Thị hiếu du lịch chuyển hướng
Các số liệu thống kê cho thấy mức độ tăng trưởng khách du lịch trong nước và quốc tế của Việt Nam trong những năm qua đều rất cao. Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt xấp xỉ 8,5 triệu lượt (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018); khách du lịch nội địa đạt 45,5 triệu lượt khách, trong đó có 22,9 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 338.200 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Các địa phương là trung tâm du lịch lớn của cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hải Phòng, Quảng Nam, Kiên Giang, Đà Nẵng, Lâm Đồng... đều có mức tăng trưởng đáng kể.
Tuy nhiên, trong khi số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng thì thị hiếu của họ cũng bắt đầu... dịch chuyển. Ngoài các nhu cầu truyền thống về địa điểm tham quan, ẩm thực... du khách có xu hướng chú trọng vào chất lượng trải nghiệm tại điểm đến. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức với ngành du lịch, đòi hỏi thị trường phải có những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được kỳ vọng của du khách. Nhưng trên thực tế, nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng chất lượng cao tại Việt Nam lại đang thiếu hụt.
Chẳng hạn, tại Khánh Hòa, trong 2 tháng đầu năm 2019, tỉnh này đón hơn 1 triệu lượt khách lưu trú du lịch, nhưng trong số 750 cơ sở lưu trú du lịch với 39.400 phòng, mới có một nửa là cơ sở lưu trú từ 3-5 sao.
Tại Kiên Giang, tính đến hết tháng 11/2018, Phú Quốc đón hơn 3,7 triệu lượt khách nhưng mới chỉ có khoảng 10 khách sạn 3 - 4 sao và 5 khách sạn 5 sao.
Còn tại Quảng Ninh - quê hương của kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh này, năm 2018, tổng lượng khách du lịch đạt 12,2 triệu lượt. Nhưng trong số 1.304 cơ sở lưu trú du lịch của tỉnh đã được xếp hạng với 20.564 phòng, mới chỉ có 46 khách sạn và khu căn hộ đạt chuẩn 3-5 sao, với 5.674 phòng.
Theo các chuyên gia, với sự tăng trưởng khách du lịch như hiện nay, các cơ sở lưu trú chất lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của du khách. Do đó, để thu hút khách du lịch quay trở lại ngày càng nhiều, Việt Nam cần chuyển mình từ một điểm đến ít lựa chọn về lưu trú thành điểm đến nghỉ dưỡng hấp dẫn với các dịch vụ chất lượng cao. Lực đẩy từ ngành du lịch là cơ hội tốt để phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng "bứt tốc".
Những điểm sáng trên bản đồ du lịch nghỉ dưỡng
Nếu như trước đây, khách du lịch chủ yếu đổ về các địa điểm quen thuộc như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, thì vài năm trở lại đây, các nhân tố mới như Bình Định, Quảng Ninh, Quảng Bình… lại trở thành điểm đến được nhiều người lựa chọn.
Nguyên nhân đến từ sự đầu tư quyết liệt của Nhà nước về hạ tầng với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sân bay Đà Nẵng - Cam Ranh - Vân Đồn, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn… và sự góp mặt của những doanh nghiệp địa ốc lớn với những siêu dự án ngàn tỷ.
Chính những dự án này đã đưa Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Bình... từ những khu vực hoặc hoang sơ về du khách hoặc nghèo nàn về hạ tầng, dịch vụ đã nhanh chóng lột xác trong thời gian ngắn để trở thành những thị trường nghỉ dưỡng đầy tiềm năng, đem lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư tiên phong.
Tại khu vực Nam Trung Bộ, một trong những tâm điểm bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, Quảng Ngãi đang "trỗi dậy" như một điểm đến lý tưởng bên cạnh những địa danh đang thu hút công chúng như Quảng Nam, Bình Định.
Với thế mạnh là nhiều bãi biển nổi tiếng như Dung Quất, Khe Hai, Nho Na, Mỹ Khê, Sa Huỳnh cùng quỹ đất tự nhiên dồi dào; Quảng Ngãi đang bước đầu hình thành một số không gian nghỉ dưỡng hiện đại với các tiện ích đồng bộ, điển hình như Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi vừa được khởi công cuối tháng 6 tại Khu KT Dung Quất, mang đến làn gió mới cho vùng đất nhiều tiềm năng này.
Trong năm 2018, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút được 1 triệu lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế tăng đến 25% và lưu trú tăng 10%. Với việc đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, chú trọng xây dựng các dịch vụ chất lượng cao, chắc chắn trong thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ là điểm đến ưa thích tại Việt Nam và quốc tế.
Thực tế cho thấy sự xuất hiện một cách ấn tượng của các địa danh mới trên bản đồ du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam thời gian qua đã góp phần giảm bớt sức ép cho các thị trường du lịch truyền thống, đem lại cơ hội đầu tư lâu dài, đa dạng với mức giá vừa phải và lợi nhuận hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, không chỉ là kênh thu hút khách du lịch, gần đây, các khu nghỉ dưỡng còn là lựa chọn để tầng lớp khá giả thể hiện phong cách sống đẳng cấp. Do đó, các dự án đáng "đồng tiền bát gạo" tại các điểm đến mới trên bản đồ du lịch hứa hẹn sẽ tạo nên "cơn sốt" trên thị trường trong thời gian sắp tới./.