Khám phá

Còn thương cuống rạ, đồng chiều

Khám phá - 06:06, 28/10/2023 G10T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Mùa đã gặt xong, những giọt nắng cuối buông trên đồng chiều còn lại những đụn rạ hình chóp nón tạo nên bức tranh quê sống động, đẹp đến lạ kỳ.

Buổi cuối chiều tháng 10, trên cánh đồng lọt thỏm giữa thung lũng Phong Nậm (Trùng Khánh, Cao Bằng), người gặt lúa cũng đã vãn, chỉ còn vài thảm lúa vàng khiến tôi không khỏi nao lòng trên cánh đồng biên viễn.

Bên những đụn rạ được dựng thành hình chóp nón, chờ khô trên thửa ruộng nơi cuối trời đất Việt, ký ức về những mùa gặt xa lắc xa lơ nào đó cứ thế ùa về. Đó cũng là những buổi cuối chiều, trên cánh đồng chơ vơ gốc rạ, tôi theo chân những người đi mót lúa sau mùa gặt. Chân lội ruộng mà mắt thì đảo nhanh, tìm kiếm những bông lúa sót lại trên thân rạ liềm thợ gặt đã không gom đến. Vụ mùa thì ruộng khô hơn, cái mùi thơm của gốc rạ, của hạt lúa trở nên quyến rũ hơn, quyện mãi trong ký ức khó phai mờ.

Còn gì yên ả bằng về giữa đồng quê, bước xuống thửa ruộng cạn còn nguyên rạ mới sau mùa gặt, nghe mùi ruộng đồng thân thuộc…
… với những đụn rạ được dựng thành hình chóp nón, chờ khô buổi cuối chiều…
… như bức họa được dệt nên bởi những sắc màu, đồng chiều chơ vơ gốc rạ là bức tranh bình yên trong lòng những người xa quê qua bao năm tháng.

Ngày xưa đó, cuộc sống còn nhiều khó khăn thì việc đun nấu hằng ngày ở nông thôn tất tật đều dùng rơm rạ nên dù có nhiều bao nhiêu cũng không đủ. Thế là đội quân “mót rạ” chúng tôi tản đi khắp cánh đồng, tìm những cọng rạ vương vãi gom lại và bó gọn mang về nhà. Ðến khi những đống rạ góc sân vườn xây nhọn dần thành đống thì mặt ruộng ngoài đồng cũng “sạch bóng” chỉ còn trơ gốc rạ.

Cuống rạ, đồng chiều không chỉ vấn vương một miền ký ức khó khăn. Rơm rạ Việt còn vào cả biên khảo của người Pháp. Trong “Nghiên cứu nhà Việt Nam” khảo sát từ năm 1936, Pierre Gourou (Trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội) đã dành những trang mô tả nếp nhà Việt.

Là một nhà địa lý học, ông quan tâm đến các chất liệu làm nhà ở các vùng miền khác nhau, trong đó có điểm chung khi ấy là rơm rạ trở thành những chất liệu đặc biệt: “Vách nhà là những tấm phên lương hoặc phên đất sét trộn rơm rạ mà “phần cứng” của nó là một khung tre. Phía trước, ít ra là gian chính là bức rèm thay cho cửa, rèm vẫn là khung tre, lợp rạ, chống lên ban ngày và thả xuống vào ban đêm. Gian nhà bên trái dẫn xuống bếp, nơi đàn bà con gái ngủ và đồ đạc vẫn là bức phên đất làm bằng hỗn hợp tre, đất sét và rơm rạ. Để thoáng khí và lấy thêm ánh sáng, người ta có thể chừa ra một ô không trét rơm đất độ vài ba gang tay phía trước…”.

Đồng chiều sau mùa gặt, những thửa ruộng lởm chởm, lia chia thân rạ dựng thành hình chóp nón…
… những đụn rơm rạ quê nhà vương vấn cả một đời.
Với những ai đã lớn lên từ làng, gốc rạ, sợi rơm chẳng xa lạ gì khi từ tấm bé đã được chạy chơi giữa những cánh đồng xanh trải dài tít tắp.

Đó là chuyện cách đây hơn cả thế kỷ của Pierre Gourou. Giờ thì những ngôi nhà Việt đã được xây kiên cố, thay cho những nếp nhà lợp mái rạ năm xưa. Cũng không còn ai kiên nhẫn mót từng bông lúa, cọng rạ như ấu thơ của tôi xưa kia nữa. Cánh đồng ngoại thành giờ rơm rạ vương vãi, phải đốt bỏ khiến khói bụi mịt mù kéo đến tận ô cửa căn hộ nơi tôi sống. Hiếm người còn trân quý cọng rạ gắn bó thời “nghèo khó” năm xưa. Có chăng là lữ khách và những giọt nắng cuối buông nơi gốc rạ. Tôi kết thúc ngày đuổi nắng trên những thửa ruộng vàng ở biên viễn Cao Bằng trong buổi đồng chiều, nơi nhịp đời vẫn nối gót nhau đi, mùa nối mùa.

Cánh đồng chơ vơ gốc rạ, nhấp nhô trong buổi chiều tà.
Đồng chiều, nơi những giọt mồ hôi đã đổ xuống mặt ruộng để làm nên bát cơm trắng thơm nức mùi gạo mới.
Ngang qua đồng chiều, những tải lúa thu hoạch từ cánh đồng lúa chín đang được những chủ ruộng mang về nhà sau ngày làm lụng trên ruộng đồng.
Đồng chiều, nơi nhịp đời vẫn nối gót nhau đi mùa nối mùa. Chị chủ ruộng nào đó khi về, đã để lại nón trên cây rạ sáng mai ra đồng, làm tiếp.
Bạn đang đọc bài viết Còn thương cuống rạ, đồng chiều tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục