Quy hoạch 2 bên sông Hồng: Vì sao hàng thập kỷ vẫn "án binh bất động"?

- 05:59, 31/03/2017 G3T+7 - Xuân Tùng

Việc lập quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng đã được Hà Nội ấp ủ từ những năm 90 của thế kỷ XX, trải qua nhiều đời Bí thư, Chủ tịch của Hà Nội nhưng đến nay vẫn còn dang dở.

Quy hoạch 2 bên sông Hồng là một quy hoạch phân khu của Hà Nội nên đây cũng chỉ là một quy hoạch bình thường như mọi quy hoạch phân khu khác và là “cái bé” trong “cái lớn”. “Cái lớn” ở đây là Quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011.

Thực tế, việc lập quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng đã được Hà Nội ấp ủ từ năm những 1990 của thế kỷ XX, trải qua nhiều đời Bí thư, Chủ tịch của Hà Nội nhưng đến nay vẫn còn dang dở.

Lần lượt ra đời nhưng đều... "chết yểu"

Năm 1994 đã từng có dự án “Trấn sông Hồng” do Singapore dự kiến thực hiện. Thời gian đó, đối tác Singapore dự tính thiết lập một khu dân cư hiện đại với các cao ốc, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng phía ngoài đê sông Hồng. Sau đó, một ban dự quản lý dự án được thành lập. Tuy nhiên, sau đó dự án “chết yểu” do không thống nhất được các vấn đề liên quan tới trị thủy.

Năm 2001, dưới sự tài trợ của Hàn Quốc, đề án “Thành phố bên sông Hồng” cũng đã ra đời, với quy mô đầu tư dự kiến lên tới 7 tỷ USD, 2.500ha và vài vạn dân số.

Đối tác Hàn Quốc dự tính chuyển đê cũ ra ngoài, xây bờ kè cứng, phác thảo một thành phố bên sông với hàng loạt nhà cao tầng hiện đại, lung linh. Tuy nhiên, đề án này tiếp tục vấp phải sự phản đối kịch liệt của các chuyên gia về thủy lợi.

Tới năm 2006, “siêu dự án” xây dựng thành phố 2 bên sông Hồng với số vốn đầu tư tạm tính lên tới 7,1 tỷ USD, tạo ra nơi cư trú của 318.180 người, tương đương dân số của 2 quận nội thành Hà Nội, tiếp tục được khởi động.

Tuy nhiên, sau vô số hội nghị, hội thảo, triển lãm, gây ra nhiều tranh luận, phản biện khác nhau từ nhiều phía, dự án Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội một lần nữa rơi vào cảnh “án binh bất động”.

Mô hình một đồ án quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng.

Mô hình một đồ án quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng.

Đầu năm 2011, “siêu dự án” này lại được tái khởi động một lần nữa. Tuy nhiên, thời điểm đó, do sông Hồng chưa được phê duyệt hệ thống bảo vệ đê và phân lũ nên thành phố chưa có căn cứ phê duyệt việc lập quy hoạch này.

Đầu năm 2015, sau khi hệ thống bảo vệ đê và phân lũ sông Hồng được phê duyệt, đây là lúc việc lập quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng mới đủ điều kiện để tiến hành.

"Thời điểm vàng" cho quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng?

Sau nhiều năm lỡ dở, thời điểm này, lãnh đạo của Hà Nội đang tỏ ra rất quyết tâm trong việc lập quy hoạch thành phố ven sông Hồng. Để củng cố cho quyết tâm trên, Hà Nội đã lập ra Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức chung làm Trưởng ban.

Hà Nội nêu ra hàng loạt “đầu bài” cho việc lập quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng. Đó là việc nghiên cứu quy hoạch phải theo hướng: đảm bảo phòng chống lũ, tạo lập một đô thị hiện đại, khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo quỹ đất cho Thành phố để tạo nguồn lực thực hiện quy hoạch; ưu tiên tái định cư tại chỗ; phát triển giao thông vận tải và du lịch đường sông; nghiên cứu phương án quy hoạch tuyến đường dọc hai bên sông kết hợp làm đê ngăn lũ.

Đồng thời, Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch theo 2 phương án, từ đó xác định cụ thể công nghệ, kỹ thuật áp dụng vào quy hoạch:

Phương án 1: Quy hoạch xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo khai thác quỹ đất phát triển đô thị và giữ an toàn nội đô (chống lũ trên báo động 3), thay thế cho tuyến đê hiện tại.

Phương án 2: Quy hoạch xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo chống lũ báo động 2; bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng hệ thống hồ, kênh thu nước, phục vụ tiêu thoát nước hỗ trợ tuyến đê phía trong (đê hiện tại) đảm bảo chống lũ trên báo động 3....

Theo tìm hiểu của PV Reatimes, giai đoạn này, đồ án lập quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng mới đang dừng ở mức độ dựng ý tưởng. Lãnh đạo TP. Hà Nội cho rằng, muốn làm tốt quy hoạch. cần phải có các phương án so sánh để cân nhắc, lựa chọn được đồ án tối ưu nhất.

Vì vậy, ngoài Viện Quy hoạch và Xây dựng, Hà Nội đã đưa ra kế hoạch mời thêm một số đơn vị khác tham gia vào việc lập quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng. Lãnh đạo thành phố đã đồng ý với đề xuất, giao cho 3 đơn vị trong lĩnh vực BĐS, hỗ trợ kinh phí để mời một số đối tác nước ngoài tham gia vào việc lập quy hoạch 2 bên sông Hồng.

Đầu tháng 3 vừa qua, sau khi các doanh nghiệp giới thiệu một số đối tác, Hà Nội đã đồng ý và giao cho các đơn vị liên quan cung cấp số liệu làm ý tưởng để so sánh với đồ án của Viện Quy hoạch và Xây dựng.

Theo nguồn thông tin riêng của Reatimes, hiện để hạ quyết tâm sớm lập được quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng, Hà Nội đã đề ra kế hoạch trong 18 tháng phải xong việc này, với lộ trình khá rõ ràng: 3 tháng đầu xây dựng ý tưởng, 3 tháng tiếp theo hoàn chỉnh ý tưởng, 3 tháng nữa lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, Bộ, ngành, người dân... Sau khi lấy ý kiến, tiếp tục hoàn thiện ý tưởng, những vấn đề gì vượt quá thẩm quyền sẽ trình lên Chính phủ quyết định. Sau khi hoàn tất tất cả các ý tưởng mới phê duyệt quy hoạch 1/5000, sau đó là 1/500 và sau đó mới làm dự án.

Mặc dù vậy, trao đổi với Reatimes, lãnh đạo một đơn vị tài trợ kinh phí cho UBND TP. Hà Nội mời đối tác nước ngoài vào nghiên cứu lập quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng cho biết, từ khi thực hiện ý tưởng đến khi phê duyệt quy hoạch 1/5000 là cả một quá trình dài, tốn kém thời gian và tiền của.

Tuy nhiên, quy hoạch 1/5000 cũng chưa thể triển khai mà phải chờ đến khi 1/500 được phê duyệt, sau đó mới có thể bắt tay thực hiện các công việc liên quan. Hiện lãnh đạo TP. Hà Nội đang giao các đơn vị tư vấn báo cáo trước 30/3/2017 để chọn ý tưởng và lúc đó mới lựa chọn ai sẽ làm quy hoạch.

“Cái Hà Nội cần nhất bây giờ là phải lập được quy hoạch 1/5000, từ đó nhà đầu tư nước ngoài mới có cơ sở pháp lý để “nhảy vào” đầu tư quy hoạch lại thành phố 2 bên sông Hồng. Còn nếu cứ chần chừ thì sẽ không bao giờ làm được”, lãnh đạo một đơn vị tài trợ cho biết.

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch 2 bên sông Hồng: Vì sao hàng thập kỷ vẫn "án binh bất động"? tại chuyên mục của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục