Trải nghiệm

Kỳ II: Tà Xùa - nơi mây trời gió núi gặp nhau

Trải nghiệm - 06:30, 16/05/2020 G5T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Nức tiếng là “thiên đường mây ải Bắc”, cả một biển mây “sóng sánh” trong ánh dương của ngày mới nơi Tà Xùa là món quà xua tan mọi nhọc nhằn di chuyển với những người ham mê vi vu.

Nức tiếng là “thiên đường mây ải Bắc”, Tà Xùa (huyện Bắc Yên, Sơn La) nằm trên độ cao 1.600 - 1.700m so với mặt nước biển mà cung đường lên đỉnh núi chênh vênh nơi vực đá, mỗi lần đi một khó. Bù lại, cả một biển mây “sóng sánh” trong ánh dương của ngày mới là món quà xua tan mọi nhọc nhằn di chuyển với những người ham mê vi vu.

Rời Mộc Châu, tôi và các bạn đồng hành ngược lên Yên Châu, Mai Sơn và rẽ sang QL 37 lên Tà Xùa, từ ngã ba Cò Nòi. Cung đường này dài hơn 70km uốn lượn qua những ngọn đồi, làng bản ven sông Đà địa phận huyện Bắc Yên, nơi có những nguyên mẫu được viết trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài năm 1952.

15km cuối cùng, từ thị trấn Bắc Yên qua Phiêng Ban ngược lên Tà Xùa thực sự là cung đường thử tay lái của các xế. Những khúc cua có độ dốc lớn, lại xuất hiện liên tục, đòi hỏi các xế phải có kỹ năng tốt để làm chủ phương tiện. Còn với các tay máy, mỗi khúc cua mở ra một khuôn hình mới, một độ cao hấp dẫn, đặc biệt là hình ảnh thị trấn Bắc Yên trở nên bé nhỏ, nằm lấp ló trong mây, dưới chân những rặng núi.

Che chắn xung quanh bởi các dãy núi nên mây ở Tà Xùa lặng, bồng bềnh như những lớp sóng nhẹ, thi thoảng mới chao lên. Khi nắng lên cao, mây mới bốc lên và đây là điểm đặc biệt của mây Tà Xùa so với các điểm săn mây khác như Y Tý, Sa Pa…
Khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 hằng năm là thời điểm săn mây đẹp nhất với những khoảnh khắc kỳ ảo và trở thành niềm cảm hứng bất tận cho những người cầm máy.

Lên đến Tà Xùa, chúng tôi nghỉ lại ở Trà Mây, một trong những hostel đầu tiên ở đây, nằm ngay trung tâm xã. Trông ra thung lũng, nắng dần tắt phía sau Trà Mây và tôi hy vọng sau một buổi sáng mưa nơi đây, thời tiết sẽ ủng hộ cho ngày kế tiếp mây tràn khe núi. Nói hy vọng bởi những ngày tháng 5 này, Tà Xùa không phải là mùa mây cũng như xác suất săn được mây không phải lúc nào cũng 100%. Đây là lần thứ 6 tôi lên Tà Xùa nhưng trước đó đã lĩnh trọn 5 lần "xịt" mây nên vẫn hồi hộp lắm.

Buổi tối, những người bạn dân tộc Mông như Tồng và Vừ ở Trà Mây đón chúng tôi như những người anh em lâu ngày trở về nhà. Nửa ngày mệt nhoài trên những cung đường, bữa cơm tối ấm cúng có đủ đầy các món ăn chuẩn Tà Xùa như lợn mẹt, cải mèo, gà đồi nướng, măng trúc ngâm ớt, canh chua và đặc biệt là rượu Hang Chú, thứ rượu thóc thơm nồng men lá của bà con vùng cao Bắc Yên. Đó là lý do dù Tà Xùa đã có rất nhiều homestay mọc kín khu vực nhưng với tôi, Trà Mây vẫn là hostel đầu tiên và gây thương nhớ nhất.

Nhìn từ trên cao, cung đường lên Tà Xùa ẩn hiện trong những đám mây lơ lửng vắt qua núi và được ví như “đường lên trời”.
Cả biển lúa vàng uốn lượn theo sườn núi cũng chìm trong mây, mù.

Một giấc ngủ thật say ở Trà Mây cho đến tầm 5 giờ sáng, tôi bị đánh thức bởi tiếng xe máy của các phượt thủ ra Sống lưng Khủng long "săn mây". Kịp đánh thức bạn mình, quấn thêm khăn, áo bởi vào tháng hè nhưng những con gió núi ở đây vẫn bám riết da thịt, lạnh tê tái.

Từ Trà Mây, chỉ cần đi bộ 5 phút là ra điểm ngắm mây, đó là nơi dựng tấm biển “Thiên đường mây Tà Xùa”. Mới hơn 5 giờ sáng, mây vẫn còn ít, chỉ theo những cơn gió vờn nhẹ quanh sườn núi. Trong lúc chờ đợi, mỗi khoảnh khắc trôi qua lại ghi nhận những thay đổi bất ngờ theo điệu vần vũ của mây trời, gió núi. Càng lúc, gió thổi lồng lộng rồi mặt trời đỏ rực hiện dần trên “biển” mây mênh mang đến vô tận. Thực sự đó là một cảm giác choáng ngợp trước những đụn mây ùn đặc, sóng sánh nơi vách vực, bên lưng núi hay vẩn vơ nơi mép đường. Một cảm giác phiêu bồng, tự do trước “gia vị” thiên nhiên là mây, là gió và núi mang lại.

Mặt trời lên cao cũng là lúc mây tan theo gió. Trở lại Trà Mây, nhấp ngụm trà shan tuyết dịu ngọt mà Tồng và Vừ pha từ chiếc ấm tôi mang theo, thế là quyết định nhanh chóng được đưa ra: vào bản Bẹ, nơi có những cây chè shan tuyết gần 300 năm tuổi. Thăm vùng đất của một trong thập đại danh trà Việt và cùng hái chè tuyết trên đỉnh trời Tà Xùa sẽ nối tiếp ở kỳ III Lãng du “Miền Việt Tây”.

Khi những tia nắng đầu tiên vụt sáng, vàng óng ả bao trùm mọi vật là thời điểm lý tưởng của những người “săn” mây, săn ảnh vì bất kỳ đâu cũng “bắt” gọn những khuôn hình đẹp…
… hay đơn giản là check-in ngay "mỏm đá hình đầu rùa” phía dưới tấm biển “Thiên đường mây Tà Xùa”.
Những ngày mây vờn, sương giăng, có cảm giác đất và trời đang xích lại gần nhau nhất ở Tà Xùa.
Còn ngày nắng, Tà Xùa lại hiện ra với gam màu xanh thẳm của núi cùng mây trắng lững lờ trên nền trời xanh trong.
Như nhiều nơi ở Tây Bắc, làm chủ các đỉnh núi cao chót vót ở Tà Xùa là cộng đồng dân tộc Mông, những người sống trong căn nhà thưng gỗ, lợp mái pro-xi măng…
… nên cùng với thiên nhiên hùng vĩ của Tà Xùa, bạn còn được tiếp xúc và tìm hiểu về cuộc sống của người dân sống ở những bản làng quanh năm mây mù, khói phủ.
Ở ngay trung tâm xã Tà Xùa, Trà Mây hostel được những người Mông bản địa quản lý cũng như chuẩn bị các món ẩm thực đậm phong vị vùng miền dân tộc mình cho thực khách.
Trong ánh chiều tà ngả bóng bên kia đỉnh núi, hình ảnh bà cụ người Mông đi trong áng mây cuối chiều phủ lên đất trời Tà Xùa, bồng bềnh, đẹp đến nao lòng.


Bạn đang đọc bài viết Kỳ II: Tà Xùa - nơi mây trời gió núi gặp nhau tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục