TP.HCM ban hành quy định "siết" thi công công trình ngầm

- 07:31, 09/11/2016 G11T+7 - Hà Linh (tổng hợp)

Nhà thầu chỉ được tiến hành thi công phần ngầm công trình khi đủ điều kiện khởi công xây dựng, có thiết kế biện pháp thi công được duyệt, có sơ đồ chỉ dẫn vị trí, độ sâu các tuyến ngầm của hệ thống hạ tầng và văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý các tuyến đó...

UBND TP.HCM vừa ban hành Quy định về đảm bảo an toàn công trình lân cận khi thi công phần ngầm công trình xây dựng trên địa bàn.

Cụ thể, nhà thầu chỉ được tiến hành thi công phần ngầm công trình khi: đủ điều kiện khởi công xây dựng; Có thiết kế biện pháp thi công được duyệt; Đã thực hiện các biện pháp an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn cho công trình lân cận.

Ngoài ra, phải có sơ đồ chỉ dẫn vị trí, độ sâu các tuyến ngầm của hệ thống hạ tầng và văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý các tuyến đó nếu thực hiện đào đất trong khu vực có các tuyến ngầm của hệ thống hạ tầng; Có bố trí nhân sự giám sát trong suốt quá trình thi công; Có văn bản nghiệm thu các điều kiện đảm bảo an toàn giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Công trình cầu Bộ hành số 3 và mặt đường Võ Văn Kiệt bị hư hỏng nặng do thi công công trình City Gate Tower gây ra.. Ảnh: Báo Xây dựng

Công trình cầu Bộ hành số 3 và mặt đường Võ Văn Kiệt bị hư hỏng nặng do thi công công trình City Gate Tower gây ra. Ảnh: Báo Xây dựng

Các chủ đầu tư xây dựng công trình phải thuê tư vấn có năng lực phù hợp và thực hiện thẩm tra thiết kế biện pháp thi công phần ngầm công trình do nhà thầu lập. Nội dung thẩm tra gồm sự tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, đánh giá về sự phù hợp, đầy đủ của bản vẽ thiết kế biện pháp thi công.

Đánh giá về tính toán khả năng chịu lực của các kết cấu phục vụ thi công, mức độ ảnh hưởng và đảm bảo an toàn công trình lân cận. Chủ đầu tư phải kiểm tra thiết kế biện pháp thi công do nhà thầu lập trước khi phê duyệt.

Nhà thầu tham gia xây dựng công trình phải tổ chức khảo sát hiện trạng khu vực công trường trước khi lập thiết kế biện pháp thi công. Hồ sơ khảo sát hiện trạng gồm bản vẽ hiện trạng khu vực công trường. Đánh giá độ ổn định của các công trình hiện hữu lân cận có khả năng bị ảnh hưởng khi thi công. Xác định các giá trị chuyển vị, biến dạng tối đa.

Nhà thầu cũng phải lập thiết kế biện pháp thi công đảm bảo an toàn khi thực hiện. Trong đó phải có các nội dung đảm bảo an toàn lao động, an toàn cho cộng đồng. Tính toán phạm vi ảnh hưởng do biện pháp thi công phầm ngầm gây ra ứng với các giai đoạn thi công. Phải có kết quả khảo sát hiện trạng chất lượng các công trình liền kề và các công trình khác trong phạm vi ảnh hưởng.

Trước đó, đã có tình trạng nhiều công trình không trình Sở Xây dựng xem xét phương án thi công tầng hầm, khi thi công đã có ảnh hưởng làm hư hại công trình lân cận như: Công trình 19 Cao Thắng làm hư hại nhà lân cận (Quận 3); công trình Khu căn hộ cao tầng City Gate Towers gây hư hỏng hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông trên đường Võ Văn Kiệt (Quận 8); khu vực đường Trường Sa (Phường 15, Bình Thạnh) do dự án Vệ sinh môi trường Thành phố; Hư hỏng nhiều nhà dân trên địa bàn Quận 6 do dự án Kênh Tân Hóa – Lò Gốm,…

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM ban hành quy định "siết" thi công công trình ngầm tại chuyên mục của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục