PV: Theo Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 đã được phê duyệt, nước ta sẽ có khoảng 90 sân golf. Như vậy, nếu đem chia trung bình thì mỗi tỉnh, thành phố sẽ có 1,5 sân golf. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng điều này phải hết sức cụ thể. Về nguyên tắc số lượng phải cân đối chứ không phải chia đều ra, vì sân golf phục vụ nhu cầu nào đó của một số người có điều kiện ở trong nước. Thứ hai, nó còn là nơi thu hút du lịch.
Với nhiều nước tiên tiến, đánh golf là một thú vui và là điểm đến của họ. Vì vậy, số lượng đó phải trên cơ sở tính toán. Vấn đề còn lại không phải là nhiều hay ít mà là cân nhắc xem cái lợi, hại thế nào trên tổng thể với thu nhập quốc dân, từng địa phương một liên quan đến cộng đồng cư dân ở đó, việc sử dụng đất thế nào cho có hiệu quả nhất chứ đừng lấy đất nông nghiệp dẫn đến người dân mất đất, tạo ra những bức xúc xã hội không đáng có, rồi những vấn đề liên quan đến vấn đề môi trường.
Sân golf rất đẹp nhưng cũng phải sử dụng không ít những chất để bảo vệ thảm cỏ. Điều này các cơ quan bảo vệ môi trường phải kiểm tra và có đánh giá tác động môi trường nghiêm túc. Còn việc nhiều hay ít rất khó nói bao nhiêu cho đủ, vì người ta làm sân golf phải tính toán xem có thu nhập không, có bao nhiêu người đến đánh? Chỉ có điều lâu nay người ta e ngại chuyện làm sân golf để làm bất động sản, còn tất nhiên trong sân golf phải có những công trình kiến trúc cần thiết, tuy nhiên phải rạch ròi giữa bất động sản và sân golf.
PV: Nhìn vào các sân golf được xây dựng và đề xuất phê duyệt trong thời gian qua, trong đó có không ít dự án sân golf khi vừa mới được đề xuất phê duyệt quy hoạch đã bị người dân phản ứng, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc xây dựng các sân golf hiện nay?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Thường bao giờ người dân ở địa phương cũng dễ phản ứng vì họ đang sinh sống bình thường. Do vậy, nếu sử dụng vào đất nông nghiệp lâu năm để làm sân golf thì phải cân nhắc trên cơ sở lợi ích chung của xã hội và đền bù cho người dân, kể cả việc sử dụng nhân lực của họ như thế nào?
Rất nhiều nơi hứa khi mở mang sân golf sẽ có rất nhiều nhu cầu về nhân lực, nhưng có tuyển chọn con em họ không, mang lại lợi ích không? Giữa đất ngày xưa người dân canh tác hiệu quả thế nào với việc bán đất, sau đó tổ chức đời sống của họ có mang lại cải thiện tích cực cho đời sống hay không?... Đó là những bài toán rất cụ thể.
Nếu nói người dân phản đối phải nói rõ ở chỗ nào phản đối, chỗ nào không chứ không nên nói, cái nào cũng phản đối cả. Nếu phản đối cả thì làm sao có thể phát triển được. Còn các nhà đầu tư họ đều phải tính làm cái gì có lợi họ mới làm.
Tuy nhiên, bài toán có lợi của họ có ăn khớp với cái lợi của xã hội hay không hay họ chỉ nghĩ đến lợi ích của một nhóm nào đó thôi thì phải cân nhắc chuyện đó. Muốn vậy, Nhà nước phải quan tâm về mặt pháp luật, quy hoạch và giám sát. Vì chúng ta đã có một thời gian và có một số lượng rồi nên hoàn toàn có cơ sở để tổng kết được cái lợi đến đâu, hại thế nào để cân nhắc bảo đảm ổn định và phát triển.
PV: Thưa ông, xung quanh việc quy hoạch các sân golf, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tới đây sẽ bỏ quy hoạch sân golf vì đây là một loại quy hoạch sản phẩm. Bộ sẽ để các địa phương quyết định và chuyển thành đầu tư có điều kiện. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Điều đó cũng tốt, để giảm đầu mối đi và địa phương phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình.
Lâu nay tôi e ngại nhất là tư duy nhiệm kỳ. Địa phương nào làm xong hết nhiệm kỳ là hết trách nhiệm và để lại hậu quả cho người sau. Tuy nhiên, tôi nghĩ cứ như vừa rồi chúng ta giám sát một cách hết sức chặt chẽ, không có chuyện anh hạ cánh an toàn, cứ xử lý đúng luật. Tốt thì thưởng, có lỗi thì phạt. Ta cứ làm nghiêm minh như thế thì chắc chắn những lãnh đạo khi phê duyệt những dự án đó đều nghĩ đến lợi ích chung nhiều hơn.
PV: Vậy theo quan điểm của ông là nên bỏ quy hoạch sân golf và giao cho địa phương triển khai việc này?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Giao cho địa phương nhưng phải giám sát chặt. Vì có nhiều cái ở Trung ương không sát với địa phương. Cứ ở trên cấp mà không biết cơ sở như thế nào.
Mặc dù giao cho địa phương nhưng Trung ương vẫn phải có sự giám sát chứ không thể buông lỏng được. Vẫn phải theo dõi xem sự phát triển ở địa phương có ổn không, bền vững không, cái gì phương hại đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia thì phải vào cuộc.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!