Đây là nơi sinh sống từ lâu đời của đồng bào Hà Nhì. Theo tiếng Hà Nhì, A Pa Chải có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn. Vùng đất này khá đặc biệt bởi đây là điểm cực Tây của đất liền Việt Nam, nơi tiếp giáp với biên giới Lào, Trung Quốc. Vì thế, vào sáng sớm tinh sương, con gà cất tiếng gáy trên đỉnh A Pa Chải là cả ba nước đều nghe thấy.
Để đến được đỉnh A Pa Chải, bạn phải vượt qua những chặng đường ngoằn ngoèo, uốn lượn theo dốc núi với những đoạn đường đá lởm chởm khó đi. Dọc đường có những khu rừng già và những con suối chảy từ nơi thượng nguồn đổ xuống ngang đường khiến cho du khách có cảm giác như đang đi vào một khu rừng thời tiền sử. Theo kinh nghiệm của những “phượt thủ” thì thời điểm đẹp nhất để khám phá A Pa Chải là vào mùa thu và mùa xuân.
Dọc đường lên đỉnh A Pa Chải, du khách có thể đi bộ theo lối mòn băng qua những bãi lau sậy, cỏ dại um tùm để khám phá vẻ hoang sơ của địa hình. Sau chặng đường dài, lên đến cột mốc số 0, A Pa Chải hiện ra trước mắt với một không gian núi non trùng điệp rộng lớn và khoáng đạt. Bao nhiêu ưu phiền, mệt nhọc dường như tan biến thay vào đó là cảm giác choáng ngợp trước vẻ hùng vĩ của những triền núi, của những tấm thảm rừng xanh bát ngát cứ nối nhau chạy đến chân trời.
Tiết trời ở A Pa Chải mát mẻ quanh năm. Thấp thoáng sau vạt rừng là bản làng của người Hà Nhì với những ngôi nhà trình tường vững chãi, cổ kính, bình yên. Chiều về, A Pa Chải bồng bềnh trong biển mây trắng tựa bông khiến cảnh sắc thơ mộng, huyền ảo.
Vào mùa thu, bên triền núi, những thửa ruộng bậc thang của người Hà Nhì uốn lượn như những đường viên tô điểm sắc xanh, sắc vàng cho núi. Dưới chân núi còn có những vạt cải nương trổ hoa rực vàng dưới nắng chiều. Mùa xuân, hoa mận, hoa mơ, hoa đào và hoa dã quỳ đua nhau khoe sắc tạo nên những họa tiết tươi đẹp cho bức tranh A Pa Chải giữa mây trời. Ở đây, dã quỳ mọc đầy dọc những con đường mòn và bên triền núi khiến cho không gian rực vàng hẳn lên.
Đêm về, A Pa Chải lặng tờ như chìm vào giấc ngủ nồng say. Chỉ có tiếng gà rừng gáy bên sườn núi, tiếng hoẵng gọi bầy và tiếng suối chảy giữa đại ngàn. Thú nhất là buổi tối được ngồi trong những căn nhà trình tường, bên bếp lửa ấm áp, được những người già Hà Nhì kể cho nghe về hành trình chinh phục tự nhiên nơi đây, cảm nhận rõ rệt ý chí và sức mạnh của con người.
A Pa Chải còn có nhiều đặc sản mà du khách sẽ cơ hội thưởng thức mỗi khi đặt chân đến như rau rừng, măng rừng, xôi nương, gà đen, lạp xưởng, thịt lợn sấy... Mỗi món ăn đều để lại một dư vị khó quên.