Nhật Bản, Hong Kong và Singapore thành công nhưng không đầy đủ
Nhật bản là một trong số những quốc gia Châu Á đầu tiên tiến hành việc kiểm soát sự phát triển ngày một mở rộng của đô thị lớn nhất nước này, Tokyo, thông qua việc ban hành Luật Phát triển vùng đô thị quốc gia vào năm 1956. Theo đó, việc tạo ra các đô thị vệ tinh và vành đai (cây) xanh là biện pháp được thực hiện để san sẻ dân số “khủng” của Tokyo và ngăn chặn sự “bành trướng” của trung tâm này.
Tuy nhiên, bộ luật này của Nhật Bản có lẽ cũng không đem lại kết quả như mong muốn vì thực tế, dân số của khu vực trung tâm vẫn tăng mạnh. Chẳng hạn, đô thị “nông nghiệp” Tsukuba của Tokyo có quy mô đạt mức 100 nghìn người nhưng sau 10 năm được quy hoạch, xây dựng dân số của nó chỉ là 35 nghìn người. Điều này cho đến nay vẫn tiếp diễn mặc dù nhiều học viện nghiên cứu của chính phủ, một trường đại học quốc gia Nhật Bản đã được chuyển tới Tsukuba và số tiền nước này “rót” vào đô thị vệ tinh trên lên tới 56.5 tỷ USD.
Kể từ khi bộ luật được ra đời và đi vào thực tiễn vào năm 1962, 8 dự án phát triển đô thị vệ tinh được đặt ra, nhưng sau này chúng đều không được hiện thực hóa. Nguyên nhân là do việc thực hiện những dự án này yêu cầu quá nhiều chi phí và nỗ lực. Thay vào đó, việc tái cấu trúc địa lý (sắp xếp lại vị trí) của các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, nhà ở... một cách cân bằng trong phạm vi Tokyo, ví dự như việc di chuyển bộ máy quận đến một vùng đất mới ở phía Tây, lại đạt được thành công.
Trong khi đó, Hong Kong và Singapore đã giải phóng thành công vùng lõi đông đúc dân cư bằng cách phát triển những đô thị vệ tinh mới và có nhiều chỗ ở hơn. Điểm làm nên thành quả đó là nhờ việc tập trung đầu tư xây dựng nhóm nhà ở dành cho những người có thu nhập trung bình, thấp. Tuy nhiên, đến năm 1974, cả hai đô thị vệ tinh này đều bị thành phố lõi “nuốt chửng” trong quá trình “phình to” mất kiểm soát của nó. Singapore cũng gặp phải vấn đề tương tự như vậy.
Hàn Quốc thất bại nối tiếp nhau
Ở Hàn Quốc, cuối những năm 1960, chính phủ nước này đã giải quyết vấn đề nén dân số của thành phố Seoul bằng cách xây dựng thành phố vệ tinh Seongnam, cách đó 25km về phía nam. Tuy nhiên, do đô thị này không thu hút được sự đầu tư công nghiệp và không cung cấp đủ việc làm cho người dân nên dân cư tiếp tục đổ dồn về Seoul.
Năm 1973, một đô thị vệ tinh mới gần đó của Seoul lại được xây dựng, thuộc quận Gyeonggi, nhưng sau đó nó cũng gặp tình trạng tương tự. Không vì thế mà Hàn Quốc từ bỏ giấc mơ đô thị vệ tinh, đầu năm 1970, 10 đô thị vệ tinh trong bán kính 30km của Seoul đã được đưa vào kế hoạch. Sau khi xây dựng đường xe ngầm vào năm 1973, các đô thị vệ tinh của thủ đô Seoul bắt đầu phát triển nhanh.
Giữa năm 1960 và năm 1980, số lượng việc làm ở phố kinh tế ở Soeul giảm từ 17.5% xuống còn 5.7%, trong khi đó, ở các vùng đô thị vệ tinh, con số này tăng từ 82.5% lên 95.3%. Các đô thị Inchon, Suwon, Anyang, Uejeongbu, Seongnam và Bucheon phát triển vượt mức phát triển trung bình của Hàn Quốc. Giữa năm 1970 và 1980, trong khi Soeul chỉ phát triển ở mức 3.4%/năm thì các đô thị vệ tinh đạt mốc tăng trường trung bình 6%/năm, thậm chí Anyang và Bucheon cán mốc 12%/năm.
Tuy nhiên, sự tích tụ dân số ở Seoul không hề có dấu hiệu suy giảm. Năm 1960, lần đầu tiên Seoul rơi vào danh sách 35 điểm tích tụ dân cư lớn nhất thế giới ở vị trí thứ 33 với dân số 2.4 triệu người. 10 năm sau, thành phố này bị đẩy lên vị trí 20 khi dân số đjat 5.4 triệu người.
Trong 5 năm tiếp theo, dân số thủ đô Hàn Quốc gần như tăng gấp đôi và đưa nó lên vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng. Năm 2000, Seoul như một vùng đất chật chội với 13.5 triệu người, lúc này đã là thành phố có mật độ dân số cao thứ 7 thế giới.
Ấn Độ nơi thất bại, nơi thành công
Ở Ấn Độ, những đô thị vệ tinh không phải toàn bộ đều đạt được thành công, chỉ một số ít đạt được kết quả như mong muốn: Gaziabad và Faridabaf-Ballabgarh, hai đô thị vệ tinh của Delhi. Cả hai đô thị này đều có tiềm lực công nghiệp mạnh và nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên vì vị trí quá gần với Delhi, do đó chúng giống như vùng ngoại ô của thành phố này hơn là một đô thị tách biệt.
Đối với các đô thị vệ tinh xa Delhi hơn, như Gurgaon hay Bahadurgarh cách trung tâm 30km và 36km, thực tế, chúng lại không thể phát triển. Hai đô thị vệ tinh phá triển hơn là Mohali và Panchkula, có vị trí ở ngoại thành của Chandigarh, Punjab, trong đó, Mohali là vệ tinh công nghiệp và Panchkula là vệ tinh thương mại và dân cư.
Điều này chỉ ra rằng, những đô thị vệ tinh được xây dựng với tiềm lực kinh tế mạnh và có vị trí ở xa so với thành phố lõi sẽ hiệu quả hơn trong việc làm giảm tải dân số và tắc nghẽn đô thị vì nó kéo và làm giảm số lượng công việc và dịch vụ ở thành phố lõi.
Ở một đô thị vệ tinh thành công, nền tảng kinh tế chính là công nghiệp tại phần lớn quốc gia, nhưng các dịch vụ thương mại, kinh tế và nhà ở cũng rất quan trọng, cần phải được phát triển song song với công nghiệp. Những yếu tố này tuy không phải là dạng cấu trúc việc làm có thể đẩy mạnh sự phát triển của các chủ thể chính của vệ tinh (công nghiệp), nhưng trên thực tế, chúng là nhân tố có tác dụng song hành vừa mang lại lợi nhuận kinh tế vừa thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề nén dân số như mục tiêu ban đầu.