Trải nghiệm

Lang thang theo cánh chim trời

Trải nghiệm - 06:30, 28/12/2019 G12T+7 - Phóng sự ảnh: Trọng Chính

Với những ai yêu thích các loài chim hoang dã, vùng đất ngập nước Xuân Thuỷ, khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam là một trong 150 điểm ngắm chim lý tưởng.

Những ngày cuối năm, tôi lang thang theo các đàn chim trời ở cồn Lu, cồn Ngạn, cồn Xanh giữa vùng đất ngập nước của Vườn quốc gia Xuân Thuỷ (huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) để có một phóng sự ảnh dành cho các birder - những người có thú tiêu khiển đầy tính may rủi là đi xem, đếm chim trời. 

Với những ai yêu thích các loài chim hoang dã, vùng đất ngập nước Xuân Thuỷ, khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam là một trong 150 điểm ngắm chim lý tưởng. Ramsar Xuân Thuỷ là một bãi bồi lớn, nơi cửa sông Hồng đổ ra biển, cách Hà Nội khoảng 150km về hướng Đông Nam với diện tích 7.100ha.

Vườn quốc gia Xuân Thủy được coi là “ga chim” quan trọng với những đàn chim di trú quốc tế, trong đó có loài cò mỏ thìa mặt đen, loài chim đã được ghi vào sách đỏ của IUCN về các loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Đây là loài chim chỉ còn hơn 1.000 cá thể trên khắp thế giới, và vùng đất ngập nước Xuân Thuỷ, khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam là một trong những điểm ngắm chim lý tưởng ở Việt Nam. Nếu may mắn, bạn có thể gặp đàn cò thìa đông đến gần 50 con như trong ảnh…

Phù sa màu mỡ của sông Hồng và biển đã tạo nên một hệ sinh thái bền vững khiến nơi đây trở thành một khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước với nhiều động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm. Giữa mênh mông của vùng đất ngập nước là những cánh chim trời chí chóe bay lên, lượn xuống. Theo điều tra bước đầu của Birdlife International, nơi đây có hơn 219 loài chim thuộc 41 họ 13 bộ. Khu hệ chim ở đây tiêu biểu là các loài bộ hạc, bộ ngỗng, bộ dẽ và bộ sẻ. Có những loài chim quý hiếm được ghi trong sách đỏ quốc tế có mặt ở Xuân Thuỷ như cò thìa, mòng bể cổ ngắn, cò lạo Ấn Độ, choắt mỏ thìa, cò trắng Trung Quốc...

…chúng dừng chân bình yên bên một đầm nuôi tôm trong khu vực của Vườn quốc gia Xuân Thuỷ…
… hay kiếm ăn ở các bãi sú, vẹt ở Ramsar Xuân Thuỷ.

Từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau là khoảng thời gian có hơn 40.000 cá thể chim, di cư từ phương Bắc, châu Âu, châu Á đến Ramsar Xuân Thuỷ tránh rét. Có đến đây mới tận hưởng một cảm giác hồi hộp, háo hức theo “bóng chim tăm cá” giữa những bãi sú, vẹt, đầm lầy..., rồi mãn nguyện như tôi khi may mắn gặp đàn cò thìa (loài chim chỉ còn hơn 1.000 cá thể trên thế giới) đếm được gần 50 con đậu dài trên bờ đìa tôm. Điều thú vị nhất của việc xem chim là những khoảnh khắc hiếm có của chúng. Một chú chim trời ngoài tự nhiên sẽ phô diễn hết những vẻ đẹp của mình, khác hẳn với một con chim bị nhốt trong lồng. Và chính sự tự do đó làm nên những vũ điệu phóng khoáng, rợp trời của những cánh cò trắng, choắt mỏ vàng... khi hoàng hôn buông xuống.

Cánh chim rợp trời bay theo tiếng gọi đàn khi hoàng hôn buông xuống ở Ramsar Xuân Thủy.
Sự kết hợp phù sa màu mỡ của sông Hồng và vùng ven biển đã biến khu vực này thành một khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước với nhiều động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm. Trong ảnh là đàn chim dẽ dun kiếm thức ăn từ các loài nhuyễn thể ở các bãi triều.
Vũ điệu cuối ngày của những cánh chim trời ở Ramsar Xuân Thủy.
Một chú mòng bể với “bến đỗ” của mình ở cồn Lu.
Hằng năm có tới khoảng 100 loài chim di cư chọn Ramsar Xuân Thủy là điểm lưu trú trên đường di cư về phương Nam trú đông. Tại vườn, ước tính có 215 loài chim nước sinh sống, nhiều loài gần như tuyệt chủng như rẽ mỏ thìa, bồ nông, cò thìa, choi choi mỏ thìa, mòng biển, diệc đầu đỏ...
Ngoài ra, trên những cánh đồng ở các xã quanh vùng đất ngập nước Xuân Thuỷ là những cánh cò trắng muốt thấp thoáng nơi ruộng cày. Dường như cò ở đây cũng quen với du khách nên tung đôi cánh trắng muốt hay đứng khoe dáng để bạn chụp ảnh.


Bạn đang đọc bài viết Lang thang theo cánh chim trời tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục