Khám phá

Đón tết sớm cùng đồng bào Tây Bắc

Khám phá - 23:30, 05/02/2019 G2T+7 - Theo Đoàn Xanh/Tạp chí Du lịch

Nếu du lịch đến Tây Bắc vào cuối năm, bạn sẽ được đón tết sớm cùng đồng bào dân tộc Mông, Dao và Cao Lan. Đó là cái tết rực rỡ, vui nhộn mà vẫn mang chiều sâu lịch sử và văn hóa bản địa của đồng bào những nơi này.

Người Mông làm bánh tết

Người Mông làm bánh tết

Người Mông sống rải rác ở các địa phương trong tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình. Hàng năm khi hoa đào, hoa mận nở trắng rừng cũng là lúc người Mông bắt đầu đón tết. Tết Mông trước Tết Nguyên đán của người Kinh khoảng 1 tháng. Ngay đầu tháng 11 người Mông đã chuẩn bị đón tết. Đàn ông chuẩn bị củi đốt ngày tết. Phụ nữ thì sắm sửa quần áo mới cho mọi người trong gia đình. Những ngày này gia đình nào cũng nấu rượu, rượu tuôn chảy từng giọt, từng giọt như đếm từng giây phút háo hức trông chờ tết đến. Từ ngày 25 đến 26 tháng chạp người Mông nghỉ ngơi chuẩn bị đón tết.

Tết của người Mông thường kéo dài nhiều ngày với những phong tục, tập quán lâu đời. Tất cả các dụng cụ làm nương rẫy đều được "nghỉ ngơi". Họ niêm phong chúng lại bằng những bản giấy đỏ dán ngang, và chỉ lấy ra đi làm vào đầu năm mới bằng một lễ cúng, tương tự như lễ hạ điền của người Kinh. Trong đêm 30 tết họ cúng ma nhà (tổ tiên) bằng những con gà sống, lợn sống. Người Mông không thức đón giao thừa như người Kinh. Một năm mới của họ bắt đầu bằng tiếng gà gáy sáng mùng 1 tết.

Vào những ngày tết, người Mông chỉ vui chơi, làm các món ăn ngon, uống rượu và chúc nhau những lời tốt đẹp. Trong nhà họ có 3 món không thể thiếu đó là rượu, bánh ngô và bánh giầy. Bánh giầy theo người Mông tượng trưng cho đất trời, khi ăn họ nướng hoặc rán bánh lên. Đàn ông tụ hội chơi tết thì thổi khèn, thổi sáo Mông, đánh cù. Đàn bà, con gái thì chơi đánh yến, đành pàm. Mồng hai tết người Mông thường tổ chức Lễ hội Gầu Tào, tức là lễ hội cầu phúc năm mới.

Màu đỏ rực rỡ đem lại may mắn, vui vẻ trong năm mới

Màu đỏ rực rỡ đem lại may mắn, vui vẻ trong năm mới

Người Dao chuẩn bị đón tết từ nửa tháng chạp âm lịch. Ban đầu, họ ăn tết ở “nhà lớn” để thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Sau đó, họ mới tổ chức tết tại nhà mình. Đối với người Dao, vàng mã để cúng tổ tiên ngày tết không được mua ngoài chợ, mà phải tự tay làm sau khi đã được người trưởng họ đóng dấu ấn triện của dòng tộc. Ngày nay, đa số gia đình người Dao làm gộp cỗ cúng ông Táo vào cỗ cúng tất niên.

Đêm giao thừa, các thành viên trong gia đình đều phải tắm rửa sạnh sẽ, mặc quần áo đẹp để làm lễ cúng tổ tiên. Họ xếp hàng trước bàn thờ, người con trai cả đã được cấp sắc chủ trì buổi lễ. Sau khi thắp hương xong, mỗi người uống một ngụm nước cúng, thể hiện lệ tục tổ tiên ban phúc lộc. Nửa đêm, họ cùng nhau đánh trống, gõ mõ, gõ chiêng nhằm xua đuổi tà ma ra khỏi nhà. Người Dao cũng có phong tục đi hái lộc đầu năm. Đúng giao thừa, gia chủ chọn bẻ một cành lộc xanh tươi dắt trên mái nhà và ngoài cổng, hàm ý năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, thành đạt. Ngày tết người Dao hay làm bánh gù, bánh sừng bò gói lá chít. Về đêm, họ tụ tập, tổ chức hát giao duyên "ông quan làng, bà quan làng". Đến ngày mồng hai, trước khi đi chơi ở đâu, người Dao đều phải đến nhà ông trưởng họ cúng Tết nhảy để cầu cho các thành viên gia đình luôn gặp nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào.

Lễ hội tết nhảy đông vui

Lễ hội tết nhảy đông vui

Người Cao Lan xem tết cổ truyền là dịp để tỏ lòng biết ơn tổ tiên, con cháu sum vầy và nghỉ ngơi vui chơi sau một năm lao động vất vả. Trước hết đàn ông dùng giấy đỏ niêm phong chuồng trại, cày cuốc. Màu giấy đỏ rực rỡ thể hiện mong muốn có được sức khỏe, may mắn, được mùa và xua đuổi tà ma. Đối với người Cao Lan, công việc trang hoàng nhà cửa đón tết rất quan trọng. Chuẩn bị tết, họ đi chợ mua giấy đỏ, giấy kim tuyến về tự trang trí nhà cửa. Thanh niên mổ lợn, để dành thủ lợn cúng ngày 30, mùng 1. Phụ nữ gói bánh chưng, bánh vắt vai bằng gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn.

Đồng bào Cao Lan ăn tết sớm từ 25 tháng chạp đến hết rằm tháng giêng mới lao động trở lại. Ngày 30 họ thường cúng hết năm cũ và mừng năm mới ở nhà, sau đó ra cúng ở nhà chung. Người Cao Lan vẫn giữ nghi lễ lấy nước giếng ở nhà chung về thờ cúng. Ngày mùng 1 tết họ chỉ đến chúc tết anh em họ hàng, sang ngày mồng 2 mới sang nhà hàng xóm. Họ thích tổ chức các trò chơi tập thể như trồng cây chuối, vặt rau cải, hát ca, múa điệu chim câu, xúc tép, khai xuân... Hội thi biểu diễn trống sành là nét văn hóa đặc trưng của người Cao Lan trong những ngày lễ hội đầu năm mới.

Trên địa bàn Tây Bắc có nhiều dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Cao Lan... sinh sống. Tuy cùng đón năm mới, nhưng mỗi dân tộc lại có phong tục đón tết theo truyền thống khác nhau.
Bạn đang đọc bài viết Đón tết sớm cùng đồng bào Tây Bắc tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục