Việt Nam Xanh

Kỳ I: Bóng hình tiên nữ dưới những mái chùa Khmer

Việt Nam Xanh - 06:30, 06/03/2021 G3T+7 - Phóng sự ảnh: Trọng Chính

Với cộng đồng người Khmer Nam Bộ, nữ thần có cánh Kâyno (Keynor) lấp lánh quanh mái chùa Khmer giống như một nàng tiên giáng trần, múa điệu Apsara say lòng người trên nền trời xanh với chiếc váy nhiều màu rực rỡ.

Lời tòa soạn: 4 tỉnh "láng giềng" Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau là những nơi có đông người Khmer sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp sông nước, lãng du dọc các tỉnh miền Tây này còn là dịp chiêm ngưỡng hàng trăm ngôi chùa Khmer đẹp lộng lẫy.

Loạt điểm đến Photo Travel từ kỳ này khám phá vẻ đẹp “Lộng lẫy những ngôi chùa Khmer Nam Bộ” với những tiên nữ Kâyno lấp lánh dưới mái chùa Khmer; Chén Kiểu, ngôi chùa của những mảnh sành làm nên "kiệt tác"; chùa Xiêm Cán, Monivongsa Bopharam đẹp rực rỡ theo phong cách Khmer với tông màu vàng chủ đạo, điểm tô nhẹ những màu sắc ấn tượng khác như cam, đỏ, xanh…

Về tổng thể kiến trúc, mỗi ngôi chùa Khmer đều là một công trình nghệ thuật đặc sắc trên những vùng đất dọc theo cung đường lãng du các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng. Ngoài chức năng tôn giáo, tín ngưỡng, chùa còn là nơi đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Xung quanh một số ngôi chùa Khmer như chùa Chén Kiểu, tượng các tiên nữ Apsara được đặt dọc lối dẫn vào chùa với khuôn mặt duyên dáng, đầy đặn và căng tràn nhựa sống tượng trưng cho sắc đẹp vĩnh hằng…
Keynor có dáng tiên nữ với gương mặt hiền lành đẹp đẽ giống tượng vũ nữ Apsara, đội nón chóp nhiều tầng, mình mặc áo xà rông hoặc hai bên hông có cánh.
Ngôi chánh điện thường xây dựng trên nền cao từ 0,5 - 1m và như được cao thêm bởi hàng cột đứng thẳng bên ngoài hành lang. Kiến trúc nổi bật và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất ở mặt đứng ngôi chánh điện chính là trên các đầu cột ở bốn góc được trang trí hình tượng chim thần Krud mình người đầu chim và tượng nữ thần có cánh Kâyno

Từ cổng chính đến chánh điện và các công trình kiến trúc khác, nghệ thuật điêu khắc, trang trí được người Khmer rất chú trọng khi xây dựng ngôi chùa, đặc biệt các góc mái, cột, diềm mái... Các cột của chánh điện được đắp nổi, tượng tròn hoặc chạm khắc, thể hiện các hình tượng Reahu (Hổ phù), Tiên nữ Kâyno, Chằn (Yeak)…

Diềm mái được trang trí các hoa văn rực rỡ chạy suốt chiều dài các công trình kiến trúc trong chùa Khmer, với nghệ thuật cách điệu tinh tế, các tiên nữ Kâyno dùng để trang trí dưới các hiên chùa, …
…. tạo nên đường nét nhẹ nhàng, thanh thoát cho các công trình trong quần thể kiến trúc đa dạng, độc đáo và sinh động…
… và đó cũng là lý do mà ngôi chùa Khmer nào cũng có các bức phù điêu tiên nữ Kâyno gắn ở các đầu cột ngôi chánh điện.

Mô típ tiên nữ Kâyno trang trí nơi cửa Phật là ngụ ý muốn tôn lên ý nghĩa tượng trưng cho hòa bình và thịnh vượng của người Khmer Nam Bộ. Nàng tiên được biết đến với tất cả những gì đẹp đẽ, quyến rũ nhất chính là những Apsara kiều diễm và theo Ấn Độ giáo họ là vợ của các nhạc công nơi tiên giới Gandharva. Thường đàn ca, múa hát cho các vị thần, các nàng Apsara đồng thời là các tì nữ, hầu hạ thần Indra, vua của các vị thần và hiện thân của chiến tranh, giông bão, mưa gió. 

Tượng nữ thần Kâyno này ở tư thế vươn lên đỡ lấy diềm mái còn tạo sự chuyển tiếp giữa phương đứng của các cột và phương ngang của mái ngôi chánh điện.
Ở các bức tường, cánh cửa của các công trình khác trong chùa, các nghệ nhân lại trang trí nhiều bức bích họa, thể hiện hình tượng các tiên nữ xinh đẹp với các động tác múa rất chậm rãi và tinh tế, thể hiện nét độc đáo của nghệ thuật múa Apsara không giống như các điệu múa khác trên thế giới.

Không chỉ hút hồn du khách bởi vẻ đẹp của các yếu tố tạo hình, điêu khắc, kiến trúc và hội họa, khuôn mặt của những nàng tiên Kâyno tượng trưng cho sắc đẹp vĩnh hằng, lấp lánh dưới hiên chùa là điểm nhấn tạo nên một vẻ đẹp riêng rất độc đáo của những ngôi chùa Khmer.

Mỗi công trình điêu khắc các tiên nữ đều là một chỉnh thể mỹ thuật hoàn hảo nó chứa đựng triết lý sâu xa với trái tim đầy nhiệt huyết và bàn tay điêu luyện của nghệ nhân người Khmer, với lòng mong mỏi nàng sẽ đem lại cho họ một cuộc sống hòa bình, yên ấm và thịnh vượng.
Phía trên các cột là tượng đắp nổi mô tả cảnh tiên nữ Khmer chắp tay hành lễ ở chùa Dơi, Sóc Trăng.

 

Bạn đang đọc bài viết Kỳ I: Bóng hình tiên nữ dưới những mái chùa Khmer tại chuyên mục Việt Nam Xanh của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục