Việt Nam Xanh

Kỳ I: Sống trong “Vương quốc” trình tường của người Hà Nhì

Việt Nam Xanh - 06:30, 31/07/2021 G7T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Đến đây, tôi như lạc vào thế giới của những ngôi nhà trình tường với những huyền thoại như trâu bò húc vào tường không rung rinh hay đạn AK bắn gần không thể xuyên thủng...

Lời tòa soạn:

Quần cư trong một thung lũng ở vùng biên giới, Y Tý là tên của  một xã cuối trời đất Việt thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nơi có những ngôi nhà trình tường trông như cây nấm mọc trên sườn núi của người Hà Nhì đen.

Có mặt ở Việt Nam cách đây hơn 300 năm trước, dân tộc Hà Nhì tụ cư ở Y Tý đã khai phá và bảo vệ vùng đất đai nơi địa đầu tổ quốc. Loạt phóng sự của Photo Travel từ kỳ này sẽ khám phá nơi được ví như thế giới cổ tích của người Hà Nhì này, từ kiến trúc trình tường độc đáo, cuộc sống cộng đồng ở các thôn Lao Chải, Chỏn Thèn, Ngải Thầu Thượng, Dìn Thàng, Hồng Ngài… đến hệ thống lễ, tết, hội phong phú như Tảo mộ, Khô Già Già, hội cầu mùa lớn nhất của người Hà Nhì đen… 

Những hình ảnh trong các phóng sự được chụp trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Lao Chải là thôn có số người dân tộc Hà Nhì đen sinh sống đông nhất ở Y Tý và cũng là điểm đến hấp dẫn nhất ở chốn quanh năm mây phủ này. Đến đây, tôi như lạc vào thế giới của những ngôi nhà trình tường với những huyền thoại như trâu bò húc vào tường không rung rinh hay đạn AK bắn gần không thể xuyên thủng...

Những ngôi nhà trình tường như cây nấm mọc bên sườn núi ở độ cao trên 2.660m giữa vùng núi đá và các đồi cỏ tranh của cao nguyên Y Tý. 
Những ngôi nhà trình tường như cây nấm mọc bên sườn núi ở độ cao trên 2.660m giữa vùng núi đá và các đồi cỏ tranh của cao nguyên Y Tý. 

Vượt qua Cổng Trời, ngược lên đỉnh Nhù Cồ San (núi Sừng Trâu), con đường lượn xoáy ốc qua những đỉnh núi đá chót vót, hun hút... và dường như đã đủ thử sức khách lữ hành, thôn Lao Chải của người Hà Nhì đen, cách thành phố Lào Cai hơn 70km hiện ra trong sương mờ của cao nguyên Y Tý.

Những ngôi nhà hộp diêm - cây nấm xinh xắn, thiết kế riêng biệt với mái lợp cỏ tranh theo hình chiếc nón úp không lẫn vào đâu được ở thôn Lao Chải.
Những ngôi nhà hộp diêm - cây nấm xinh xắn, thiết kế riêng biệt với mái lợp cỏ tranh theo hình chiếc nón úp không lẫn vào đâu được ở thôn Lao Chải.

Trên cao nhìn xuống, Lao Chải nằm giữa một vùng núi đá và các đồi cỏ tranh với những căn nhà trình tường trông giống những cây nấm khổng lồ mọc bên sườn núi ở độ cao 2.660m. Đó là “tổ ấm” của người Hà Nhì đen (một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam) sống quanh năm trong sương phủ, giá rét.

Em bé dân tộc Hà Nhì đen với trang phục truyền thống trong không gian của những ngôi nhà trình tường ở cao nguyên Y Tý.
Em bé dân tộc Hà Nhì đen với trang phục truyền thống trong không gian của những ngôi nhà trình tường ở cao nguyên Y Tý.

Tôi đã thực sự ấn tượng với những “cây nấm” này ngay từ khi được chứng kiến cách dựng nhà cũng như chất liệu đất làm nên những bức tường của ngôi nhà này từ năm 2004. Đó là thời điểm 20 người thợ dân tộc Hà Nhì ở thôn Lao Chải về Hà Nội trình tường những ngôi nhà của dân tộc mình tại khuôn viên của Bảo tàng Dân tộc học. Sau gần 2 tháng thi công, nhà ở và tổ hợp chuồng ngựa, chuồng trâu cùng các địa điểm thờ cúng làm theo nguyên mẫu từ thôn Lao Chải. Hiện các tổ hợp kiến trúc trình tường này vẫn là điểm nhấn cho bộ sưu tập nhà ở của đồng bào các dân tộc ít người tại khuôn viên Bảo tàng.

Duy nhất một cửa ra vào ở chính giữa ngôi nhà trình tường, với khuôn gỗ không quá lớn, rộng chừng 1m và cao hơn đầu người một chút dùng để lấy sáng. 
Duy nhất một cửa ra vào ở chính giữa ngôi nhà trình tường, với khuôn gỗ không quá lớn, rộng chừng 1m và cao hơn đầu người một chút dùng để lấy sáng. 

Phải đến tháng 1/2007, từ “mai mối” của bạn đồng nghiệp và là cây viết phóng sự có tiếng Đỗ Doãn Hoàng, người có các chuyến đi khám phá Y Tý đầu tiên mà đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm (Truyền hình Việt Nam) cho tôi “ké” chuyến đi làm phim tài liệu "Người Hà Nhì ở Y Tý". Mỗi lần lên Y Tý, chúng tôi có hơn chục ngày cùng ăn, cùng ở tại nhà trưởng bản Lao Chải khi đó là ông Chu Che Có   để đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm có được loạt tài liệu về cuộc sống của bà con dân tộc Hà Nhì đen cho chương trình “Những mảnh ghép cuộc sống”, một phiên bản “Discovery Việt Nam".

Bữa cơm tối được bà Sò Ha Bớ, thôn Lao Chải chuẩn bị cho gia đình trong căn bếp.
Bữa cơm tối được bà Sò Ha Bớ, thôn Lao Chải chuẩn bị cho gia đình trong căn bếp.

Lao Chải là thôn có số người dân tộc Hà Nhì đen sinh sống đông nhất Y Tý. Cái tên “Lao Chải” mang nghĩa Hán là “thôn gốc”, “thôn cũ”, bởi đây là thôn đầu tiên với 100% là người Hà Nhì đen. Đây cũng là thôn mang đặc trưng riêng với tính thống nhất về mặt kiến trúc bởi các ngôi nhà trong thôn đều giống nhau từ hình thức, kết cấu, kiến trúc, không gian sử dụng và cả cách bài trí ngôi nhà. Tất cả đều được làm theo kiểu trình tường, bằng đất với hai vòng trong và ngoài. Nhà thường đắp tường dày từ 40 - 45cm, trong lõi có xếp đá bằng nắm tay, cao khoảng 4,5 - 5m. 

Buổi trưa bên bậu cửa ngôi nhà trình tường
Buổi trưa bên bậu cửa ngôi nhà trình tường của anh Sì Xe Phả. Cuộc sống thường nhật của những người dân tộc Hà Nhì đen như bố con anh Phả dễ bắt gặp khi lên thăm “vương quốc” trình tường Lao Chải.

Diện tích trung bình mỗi ngôi nhà dao động từ 65 - 80m2, có mái dốc ngắn (4 mái) lợp bằng cỏ gianh, không có hiên. Ngôi nhà có duy nhất một cửa ra vào ở chính giữa và thêm một hai cửa thông gió ở bên trái, hoặc bên phải lối ra vào, nhìn xa như lỗ con tò vò. 

Ngôi nhà trình tường hai tầng duy nhất ở Lao Chải trước đây được dùng làm UBND xã Y Tý, sau đó là Phân hiệu Lao Chải
Ngôi nhà trình tường hai tầng duy nhất ở Lao Chải trước đây được dùng làm UBND xã Y Tý, sau đó là Phân hiệu Lao Chải (trường Tiểu học Y Tý).

Bên trong có lần cửa thứ hai cũng dày như tường ngoài, có tác dụng phòng thủ. Sau lần cửa này là bếp và giường ngủ của người làm chủ gia đình. Đây được coi là mẫu nhà chung cho các gia đình sống trong một khu vực cư trú, không có sự phân biệt sang hèn trong kiến trúc nhà ở.

Từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch trong năm là mùa trình tường của người Hà Nhì để ăn Tết và đón năm mới. Đây cũng là khoảng thời gian mùa vụ đã xong, lại làm nhà bởi tường trình bằng đất nên phù hợp với mùa khô. Để làm móng cho tường nhà, người Hà Nhì phải đi chọn loại đá núi bằng phẳng ở các con suối, khe sâu. Móng được đặt ngay trên mặt đất bằng mà không phải đào sâu xuống lòng đất như ở dưới xuôi xây nhà, sau đó chọn ván khuôn đặt xuống nẹp lại cho chắc như ta đổ bê-tông.

Nhà trình tường Lao Chải thường được kết cấu hình chữ nhật, có một cửa chính và cửa tò vò thông gió ở trên cao, không có cửa sổ.
Nhà trình tường Lao Chải thường được kết cấu hình chữ nhật, có một cửa chính và cửa tò vò thông gió ở trên cao, không có cửa sổ.

Tường nhà được trình rất công phu, quan trọng nhất là làm khuôn thẳng, chuẩn. Đất được đổ vào khuôn và đầm bằng chày gỗ cho chặt và chắc làm sao khi rút khuôn ra đất thành hình vuông thành, sắc cạnh. Công đoạn tiếp theo, người Hà Nhì dùng táp làm cho mặt tường phẳng và bóng.

Để làm móng cho tường nhà, người Hà Nhì phải đi chọn loại đá núi bằng phẳng ở các con suối, khe sâu. Móng được đặt ngay trên mặt đất bằng mà không phải đào sâu xuống lòng đất như ở dưới xuôi xây nhà, sau đó chọn ván khuôn đặt xuống nẹp lại cho chắc như ta đổ bê-tông.
Để làm móng cho tường nhà, người Hà Nhì phải đi chọn loại đá núi bằng phẳng ở các con suối, khe sâu. Móng được đặt ngay trên mặt đất bằng mà không phải đào sâu xuống lòng đất như ở dưới xuôi xây nhà, sau đó chọn ván khuôn đặt xuống nẹp lại cho chắc như ta đổ bê-tông.

Chiều ở vùng biên giới đầy hơi lạnh càng làm những ngôi nhà xinh xắn, thiết kế riêng biệt không lẫn vào đâu được nằm lưng chừng của thung lũng mờ ảo đẹp và hư vô đến khó tin. Có lẽ vì thế, mỗi lần nhắc đến Y Tý, rất nhiều người vẫn thường ao ước khi được đặt chân đến miền đất nơi biên viễn này, khi hết dịch bệnh. 

Bạn đang đọc bài viết Kỳ I: Sống trong “Vương quốc” trình tường của người Hà Nhì tại chuyên mục Việt Nam Xanh của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục