Tòa nhà chọc trời mới cao nhất thế giới: Có 678 tầng, cao gấp 2,5 lần tháp Burj Khalifa

- 12:28, 20/07/2025 G7T+7 - Chi Chi

Công trình được thiết kế như một “thành phố tích hợp” với tham vọng định hình lại bức tranh đô thị và kinh tế của quốc gia Trung Đông.

Saudi Arabia đã công bố kế hoạch xây dựng một tòa nhà chọc trời cao 2.000m tại thủ đô Riyadh, hứa hẹn trở thành tòa nhà cao nhất thế giới, gấp gần 2,5 lần Burj Khalifa (828m) và vượt xa Tháp Jeddah (dự kiến khoảng 1.000m). Dự án có tên Rise Tower, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 5 tỷ USD (hơn 127.000 tỷ đồng), được kỳ vọng hoàn thành vào năm 2030.

Tòa nhà chọc trời mới cao nhất thế giới: Có 678 tầng, cao gấp 2,5 lần tháp Burj Khalifa- Ảnh 1.

Hình ảnh do AI tạo ra về Rise Tower. Ảnh: Rude Baguette

Tháp Rise do studio Foster + Partners (Anh) thiết kế, đánh bại nhiều tên tuổi lớn trong ngành để giành hợp đồng. Đây sẽ là công trình chọc trời đầu tiên trên thế giới đạt mốc 2km, tương đương khoảng 500-678 tầng với sức chứa dự kiến tới 100.000 người - nhiều hơn dân số của một số quốc gia nhỏ như Seychelles, Andorra hay Liechtenstein.

Tòa nhà được quy hoạch như một “thành phố tích hợp” tại phía bắc Riyadh, gần sân bay quốc tế King Khalid, kết nối liền mạch các khu dân cư, thương mại và công nghiệp. Công trình sẽ bao gồm khách sạn sang trọng, địa điểm giải trí, nhà hàng cao cấp và nhiều tiện ích khác với tham vọng trở thành “tâm điểm” toàn cầu về du lịch, kinh doanh và đặt ra những tiêu chuẩn mới cho quy hoạch đô thị bền vững.

Ông Mohammed Al Qahtani, Giám đốc điều hành Saudi Arabia Holding Co. nhận định: “Dự án hứa hẹn mở ra một sự chuyển đổi đáng kể, định hình lại bối cảnh kinh tế – xã hội của khu vực, tạo ra hàng loạt cơ hội việc làm mới, thu hút đầu tư quốc tế và nâng tầm vị thế của Riyadh như một đô thị hiện đại”.

Tòa nhà chọc trời mới cao nhất thế giới: Có 678 tầng, cao gấp 2,5 lần tháp Burj Khalifa- Ảnh 2.

Burj Khalifa hiện là tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới. Ảnh: Internet

Rise Tower là một phần quan trọng của siêu dự án North Pole mang đậm hơi thở tương lai, đồng thời nằm trong Tầm nhìn 2030 – chiến lược của Thái tử Mohammed bin Salman nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc dầu mỏ và thúc đẩy du lịch thông qua các siêu dự án, tương tự như Neom hay khu nghỉ dưỡng tuyết Trojena với tòa tháp pha lê cao chọc trời.

Dù hiện chưa có mốc thời gian hoàn thành cụ thể hơn ngoài mục tiêu năm 2030, giới chuyên gia nhận định chi phí và thách thức kỹ thuật của công trình khổng lồ này có thể còn biến động trong quá trình triển khai. Để so sánh, Burj Khalifa hoàn thành với chi phí khoảng 1,5 tỷ USD, trong khi Tháp Jeddah ước tính lên tới 26 tỷ USD.

Nếu đúng tiến độ, Rise Tower sẽ chính thức soán ngôi Burj Khalifa sau 5 năm nữa, đánh dấu một cột mốc mới cho tham vọng bứt phá về kiến trúc và quy hoạch của Saudi Arabia.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục