơ đến TP. HCM đã quá tải, là “nút thắt” gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Do đó việc xây dựng hoàn thiện tuyến đường cao tốc từ TP. HCM - Cần Thơ là cần thiết, là “xương sống” kết nối vùng ĐBSCL và TP. HCM, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội và giảm tai nạn giao thông, đảm bảo tính mạng của con người .         

Trước nhu cầu bức thiết đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh Tiền Giang - Đồng Tháp, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ cùng các nhà đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn… phải gấp rút triển khai thi công, xây dựng các dự án xây dựng đoạn đường cao tốc từ Trung Lương (Tỉnh Tiền Giang) đến thành phố Cần Thơ một cách gấp rút.

Theo đó, chậm nhất đến năm 2019 phải đưa vào sử dụng, sớm hơn dự kiến từ 1 - 2 năm để kết nối với đoạn cao tốc TP. HCM - Trung Lương. Trong đó, đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận rút ngắn 1 năm, đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ rút ngắn 2 năm. Việc thi công các công trình này phải đảm bảo an toàn, chất lượng, hạn chế gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng dự án.

“Các công trình này phải nhanh, bởi đây là nút thắt, là điểm nghẽn ảnh hướng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của vùng, ảnh hưởng đến đến chất lượng cuộc sống và an toàn tính mạng của người dân. Riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ phải hoàn thành sớm 2 năm, nhưng thi công phải đảm bảo an toàn đối với người lao động”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng khẳng định việc ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng GTVT trên cả nước, đặc biệt là khu vực ĐBSCL thời gian qua đã góp phần quan trọng góp phần phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng địa phương, các khu vực và cả nước. Tuy nhiên, hạ tầng GTVT vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trục cao tốc “xương sống” kết nối TP. HCM với các tỉnh ĐBSCL và các trục cao tốc ngang chưa triển khai thực hiện được, do đó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng năm 2030, mạng lưới đường bộ khu vực ĐBSCL gồm các trục dọc và trục ngang. Trục dọc gồm các tuyến N1, N2 (đường Hồ Chí Minh), cao tốc TP. HCM - Cần Thơ và tuyến Quản Lộ -  Phụng Hiệp, Quốc lộ 1, các trục Quốc lộ 50, 60. Trục ngang gồm các tuyến Quốc lộ 62, 30, 53, 91, 80 và tuyến Nam sông Hậu.

Riêng về hệ thống đường cao tốc hiện có 91 km đoạn đang khai thác (TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP. HCM - Trung Lương), 106 km đang thi công xây dựng (Bến Lức- Long Thành, Trung Lương- Mỹ Thuận) và 24 km đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đang chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra còn một số đường cao tốc theo quy hoạch, bao gồm Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 200 km, Hà Tiên -Rạch Giá - Bạc Liêu dài 225 km và Cần Thơ - Cà Mau dài 150 km. 

Bạn đang đọc bài viết Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương – Cần Thơ vào năm 2019 tại chuyên mục của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục