Aa

Shophouse là gì? Có nên đầu tư vào shophouse?

Thứ Tư, 22/07/2020 - 06:18

Vài năm trở lại đây, mô hình shophouse là điểm sáng trên thị trường bất động sản và được nhiều nhà đầu tư săn đón. Vậy shophouse là gì? Có nên đầu tư vào shophouse không?

1. Shophouse là gì?

Shophouse là mô hình nhà ở kiểu mới, nhà ở kết hợp kinh doanh thương mại. Shophouse được thiết kế với cấu trúc xây dựng linh hoạt, có tối thiểu 2 tầng. Đây là loại nhà ở liền kề, được xây dựng ở các trục đường phố, khu vực thương mại, dịch vụ theo quy hoạch được duyệt.

Tuy là loại hình bất động sản mới xuất hiện trên thị trường, nhưng shophouse đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt do có thiết kế thông minh, đa tính năng, vừa có thể kinh doanh, vừa có thể ở và cũng có thể cho thuê để sinh lời.

Shophouse loại hình kinh doanh bất động sản phổ biến hiện nay

Khác với việc thuê mặt bằng có giá thành đắt đỏ từ chủ đầu tư (đôi khi lên đến vài chục nghìn USD/tháng) và chỉ được thuê trong khoảng thời gian ngắn hạn, sở hữu một căn shophouse đồng nghĩa với việc bạn được cấp đầy đủ giấy tờ chứng nhận để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu.

Chính vì vậy, mô hình kinh doanh shophouse tuy mới xuất hiện ở thị trường Việt Nam nhưng lại có sức hút lớn với giới đầu tư. 

2. Ưu điểm vượt trội của shophouse

Vị trí đắc địa

Vị trí đắc địa là một trong những yếu tố quan trọng khi đầu tư vào shophouse

Các căn shophouse thường nằm ở tầng trệt của các khu căn hộ lớn, hoặc mặt tiền đường chính, đông người qua lại. Do đó, các căn shophouse sẽ dễ dàng có được nguồn khách tiềm năng từ chính trong khu đô thị. Đây là một trong những yếu tố đảm bảo cho việc kinh doanh hoặc cho thuê shophouse sẽ sinh lời.

Số lượng hạn chế

Shophouse phục vụ chính cư dân dự án nên số lượng shophouse theo đó cũng ít hơn so với các hạng mục khác như chung cư, biệt thự hay liền kề. Với dự án tầm trung, số lượng shophouse chỉ chiếm khoảng 2 - 3% trên tổng số lượng căn hộ, các dự án lớn hơn như khu đô thị số lượng shophouse có thể lên tới 5%.

Mặt khác, do có vị trí đẹp, cộng với số lượng tung ra thị trường không nhiều, không thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường, vì vậy các căn shophouse lại càng trở nên khan hiếm.

Thiết kế thông minh

Shophouse có thiết kế thông minh sẽ giúp nhà đầu tư khai thác hết mọi tiềm năng 

Các căn shophouse thường được xây dựng từ 2 tầng tách biệt trở nên vì vậy có thể sử dụng với nhiều chức năng. Với lợi thế vị trí cũng như thiết kế đẹp, cùng với việc tách biệt hoạt động ở và kinh doanh, shophouse thích hợp để mở cửa hàng.

Bên cạnh đó, shophouse có thiết kế đẹp, nằm tại vị trí đẹp, mặt đường lớn hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí làm văn phòng đại diện cho các công ty, tập đoàn.

Thuận tiện di chuyển

Shophouse thường tọa lạc trên trục đường lớn

Di chuyển cũng là một vấn đề quan trọng đối với cửa hàng, do đó, các căn shophouse thường được xây dựng tại vị trí gần lối lên xuống của chung cư hoặc dễ dàng đỗ xe bên đường để tiện mua sắm.

Ngoài ra, khách hàng không phải cư dân trong khu đô thị cũng dễ dàng tiếp cận khu nhà phố thương mại hơn. Thường thì các căn shophouse sẽ được ưu ái thêm một bãi đỗ xe ngay trước cửa hàng.

Thanh khoản tốt

Một trong các yếu tố hấp dẫn nữa của shophouse đó chính là tính thanh khoản cao. Với các yếu tố từ vị trí, thiết kế cùng số lượng hạn chế, các nhà đầu tư có thể yên tâm về tính thanh khoản do có thể dễ dàng mua bán, cho thuê.

Doanh thu từ cho thuê cao

Tỷ lệ khai thác của các căn shophouse có thể lên tới 8 - 12%/năm. Con số này vượt xa việc cho thuê chung cư hay gửi lãi suất ngân hàng, và cũng ít rủi ro hơn so với đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Cơ hội tăng giá trị tài sản

Shophouse có diện tích lớn, dễ dàng kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Chủ sở hữu cũng không phải lo chi phí thuê mặt bằng với giá cắt cổ hàng tháng, qua đó, giá trị tài sản cũng tăng lên nhanh chóng.

3. Những “hạn chế” của shophouse

Vốn đầu tư lớn

Lợi ích nhiều là thế, nhưng cũng có nhiều hạn chế với loại hình sản phẩm này. Theo đó, các căn hộ shophouse thường có giá cao hơn đất nền hoặc các căn hộ, đòi hỏi nhà đầu tư phải chi ra một số tiền lớn so với việc mua căn hộ. Sở hữu một vị trí đẹp kết hợp với sự khan hiếm thì hiển nhiên giá bán shophouse sẽ cao hơn so với các loại hình bất động sản khác như biệt thự liền kề hay nhà liền kề, đất nền hay căn hộ.

Cộng đồng dân cư phải đông

Yếu tố thành công của việc kinh doanh shophouse được quyết định bởi một phần vào cộng đồng dân cư sinh sống. Nếu dự án của chủ đầu tư có vị trí tốt, không chỉ có sức hấp dẫn với cư dân sống tại dự án mà còn thu hút nhiều khách hàng bên ngoài, việc kinh doanh sẽ thành công hơn. Ngược lại, nếu khu dân cư thưa thớt và chưa hình thành thì việc kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, sự thành công của shophouse không chỉ có chất lượng phục vụ mà yếu tố dân cư cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự thành công của dự án.

Hạn chế về quyền sở hữu

Tại một số dự án, khu đô thị, khi sở hữu một shophouse, bạn sẽ được cấp sổ đỏ, sổ hồng nhưng chỉ có thời hạn sử dụng 50 năm.

4. Những lưu ý khi mua shophouse

Cần lưu ý một số vấn đề khi đầu tư shophouse

Mô hình nhà phố thương mại đang là xu hướng đầu tư với khả năng tỷ suất sinh lời, tăng giá trị tài sản cao trên thị trường bất động sản... Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, để thu mức lợi nhuận tối đa các chủ đầu tư nên chú ý một số vấn đề sau:

Đầu tiên, người mua nên chọn sản phẩm của của chủ đầu tư lớn, có uy tín. Cùng với việc tìm hiểu chủ đầu tư dự án thì quy mô và môi trường xung quanh cũng được người mua quan tâm.

Thực tế cho thấy, sự thành công của một dự án shophouse phụ thuộc rất lớn vào quy mô dự án, khả năng lấp đầy dự án, có cộng đồng dân cư sầm uất, từ đó phát sinh nhu cầu thương mại.

Bên cạnh quy mô dự án, những điểm nổi bật về thiết kế dự án tại các nhà phố thương mại cũng thu hút khách hàng. Hiện nay, hầu hết các căn shophouse đều được thiết kế thông minh, có phần diện tích kinh doanh và phần diện tích ở cách biệt.

Mục đích mua shophouse là gì?

Mỗi căn shophouse sẽ phù hợp với mục đích kinh doanh khác nhau, bởi vậy, trước khi quyết định mua, bạn cần tính toán đến mục đích để tự kinh doanh hay cho thuê lại để từ đó chọn được loại hình phù hợp với giá trị lợi ích mà mình hướng tới.

Tùy vào mục đích sử dụng shophouse mà nhà đầu tư nên cân nhắc loại hình cho phù hợp

Đánh giá tiềm năng kinh doanh của căn hộ shophouse

Tiềm năng kinh doanh shophouse được đánh giá cao và sẽ phụ thuộc vào vị trí và cách lựa chọn kinh doanh gì ở shophouse sao cho phù hợp với sức cạnh tranh và nhu cầu của cư dân của khu vực. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc tỷ lệ lợi nhuận so với các khoản đầu tư khác để quyết định có nên "xuống tiền" hay không.

Tính toán chi phí vận hành, dịch vụ căn hộ shophouse

Lựa chọn mua shophouse không thể không tính đến yếu tố phí dịch vụ và vận hành của dự án đó. Việc này giúp bạn tính toán và so sánh với các dự án shophouse khác hay chọn mua nhà phố kinh doanh… đảm bảo yêu cầu về giá trị lãi suất.

Thông thường, các dự án sẽ có mức giá khác nhau và càng có vị trí trung tâm thì phí sẽ cao hơn so với khu vực ngoại đô.

5. Cần lưu ý gì khi làm hợp đồng mua bán shophouse?

Hợp đồng mua bán căn hộ shophouse chặt chẽ giúp đảm bảo an toàn về pháp lý

Mua bán căn hộ shophouse cần có hợp đồng mua bán và để đảm bảo quyền lợi về pháp ký, tính an toàn trong giao dịch thì cần lưu ý đến các vấn đề sau:

+ Thỏa thuận giá mua bán căn hộ shophouse

+ Xác định rõ thời hạn bàn giao căn hộ shophouse

+ Chất lượng công trình bàn giao: Loại vật liệu, nội ngoại thất, điều kiện bàn giao chi tiết.

+ Thỏa thuận giá quản lý, dịch vụ, điện nước, đơn vị quản lý vận hành khi đưa vào sử dụng kinh doanh

+ Thỏa thuận và quy định và điều khoản điều kiện và các mặt hàng được và không được phép kinh doanh tại shophouse đó.

Vấn đề công chứng hợp đồng mua bán: Nếu mua bán từ chủ đầu tư, đơn vị có chức năng phân phối bất động sản hợp pháp thì không phải công chứng. Nếu là mua shophouse của tư nhân… thì cần phải có công chứng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top