Bất động sản du lịch

Cà Mau: Phát triển dịch vụ, du lịch là nhiệm vụ trọng tâm

Bất động sản du lịch - 09:19, 28/11/2023 G11T+7 - Hữu Lễ

Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên các tuyến du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nhằm giới thiệu điểm đến du lịch với các đơn vị lữ hành và du khách, ngày 25-26/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Cà Mau tổ chức đoàn Famtrip khảo sát tuyến du lịch TP Cà Mau - U Minh - Thới Bình - Trần Văn Thời cho các đơn vị kinh doanh lữ hành và các cơ cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh.

Trong 2 ngày, đoàn Famtrip đến khảo sát điểm Khu du lịch sinh thái sông Trẹm, huyện U Minh; Vườn cò Tư Sự và các hộ nuôi tôm càng xanh xen canh lúa, huyện Thới Bình; Khu du lịch sinh thái Cà Mau Eco, huyện Trần Văn Thời; điểm du lịch Hương Tràm và Điểm du lịch Hoa rừng, huyện U Minh.

Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. ảnh Sở VHTT&DL 

Theo báo cáo của Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau, tính đến tháng 10/2023, tổng khách du lịch và tổng thu đều tăng so với cùng kỳ 2022, đặc biệt chỉ tiêu lượt khách du lịch đã đạt 100% kế hoạch năm giao, ước thực hiện cả năm sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Theo đó, lượt khách du lịch trong tháng đạt 104.492 lượt, tăng 4,32% so với cùng kỳ 2022; Tổng thu gần 192,5 tỷ đồng, tăng 16,4% cùng kỳ 2022. Lũy kế đến nay 1.752.274 lượt khách, tăng 27,68% so cùng kỳ 2022, đạt 100% kế hoạch năm, tổng thu đạt 2.364,2 tỷ đồng, tăng 23,14% so cùng kỳ 2022, đạt 88,55 % kế hoạch năm.

Để phát triển ngành công nghiệp không khói, tỉnh tiếp tục thực hiện: nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia mũi Cà Mau; xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Nâng cấp phần mềm Ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch. Cà Mau cũng triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh.

Du khách chụp ảnh và vui chơi tại Khu du lịch Cà Mau Eco. ảnh HL
Du khách trải nghiệm tour du lịch xuyên rừng trong Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, huyện U Minh.ảnh HL

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, phương hướng phát triển các ngành quan trọng có phát triển du lịch và dịch vụ.

Để phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; liên kết và hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế. Phát huy lợi thế vị trí địa lý là tỉnh Địa đầu cực Nam của Tổ quốc; xây dựng, định vị và nâng cao thương hiệu du lịch Cà Mau “Địa đầu cực Nam - Khám phá - Môi trường - Kết nối”, trong đó Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên các tuyến du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Du khách checkin, trải  nghiệm tại Khu lịch sinh thái, rừng ngập mặn Mũi Cà Mau. ảnh Sở VHTTT&DL

Phát triển các ngành dịch vụ, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; hình thành các dịch vụ của trung tâm đầu mối, trung tâm logistics, các loại hình dịch vụ phục vụ cho sản xuất, khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu.

Xây dựng ngành dịch vụ thương mại kết hợp truyền thống và hiện đại; phát triển các mô hình tổ chức thương mại theo từng thị trường, ngành hàng thích ứng với trình độ sản xuất, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của từng địa phương. Ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và thương mại điện tử; bảo đảm cung ứng đầy đủ vật tư, thiết bị, các dịch vụ cho sản xuất và tiêu dùng, ổn định thị trường hàng hóa trong tỉnh.

Mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng, lợi thế phát triển, hướng tới xuất khẩu các mặt hàng chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao; đa dạng hóa thị trường và phương thức xuất, nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu hàng hóa xuất, nhập khẩu của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng có kế hoạch bảo tồn và phát triển du lịch bền vững trong tương lai.

Cụ thể, đầu tư xây dựng, phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau gắn với bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Phát triển du lịch theo 03 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch phía Bắc (gồm thành phố Cà Mau, huyện Thới Bình và huyện U Minh); không gian du lịch theo trục Đông - Tây (gồm huyện Trần Văn Thời, huyện Cái Nước và huyện Đầm Dơi); không gian du lịch phía Nam (gồm huyện Phú Tân, huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển).

Bên cạnh đó, phương án phát triển các khu bảo tồn, khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học các khu bảo tồn, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và các khu vực cần được bảo quản, tu bổ.

Bảo quản, tu bổ, phục hồi và giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích đã được xếp hạng quốc gia, cấp tỉnh. Tiếp tục đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; tôn tạo, tu bổ và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng, danh lam thắng cảnh./.

Bạn đang đọc bài viết Cà Mau: Phát triển dịch vụ, du lịch là nhiệm vụ trọng tâm tại chuyên mục Bất động sản du lịch của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục