Bất động sản du lịch

Đền ông Hoàng Mười: Chốn tâm linh của người xứ Nghệ

Bất động sản du lịch - 06:05, 01/02/2020 G2T+7 - Phóng sự ảnh: Trọng Chính

Đền chợ Củi, còn gọi là đền ông Hoàng Mười (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) từ lâu đã là điểm du lịch tâm linh quen thuộc của người dân xứ Nghệ. Những ngày đầu năm, người dân khắp nơi tấp nập đổ về đây cầu bình an và tài lộc.

Cách TP. Vinh chừng 10km (về phía Nam) và Hà Tĩnh 40km (về phía Bắc), đền ông Hoàng Mười nằm trên núi bên dòng sông Lam, nơi người xứ Nghệ truyền lại câu ca rằng “Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước/ Đền ông đây mới hết lộc tài”.

Tam quan ngôi đền cao hai tầng, kiến trúc theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt”. Ngôi đền được bố trí thành các cung thờ Tam toà Thánh mẫu, Ngũ Vị Tôn Ông, cung Hoàng Mười, cung Trần Triều. Phía dưới cung thờ Tam phủ là cung thờ Ngũ Vị Quan Lớn, trong đó có các vị quan lớn như Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tứ. Dưới cung Ngũ vị quan lớn là hàng thờ các ông Hoàng, từ ông Hoàng Nhất tới ông Hoàng Mười, người gắn với những giai thoại kỳ bí chốn tâm linh huyền ảo và linh thiêng.

Điện chính cung thờ ông Hoàng Mười với hai bức đại tự "Mẫu Đức Chiếu ảnh" và "Huyền Từ Bố Chững" cùng câu đối: "Quá giả hóa tồn giả thần vị liệt Nam bang tứ bất/ Quốc hữu từ gia hữu danh cao thiên bản lục kỳ" (dịch: Cái đã qua là hóa, cái còn lại là thần, nước Nam có bốn vị bất tử/ Nước có đền, nhà có miếu, trời cao vốn có lục kỳ).

Ông Hoàng Mười là nhân vật quan trọng trong hệ thống thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt. Theo nhân gian, ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại, được giáng trần giúp đời. Theo một truyền thuyết khác, ông Hoàng Mười là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh thiên đình, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước.

Người vùng Nghệ An lại lưu truyền các truyền thuyết về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam. Đó là câu chuyện ông giáng sinh thành Nguyễn Xí, vị tướng giỏi thời Lê Lợi, người có công dẹp giặc Minh, sau được giao trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo lời kể ở vùng Hà Tĩnh, ông Hoàng Mười lại chính là Lê Khôi, một vị tướng tài khác, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh.

Đền chợ Củi, hay còn gọi là đền ông Hoàng Mười được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử, văn hóa năm 1993.

Chính những giai thoại kỳ bí ấy đã phủ lên ngôi đền thờ ông Hoàng Mười một bức màn tâm linh huyền ảo và linh thiêng, nên cứ vào dịp Tết, du khách trong Nam, ngoài Bắc lại về dâng hương rất đông. Mọi người cùng nhau thắp hương cầu lộc, cầu tài, mong mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, vợ chồng con cái hạnh phúc. Trong khói hương trầm thơm ngát, du khách được thả hồn vào cõi hư vô, xua tan đi hết những phiền muộn, âu lo.

Lá cờ lớn trước cổng vào Đền…
… với mặt phía trước cổng Đền là dòng sông Lam…
… nơi phong cảnh nên thơ tạo cho du khách những giờ phút thảnh thơi, tĩnh tại.
Đền được xây dựng theo kiểu chữ tam với ba tòa, mỗi tòa ba gian, liên kết với nhau và bố trí thành các cung thờ. Thờ Tam tòa Thánh Mẫu, tiếp đến là Ngũ Vị Tôn Ông, sau đó là cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười rồi cung Trần Triều.
Ngày đầu năm, du khách đi lễ đền ông Hoàng Mười cầu an và may mắn trong cuộc sống với mâm lễ và các loại ngựa giấy...
… và những "ông ngựa" lớn này phải bố trí lò hóa riêng.
Du khách ở nhiều tỉnh thành khác cũng đến cầu nguyện những điều may mắn, tài lộc vào dịp đầu năm...
… và cũng là nét văn hóa của người Việt trong những ngày đầu năm mới.
Đền Hoàng Mười có gần 20 ban thờ, trong đó những ban thờ lớn như: cung thờ Thánh mẫu, ban thờ Ngũ Vị Tôn Ông, ban thờ quan Hoàng Mười, ban thờ cô Chín, ban thờ Chầu Mười.


Bạn đang đọc bài viết Đền ông Hoàng Mười: Chốn tâm linh của người xứ Nghệ tại chuyên mục Bất động sản du lịch của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục