“Phiêu” với từng bậc đá dẫn lên Hang Múa
Hang Múa nằm dưới chân núi Múa trong quần thể khu du lịch sinh thái thuộc địa phận thôn Khê Đầu Hạ, xã Ninh Xuân, Hoa Lư, Ninh Bình. Sở dĩ Hang Múa có tên gọi hết sức đặc biệt này là do xưa kia có một vị vua nhà Trần khi về vùng Hoa Lư lập Am Thái Vi thường hay lui tới một vùng đất khung cảnh non nước hữu tình để nghe các cung tần, mỹ nữ múa hát. Kể từ đó, dân gian quen gọi nơi đây là Hang Múa và duy trì tên gọi này cho đến tận hôm nay.
Với nhiều khung cảnh mới lạ, bắt mắt ở mỗi góc của cung đường, nơi đây quả là một địa điểm lý tưởng dành cho những tâm hồn yêu thiên nhiên, muốn tránh xa ồn ào, vội vã, muốn tận hưởng cuộc sống thanh bình. Còn với những bạn trẻ thích khám phá, thích check-in sống ảo như tôi thì Hang Múa cũng là một địa chỉ khó mà làm ngơ được.
Chuyến hành trình khám phá của tôi bắt đầu từ hồ nước xanh rêu cổ kính ngay giữa trung tâm di tích. Ở đây, người ta khéo léo đặt vài ba chiếc xích đu để du khách tiện nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Bóng cây phủ kín mặt hồ, lặng lẽ nghiêng mình trong gió đông như đang trầm ngâm suy tư về một điều gì quá vãn.
Cuối đường ven hồ là đỉnh núi Ngọa Long có hình dáng tương tự như núi Bài Thơ (Hạ Long) hay Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Núi không quá cao nhưng có nhiều sống đá nhọn dựng ngược lên sừng sững, uy nghi giữa đất trời. Từ dưới nhìn lên đỉnh, khung cảnh trông hệt như tình tiết của một bộ phim cổ trang hoành tráng mà tôi vẫn thích xem hàng đêm.
Ngoài phong cảnh tuyệt đẹp ở bên dưới, Hang Múa còn gây ấn tượng với du khách bởi con đường quanh co gần 500 bậc đá trắng phau mô phỏng theo kiến trúc Vạn Lý Trường Thành dẫn lên đỉnh. Hai bên bậc thang trang trí rất nhiều chi tiết công phu, với hình rồng phượng chạm khắc theo kỹ thuật sắc nét thời Trần.
Chậm rãi vượt từng bậc thang, tôi hít hà thật sâu vào lồng ngực thứ không khí trong lành ít khi gặp được của núi rừng. Càng đi lên cao, bức tranh sơn thủy hữu tình của danh thắng Tràng An lại càng rõ nét.
Núi Múa uy nghi bên dưới bây giờ trông như một quả chuông úp ngược xuống giữa không gian bao la đất trời. Cây cối trên đó không bao phủ hết toàn bộ khu vực xung quanh, mà thường mọc theo từng khóm giống như một mảnh vải xanh quấn quanh triền núi vậy. Chính vì sở hữu vẻ đẹp mỹ miều như thế nên nơi đây còn được ví là “Vịnh Hạ Long trên cạn” của Ninh Bình.
Nàng thơ của Tam Cốc
Thực sự thì đường lên đỉnh không quá cao như tôi tưởng. Với sức thanh niên… mới gần 30, tôi chỉ leo mất 30 phút là về đích. Toàn bộ khung cảnh khu di tích Hang Múa đây rồi. Đúng là bức tranh thuỷ mặc hữu tình mà thiên nhiên ưu ái ban tặng.
Nhờ may mắn hội tụ được tất cả các tinh hoa của thiên nhiên, đất trời, vạn vật cùng sự chăm bẵm, nâng niu từ bàn tay khối óc tài hoa của con người, Hang Múa mọc lên nguy nga ngay giữa lòng cố đô Hoa Lư cổ kính, hiền hòa, thơ mộng. Với tầm view nhìn thấu mọi khung cảnh, tôi dễ dàng quan sát vô vàn ngọn núi, dòng sông, cánh đồng đang hợp sức tạo nên thứ phong cảnh đẹp đến nao lòng.
Mặt trước là rất nhiều cánh đồng bát ngát. Nhìn xa hơn là những xóm làng vẫn giữ được cái chất của làng quê Bắc Bộ. Phía sau là một góc của Tràng An với dòng sông Ngô Đồng uốn lượn giữa những ngọn núi sừng sững. Những con thuyền nhỏ tấp nập nối đuôi nhau len qua từng vạt hoa súng, từng đàn vịt trời rẽ nước để đưa khách đi tham quan.
Nghiêng sang phải tôi bắt gặp những khối đá muôn hình vạn trạng. Thỉnh thoảng lại thấy một vài chú dê núi đứng chênh vênh trên mỏm đá cao ngút ấy chăm chỉ nhìn tôi. Còn khi ngó sang trái thì lại thấy cảnh quan mênh mông, bát ngát như không chạm tới chân trời.
Mỗi góc nhìn đem lại một cảm xúc, một quang cảnh, một sự bất ngờ khác nhau. Tất cả hòa quyện tạo nên bức tranh đồng quê thật gần gũi, giản dị. Đẹp đến mê mệt lòng người thế này bảo sao thiên hạ không chết lên chết xuống cho được. Vẻ đẹp của Hang Múa cũng rất nhiều lần được du khách quốc tế ca ngợi hoàn hảo không kém những điểm ngắm cảnh từ trên cao khác tại Việt Nam như là đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang), Lìm Mông (Yên Bái) hay Mai Châu (Hoà Bình).
Trên đỉnh núi cao hơn có một bức tượng Quan Thế Âm Bồ tát và tượng rồng hướng mắt nhìn xuống Hoa Lư xinh đẹp. Những tòa tháp nằm bên cạnh như tạc thêm vào vẻ đẹp yên bình, hùng vĩ ấy nét say mê, tĩnh thiền.
Ngọn gió nghịch ngợm nào đó vô tình đưa lời ca, tiếng hát từ ngàn năm trước len lỏi vào tâm trí tôi, trong phút chốc trước mắt như hiện ra khung cảnh các cung tần, mỹ nữ đang đàn hát những điệu nhạc của dân tộc. Trong đó, tôi là một con người đứng giữa cái bao la tinh xảo tuyệt diệu của tạo hóa chứ không phải con người thuộc về đô thị ồn ào, náo nhiệt.
Cung tần mỹ nữ có về đây
Sương khói ngàn thu đã vơi đầy
Gió thổi chim kêu hòa điệu múa
Ngọc ngà người đẹp ẩn trong mây.
Giờ thì tôi đã thấu hiểu vì sao nơi đây từng được nhiều vị vua chọn làm kinh đô của nước Đại Việt đến vậy rồi.
Ngoài ngắm cảnh đẹp thiên thần, tới với Hang Múa, du khách còn được tham gia các lễ hội địa phương, đặc biệt là cơ hội thưởng thức rất nhiều món ăn mộc mạc, giản dị. Món nem Yên Mạc được cuốn trong những chiếc lá ổi, lá sung ăn kèm tạo hình những chú trâu là thứ đặc sản không thể không thử. Món ăn này gắn chặt với câu chuyện về thời thơ ấu của Đinh Bộ Lĩnh, vị vua có công lập nên nhà nước Đại Cồ Việt.
Gỏi nhệch Kim Sơn cũng là món ăn nức tiếng làm tê liệt vị giác của khách du lịch khi đến tham quan Hang Múa. Vị chua chua thanh thanh, giòn rụm sẽ khiến mọi người không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của nó. Uống kèm với rượu Lai Thành hay Kim Sơn thì đúng là đắm say quên lối về. Món cơm cháy, ốc núi, dê núi… cũng là các món nức tiếng gần xa tôi đã thử và nhớ nhung mãi không quên.
Cuối ngày, tôi lựa chọn Hang Múa Ecolodge là nơi dừng chân của mình. Khác với những khu nghỉ dưỡng xô bồ khác, Hang Múa Ecolode vẫn giữ được nét đẹp văn hóa đằm thắm, thanh bình và nguyên sơ. Ngủ lại đây tôi cảm nhận được cái khí trời trong, thanh, nhẹ đến tĩnh tâm. Tất cả thôi thúc lòng người nên bỏ qua mọi hỉ nộ ái ố thế gian để tận hưởng những xúc cảm mà lúc này đang có.
Hang Múa Ecolodge cũng rất gần các danh thắng nổi tiếng khác như Tam Cốc Bích Động, Thung Nham, Cố đô Hoa Lư, Tràng An, Tuyệt tình cốc... Tất cả đều đẹp khiến thiên hạ bao người đắm say bỏ quên lối về.
Buổi sáng, tôi ghé vào chùa Bái Đính uy nghi sừng sững để thưởng thức những tuyệt phẩm từ bàn tay tinh xảo của con người. Chiều về ra Tràng An, lênh đênh trên con thuyền mộc mạc ngắm trọn sắc xanh phủ kín dòng sông. Tưởng chừng như đi lạc vào thế giới của những câu truyện dân gian ngày xưa mẹ vẫn hay kể.
Một ngày một đêm dừng chân nơi Hang Múa tuy chưa đủ để tôi khám phá hết vẻ đẹp “sơn thủy hữu tình” của Ninh Bình, nhưng sau 1 năm làm việc bận rộn, một chuyến hành hương lên núi tĩnh tâm cũng là một cách để thưởng ngoạn cuộc sống. Nhất là khi trước mắt lúc nào cùng bày ra những cảnh sắc ngoạn mục của đất trời như vậy rồi.