Trong mù sương của phiên chợ ngày áp tết, những cô gái Mông lựa chọn cho mình những bộ váy áo truyền thống…
…và cả những dải trang trí được cách điệu với nhiều đồng xu đính bởi những dải màu lấp lánh.
Thường người Mông đón Tết truyền thống của dân tộc mình từ mồng 1 tháng chạp âm lịch và kéo dài khoảng 10 - 15 ngày. Dù không phải vùng nào bà con cũng tổ chức Tết Mông nhưng có mặt tại “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng cao Tà Xùa”, khách lãng du như được hòa vào ngày hội, tết sớm của bà con với hàng loạt các hoạt động văn hóa, ẩm thực tiêu biểu tổ chức trên quê hương của Mỵ và A Phủ.
Ở các bản làng vùng cao huyện Bắc Yên (Sơn La), nếu gặp đúng ngày tết của người Mông, du khách có cơ hội chứng kiến hàng loạt trò chơi như: Đánh còn, ném pao, chơi quay, biểu diễn văn nghệ...
Cái cảm giác được bước vào quê hương của Mỵ và A Phủ, những nhân vật nổi bật trong sách giáo khoa khiến nhiều du khách tìm về đây với sự tò mò xen lẫn háo hức khi gặp những con người đến từ các địa danh Tà Xùa, Hồng Ngài, Háng Đồng, Hang Chú..., từng thấp thoáng trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của cố nhà văn Tô Hoài.
Đây là dịp để các cô gái chơi các trò truyền thống của mình như ném pao. Những quả pao được khâu nối các miếng vải lanh đủ màu sắc thành trái tròn, to bằng quả cam từ đôi tay khéo léo của cô gái dân tộc. Trong cuộc vui, nếu cô gái ưng chàng trai nào thường là họ khéo léo giấu tình cảm qua ánh mắt, còn các chàng trai ưng cô gái nào thì giữ luôn quả pao.
Trong những ngày đón năm mới, các chàng trai, cô gái rất thích thú, hào hứng rong chơi trong những bộ xiêm y lộng lẫy nhất…
… họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức mâm cơm năm mới với rượu Hang Chú, thịt lợn đen - những đặc sản trong vùng.
Bánh dày được làm rất công phu với nguyên liệu chính là gạo nếp nương đãi sạch, đồ 2-3 giờ cho thật dẻo, sau đó mang ra máng gỗ và dùng chày gỗ giã. Từ 4 đến 6 chàng trai khoẻ mạnh thay nhau giã đều và mạnh để bánh thật nhuyễn.
Người Mông quan niệm bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất. Vì thế trong những ngày Tết không thể thiếu món bánh này.
Tết của người Mông không thể thiếu gà trống vì theo truyền thuyết, gà trống tượng trưng cho thần Mặt Trời, ban phát ánh sáng và sự sống cho dân gian.
Mâm cúng năm mới thường có 4 món chính gồm lợn, gà, cá, ếch và các món phụ là cơm, su su luộc, cải mèo và măng ngâm ớt đặc sản của người dân các xã trong vùng.