Khám phá

Khám phá nét đẹp “ma mị” của tu viện cổ Tả Phìn

Khám phá - 06:07, 17/07/2022 G7T+7 - Tùng Dương

Ở nơi núi cao, sương mù bao phủ quanh năm, hình ảnh của tòa Tu viện cổ đổ nát ẩn hiện trong màn sương phủ trắng của núi rừng, với cây cối rậm rạp khiến người ta dễ liên tưởng đến những câu chuyện cổ tích xa xưa.

Ẩn mình giữa vùng rừng núi Sapa có một tòa lâu đài cổ nhuốm màu thời gian, đó là tu viện Tả Phìn. Dù đã bị bỏ hoang gần 80 năm nhưng tu viện vẫn giữ được nét đẹp kiến trúc Pháp độc đáo đan xen giữa nhà thờ và lâu đài cổ. Tuy bỏ hoang nhưng đối với nhiều du khách, nơi đây vẫn là một địa danh du lịch nổi tiếng với vẻ đẹp ma mị đầy hấp dẫn. Tu viện cổ nằm cách thị trấn Sapa khoảng 15km trên đường vào bản Tả Phìn.

Tu viện Tả Phìn được thiết kế theo lối kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX, nhìn từ xa, nhiều du khách ngỡ đây là một lâu đài. Nét đẹp của tu viện cổ Tả Phìn thể hiện qua những mảng tường đá hình tổ ong phủ đầy rêu phong. Dù chỉ còn lại cổng, những bức tường, ô cửa sổ bằng đá,... nhưng đó cũng đã đủ để du khách khám phá, ngắm nhìn và chụp ảnh.

Toàn bộ công trình được xây dựng bằng đá tổ ong, từ cột, tường, trụ, vòm cửa cho đến cổng vào, chính vì thế nên dù đã bị bỏ hoang hơn nửa thế kỉ nhưng tu viện vẫn còn rất vững chắc.

Tu viện là một khối chữ nhật có 3 tầng, 1 nhà ngang 5 gian quay mặt về phía Tây và 1 hầm ngầm ở dưới lòng đất. Đây là thiết kế đặc trưng của những công trình mang kiến trúc Pháp. Nhà ngang là nơi ở, sinh hoạt và ngủ của các nữ tu. Bên phải nhà ngang có 1 nhà dọc nối liền với nhà ngang bằng 1 hành lang, đây là nơi để lương thực, bếp ăn của tu viện. Tất cả đã tạo nên không khí trong tu viện vừa yên tĩnh vừa thâm nghiêm, mùa đông thì ấm áp mà mùa hè lại mát mẻ, rất phù hợp với khí hậu vùng núi cao.

Cửa sổ hình bán nguyệt, theo kiến trúc Roman. Hệ thống ống dẫn nước được lắp đặt đến tận từng phòng, vì các phòng được xây dựng cách biệt nhau qua những bức tường kín, không có cửa thông, chỉ có cửa chính phía trước theo lối hành lang. Từ cổng đi sâu vào những gian nhà bên trong tu viện, du khách sẽ được ngắm nhìn toàn vẹn một công trình kiến trúc bằng đá đậm chất Pháp, mặc dù mái nhà bên trên đã không còn. Vẻ đẹp rêu phong bởi thời gian của tòa tu viện khiến du khách như lạc vào một không gian cổ xưa đầy huyền bí với những mảng tường phủ kín rêu đỏ.

Nét đẹp của tu viện cổ Tả Phìn thể hiện qua những mảng tường đá hình tổ ong phủ đầy rêu đỏ.

Theo cuốn Du lịch Lào Cai, tu viện Tà Phìn vào năm 1942 từng có người ở, nhưng tới năm 1945 do tình hình an ninh bất ổn nên không còn ai sống ở đó, rồi cũng bị đốt phá hoang tàn. Kể từ lúc đó, tòa tu viện bị bỏ hoang cho đến ngày nay, hiện giờ chỉ còn những mảng tường rêu phong nhưng vẫn toát lên được vẻ đẹp kì bí với những đường nét mang đậm phong cách kiến trúc thời thuộc Pháp.

Ở nơi núi cao, sương mù bao phủ quanh năm, hình ảnh của tòa Tu viện cổ đổ nát ẩn hiện trong màn sương phủ trắng của núi rừng, với cây cối rậm rạp khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến những câu chuyện cổ tích. Mặc dù bị hoang phế từ lâu, những đường nét cổ kính và không gian trầm mặc cùng với cảnh quan nơi đây lại là điểm thu hút đông đảo du khách dừng chân tham quan, chụp ảnh.

Tu viện được xây bằng đá nên rất chắc chắn qua thời gian.
Tu viện cổ Tả Phìn đã bị hỏng hoàn toàn phần mái.
Cửa sổ của tu viện kéo dài từ sàn nhà lên gần đến mái.
Tu viện giờ chỉ còn lại những mái vòm cửa.
Tất cả các cửa đều được xây vòm cuốn bằng đá.
Những mảng tường đá phủ kín rêu đỏ đã thu hút khách du lịch đến khám phá.
Những vòm cuốn cửa sổ đặc trưng kiến trúc Pháp.
Những mảng rêu đỏ khi nhìn gần.
Hàng trụ đá đỡ vòm cửa cuốn.
Vòm cửa tu viện được xây bằng đá kết hợp với gạch đất nung.
Tu viện được xây bằng đá hình tổ ong.
Những cây đào nở hoa xung quanh tu viện cổ.
Hoa đào nở bên những bức tường rêu đỏ của tu viện cổ.
Những cô gái người Dao đỏ ở bản Tả Phìn ngay cạnh tu viện cổ.
Lương thực trong nhà người Dao đỏ ở bản Tả Phìn.
Cô gái người dân tộc Dao đỏ đang đun lá thuốc. Người Dao đỏ có nghề bốc thuốc nam.

 

Bạn đang đọc bài viết Khám phá nét đẹp “ma mị” của tu viện cổ Tả Phìn tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục