Khám phá

Đầu xuân về làng Quan họ hòa mình vào hội Lim xứ Kinh Bắc

Khám phá - 23:30, 14/02/2019 G2T+7 - Theo Đặng Phương/Báo Du lịch

Người xưa có câu tháng Giêng là tháng ăn chơi, chắc vì thế cho nên mỗi độ tết đến xuân về cũng là lúc những lễ hội trên khắp cả nước diễn ra nhộn nhịp. Đi Hội xuân dường như là thú vui, là nét đẹp văn hóa còn được lưu truyền từ ngày xưa đến tận bây giờ.

Lễ hội chính là sự tưởng nhớ nguồn cội, để cầu chúc sự may mắn hay còn là nơi gặp gỡ giao duyên của bạn hữu gần xa. Và Hội Lim - chính là một hội xuân như thế, hãy thử một lần về làng Quan họ Bắc Ninh để hòa cùng không khí rộn rã vui tươi của lễ hội lớn nhất nhì xứ Kinh Bắc.

Hội Lim - lễ hội lớn nhất xứ Kinh Bắc

Hội Lim - lễ hội lớn nhất xứ Kinh Bắc

Hội Lim được tổ chức vào ngày 12-14 tháng Giêng hàng năm của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương ở huyện Tiên Du - tỉnh Bắc Ninh. Thể hiện một cách sâu nhất văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Kinh Bắc. Đây là một lễ hội lớn có từ rất lâu đời, với phần lễ rước trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu và phần hội với nhiều trò chơi độc đáo và đặc biệt là chương trình hát hội.

Hội Lim với những hoạt động phong phú của lễ và hội đã có nội dung và tầm cỡ lễ hội văn hóa dân gian, gần như hội tụ đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh - mảnh đất được coi là vương quốc của lễ hội dân gian Việt Nam.

Lễ rước - một phần quan trọng trong Hội Lim

Lễ rước - một phần quan trọng trong Hội Lim

Truyền thống xa xưa để lại một phong tục cuốn hút và say mê đặc biệt mà chỉ Bắc Ninh mới có, đó là các sinh hoạt văn hóa hát dân ca Quan họ - loại hình dân ca đã trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc.

Những liền anh khăn đóng áo the, các liền chị áo tứ thân, chân đi guốc mộc đội nón quai thao gặp gỡ, đón tiếp thân tình trao cho nhau những ánh mắt những nụ cười và cả những câu quan họ say lòng đến lạ. Từ xa xưa Quan họ là món ăn tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa đẹp của người dân Kinh Bắc. Từ già đến trẻ ai cũng hát được một vài làn điệu Quan họ. Người chơi Quan họ sành điệu không chỉ hát hay, hát được nhiều làn điệu mà phải hát được nhiều bài lời cổ mà chỉ nghe thôi khiến chân chẳng muốn rời.

Dấu ấn Hội Lim

Dấu ấn Hội Lim

Hội Lim đi vào trong những câu hát, những vần thơ như một món ăn không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống Việt Nam. Những gì công phu, hoành tráng nhưng cũng nhộn nhịp và thắm đượm phong tục tập quán vùng miền nhất chỉ có hội lim mới thể hiện được.

Từ những nghi thức rước hay tế lễ mang tình tâm linh, từ những trò chơi dân gian đậm nét thời xưa hay những làn điệu quan họ truyền thống. Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một lễ hội đắc sắc, độc đáo hòa chung vào bản ca xuân của đất trời xứ Bắc.

Một lễ hội truyền thống độc đáo của dân tộc

Một lễ hội truyền thống độc đáo của dân tộc

Về với Hội Lim là về với một trời sắc màu của lễ hội, của âm thanh, thơ và nhạc náo nức không gian đến xao xuyến lòng người. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm... như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và vạn vật.

Những cô gái làng quan họ mang trong mình nét duyên ngầm đằm thắm yêu kiều, e ấp sau nón quai thao níu lòng du khách bằng câu hát dân ca: Người ơi người ở đừng về. Và người ta còn thấy một làng quan họ đầy niềm thương nỗi nhớ văng vẳng trong những câu hát cao vút của ca sĩ anh thơ “Giữa đình hồ bán nguyệt, chị Cả tựa mạn thuyền/Anh Hai ngồi bẻ lái, Ấy quan họ về mà là về trao duyên”.

Nét đẹp người con gái xứ Kinh Bắc

Nét đẹp người con gái xứ Kinh Bắc

Với những người sinh ra và lớn lên tại Kinh Bắc hay bất kỳ ai đã một lần được đặt chân lên mảnh đất này, dường như đều cảm thấy rằng mỗi bước chân, mỗi hơi thở ở vùng quê ấy đều thấm đẫm những dấu ấn văn hóa và lịch sử của dân tộc. Đến hẹn lại lên, hội Lim vào mỗi dịp xuân về như mời gọi và níu giữ du khách thập phương trong nỗi niềm hân hoan, háo hức.

Bạn đang đọc bài viết Đầu xuân về làng Quan họ hòa mình vào hội Lim xứ Kinh Bắc tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục