Aa

"Thanh Hóa đặt tư duy phục vụ lên hàng đầu khi kêu gọi đầu tư"

Thứ Ba, 29/09/2020 - 10:47

Tỉnh Thanh Hóa cũng cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thu hút đầu tư, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư với lượng vốn lớn. Từ năm 2016 đến tỉnh đã thu hút được 908 dự án đầu tư trực tiếp (53 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 94.404 tỷ đồng và 3.305 triệu USD; đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt 610 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ước tính giảm từ 3,6% xuống 3,1%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2,56%. Điều này đã góp phần nâng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 12,5% vượt mục tiêu Đại hội (12%), gấp 1,54 lần so với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015.

Xung quanh vấn đề thu hút đầu tư tại Tỉnh Thanh Hóa trong thời gian vừa qua, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Thanh Hóa.

PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả đạt được trong hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá những năm qua (2015 - 2020)?

Ông Phạm Đức Trí: Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật nhất là tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 đã có 31 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị với tổng vốn đầu tư khoảng 141.000 tỷ đồng (tương đương 6,34 tỷ USD). Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư cho 34 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 341.900 tỷ đồng, tương đương 14,8 tỷ USD.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 108 dự án FDI đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký 13,8 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI. Các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức thường xuyên, ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Hằng năm, Trung tâm đã tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp Thanh Hóa tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh cũng như của các bộ, ngành trung ương, qua đó giúp doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là giúp doanh nghiệp có cơ hội kết nối, tìm kiếm đối tác hợp tác phát triển kinh doanh.

Ông Phạm Đức Trí trao đổi với phóng viên.

Để có được kết quả trên, Tỉnh ủy, UBND đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực theo hướng công khai, minh bạch. Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, các cấp chính quyền luôn quan tâm, sát sao chỉ đạo trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư kinh doanh tại tỉnh Thanh Hóa. Trong hoạt động xúc tiến đầu tư, chúng tôi luôn đặt tư duy phục vụ lên hàng đầu.

Mặc dù vậy, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực diễn ra phức tạp, khó lường, gây khó khăn cho khả năng năm bắt, phân tích và dự báo, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, thương mại trong thời gian qua. Một số quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đồng bộ, chưa nhất quán, thiếu ổn định trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, quy hoạch, đất đai, môi trường gây khó khăn trong việc áp dụng và tổ chức thực hiện. Tình hình thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở địa phương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. 

PV: 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vậy, công tác xúc tiến đầu tư được thực hiện ra sao để đạt hiệu quả mục tiêu kép “Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội”?

Ông Phạm Đức Trí: Đại dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Đến nay, dịch Covid-19 đã được khống chế và các hoạt động kinh tế đang dần hồi phục. Ở tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả mục tiêu kép “Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội”. 

Để thực hiện thành công nhiệm vụ đặt ra, các cấp các ngành trong tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết hồ sơ, thủ tục cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kết quả đạt được trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 9 dự án tổng vốn đầu tư 204,7 triệu USD, gấp 1,8 lần về số dự án, gấp 4,8 lần số vốn đăng ký so với cùng kỳ; điều chỉnh vốn 06 dự án FDI với tổng vốn đầu tư tăng thêm 94 triệu USD; cũng trong sáu tháng đầu năm công tác đăng ký kinh doanh đã thu hút ước có 1.321 doanh nghiệp (tăng 2,2% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ), vốn đăng ký 14.256 tỷ đồng (tăng 24,2% so với cùng kỳ).

Xin được nhấn mạnh thêm, có được kết quả trên là do thời gian qua môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tập trung chỉ đạo nhằm tạo dấu ấn nổi bật về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Trong công tác xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng luôn chủ động gặp gỡ, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư tiềm năng để giới thiệu cơ hội, xúc tiến đầu tư vào tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và Trung tâm xúc tiến đầu tư, Thương mại và du lịch tỉnh trong công tác xúc tiến và hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng nhịp nhàng. 

Tỉnh đã tổ chức đoàn công tác gặp mặt và làm việc với lãnh đạo các tổ chức quốc tế (KCCI, Korcham, Amcham, JETRO, JCCI…) tại Việt Nam để cập nhật tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Nắm bắt xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời đón tiếp nhiều đoàn nhà đầu tư từ nhiều quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam đến tìm hiểu cơ hội, trong đó có những tập đoàn kinh tế tầm cỡ hàng đầu thế giới, như: Exxon Mobil (Hoa Kỳ), PEC (Singapore), Hyosung, Huyndai (Hàn Quốc)...

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020.

Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh luôn thực hiện “2 đồng hành” và “3 cam kết”, đó là: Đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư. Khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm, tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương”. Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh chủ động thực hiện “Ba cam kết”, đó là: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; Cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; và cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án.

Bên cạnh các đợt làm việc trực tiếp tại tỉnh Thanh Hóa, hệ thống tài liệu, cơ sở dữ liệu trực tuyến luôn sẵn sàng để nhà đầu tư, doanh nghiệp ở bất cứ nơi nào cũng có thể truy cập, cập nhật thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh, các quy hoạch, chính sách, lĩnh vực và dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Thanh Hóa. 

Tỉnh cũng đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch hoàn thiện cơ sở dữ liệu Cổng thông tin công khai quy hoạch của tỉnh bằng tiếng Việt và tiếng Anh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận, nắm bắt các thông tin, định hướng quy hoạch của cấp có thẩm quyền; thực hiện số hóa gần 100 đồ án quy hoạch, bao gồm 156 tài liệu và 882 bản vẽ, bản đồ. Tính đến nay, trang thông tin quy hoạch đã thu hút trên 1.300.000 lượt truy cập, tìm kiếm thông tin quy hoạch.

Năm 2020, ngay sau khi nước ta tạm khống chế đại dịch Covid-19, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2020, nhằm củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước về cơ hội đầu tư, kinh doanh thành công trên mảnh đất Thanh Hóa, đồng thời khẳng định vị thế là một trung tâm phát triển mạnh mẽ, có sức hút lớn với các nhà đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, y tế, giáo dục, phát triển hạ tầng cơ sở.

Tại Hội nghị có 34 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư tương đương 15 tỷ USD. Trong đó: có 19 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 56.800 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD (trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo là 22.300 tỷ đồng; phát triển hạ tầng, đô thị là 25.500 tỷ đồng; du lịch là 7.340 tỷ đồng; nông nghiệp và y tế là 1.600 tỷ đồng) và ký biên bản ghi nhớ đầu tư 15 dự án với các nhà đầu tư đang nghiên cứu triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng mức đầu tư dự kiến 285.000 tỷ đồng, tương đương 12,5 tỷ USD. Đây là những dấu ấn thành công tạo đà cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và trong những năm sắp tới.

PV: Sắp tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ làm gì để thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thưa ông?

Ông Phạm Đức Trí: Cơ hội rất lớn cho tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của phía Bắc cùng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đang ở ngay trước mắt qua sự ra đời của Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về việc phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất lựa chọn định hướng không gian, lãnh thổ và phát triển các ngành, lĩnh vực theo mô hình 4 - 5 - 6 - 6, gồm:

4 trung tâm kinh tế động lực, đó là: Thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn; Khu kinh tế Nghi Sơn; Bỉm Sơn và Lam Sơn - Sao Vàng. 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. 6 hành lang kinh tế kết nối với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và nước bạn Lào, gồm: 

Hành lang kinh tế ven biển, với trọng tâm là phát triển dịch vụ, du lịch, kinh tế biển, được kết nối với các tỉnh thông qua tuyến đường bộ ven biển; Hành lang kinh tế Bắc Nam, với trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị kết nối Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thông qua tuyến đường quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc Nam;

Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, với trọng tâm là phát triển xa lộ nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm sản, kết nối Thanh Hóa với các tỉnh thông qua tuyến đường Hồ Chí Minh;

Hành lang kinh tế Đông Bắc, với trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch kết nối Cảng Lạch Sung - Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Thành với các tỉnh Tây Bắc thông qua Quốc lộ 217 và Quốc lộ 217B;

Hành lang kinh tế trung tâm, với trọng tâm là phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao và phát triển đô thị, kết nối thành phố Sầm Sơn - thành phố Thanh Hóa - huyện Thọ Xuân thông qua Đại lộ Nam sông Mã, đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân;

Hành lang kinh tế quốc tế, kết nối Cảng biển Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước bạn Lào, thông qua tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15, quốc lộ 217 và Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo.

6 vùng liên huyện, làm cơ sở lập các quy hoạch, bố trí hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội dùng chung hiệu quả hơn cho từng vùng. Đây cũng là định hướng thu hút đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa trong những năm tới.

Trong thời gian tới, khi nền kinh tế thế giới khôi phục, quay lại hoạt động, chính là cơ hội của Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng trong việc đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Xác định được nhiệm vụ đó, tỉnh và các cơ quan chức năng cần tiếp tục duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB…), cơ quan ngoại giao nước ngoài, các tổ chức quốc tế (JCCI, JETRO, KOICA, KCCI,...) nhằm tăng cường nắm bắt thông tin, định hướng ưu tiên đầu tư để chuẩn bị các dự án mới, kế hoạch vận động, kêu gọi phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. 

Khu kinh tế Nghi Sơn về đêm.

Bên cạnh đó cần chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch làm việc trực tiếp và trực tuyến, chủ động tiếp cận sớm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, uy tín nước ngoài (Nhật Bản, Hoa kỳ, Hàn Quốc, Cô-oét, Singapore, Đài Loan...) đang có nhu cầu chuyển dịch đầu tư để kêu gọi nhà đầu tư về làm việc, tham quan thực địa, khảo sát đầu tư, tận dụng cơ hội, thu hút các dự án đầu tư lớn về Thanh Hóa.

Đối với các doanh nghiệp đã đầu tư tại tỉnh, cần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, để biến thành kênh xúc tiến đầu tư tại chỗ hiệu quả. Triển khai các hoạt động gặp gỡ, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh để tìm kiếm cơ hội kết nối, hợp tác sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp của tỉnh tìm kiếm, mở rộng thị trường, hoặc tham gia các chuỗi cung ứng sản phẩm có giá trị cao.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, việc hạn chế đi lại và nhập cảnh vẫn là rào cản đối với các doanh nghiệp quốc tế. Do đó, hoạt động Marketing điện tử cần được đẩy mạnh hơn nữa, hệ thống tài liệu, cơ sở dữ liệu phục vụ thu hút đầu tư cần được xây dựng bằng nhiều thứ tiếng (Anh, Hàn, Nhật, Nga...), nâng cấp giao diện website, cổng thông tin công khai quy hoạch, chất lượng tin bài đăng tải phục vụ tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh Thanh Hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top