Lời tòa soạn:
Được gắn với cái tên "mỹ miều" đảo Ngọc, Phú Quốc nằm giữa trùng khơi biển Tây với thiên nhiên trác tuyệt và những khu nghỉ dưỡng tầm cỡ thế giới.
Nếu ở phía Bắc đảo ngát xanh bởi những cánh rừng nguyên sinh, vườn tiêu bạt ngàn, vương quốc sao biển “lấp lánh”... thì phía Nam đảo Ngọc lại là thiên đường của biển, nơi những bãi biển trải dài với nước màu lam ngọc và những hòn đảo sánh với Maldives, Bali hay Boracay.
Loạt phóng sự của Photo Travel từ kỳ này sẽ mang Phú Quốc đến với bạn qua những trải nghiệm chỉ có ở riêng đảo Ngọc. Đó là một cảm giác "chơi vơi" giữa không trung, ngắm biển trời Nam đảo từ cáp treo Hòn Thơm; khám phá Rạch Vẹm, nơi có thể thấy Campuchia chẳng cách mình bao xa; lạc lối ở Học viện huyền thoại Lamarck University của JW Marriott Phu Quoc; dạo bước thăm những làng chài nhộn nhịp, khu chợ đêm sầm uất với hải sản tươi ngon, lúc nào cũng đầy ăm ắp...
Có rất nhiều cách để trải nghiệm “thiên đường” biển Phú Quốc nhưng phải “chơi vơi” 15 phút giữa biển trời mênh mông, chiêm ngưỡng màu ngọc lục bảo của nước biển cùng chuỗi những hòn đảo kỳ thú từ cabin cáp treo Hòn Thơm mới thực sự là một cảm giác khó quên.
Hơn 10 năm tôi mới quay lại miền biển thiên đường Phú Quốc, lại chỉ trước thời điểm dịch bệnh lần thứ tư bùng phát đúng một tuần. Hai tay lái trẻ, tôi thuê xe họ chở những ngày lang thang trên đảo Ngọc đều là cư dân Phú Quốc. Huy và Đức thay nhau, mỗi ngày lái xe đưa tôi “quét” từ phía Nam sang Bắc, Đông sang Tây của đảo Ngọc, kịp bấm máy như “trâu bò”, như lời của hai chàng thổ dân đảo này. Một cách để không lãng phí những khuôn hình đẹp cũng như các trải nghiệm ở hòn đảo nằm ở biển Tây.
Là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, Phú Quốc có một lịch sử hình thành đặc biệt khi gắn liền với dòng họ Mạc - những người đặt chân đến mảnh đất này từ ngày đầu. Rời Phúc Kiến xuôi về biển phương Nam năm 1671, Mạc Cửu cùng cả gia quyến, binh sĩ của ông đã có nhiều ngày lênh đênh trên biển sau đó đặt chân lên một vùng đất hoang ở vịnh Thái Lan.
Đây là vùng đất thuộc ảnh hưởng của Chân Lạp khi đó và Mạc Cửu đã ở lại đây, hợp tác với vương triều này cho đến năm 1681. Ông tiếp tục lập một số ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Hà Tiên và Cà Mau. Những nơi này nhanh chóng trở thành thương cảng quan trọng về sau. Quá trình mở mang vùng đất mới của Mạc Cửu cũng giúp ông lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển là Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Kompong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral).
Các vùng đất phồn thịnh cứ thể mở rộng. Tiếng lành đồn xa đã khiến các lưu dân gốc Hoa từ nhiều nơi ở vịnh Thái Lan tìm đến xin ông ở lại lập nghiệp. Đảo Koh Tral thế là đổi tên thành Phú Quốc, mang nghĩa về một vùng đất giàu có. Đến năm 1708, Mạc Cửu đã liên lạc với Chúa Nguyễn Phúc Chu và chỉ một thời gian sau, ông xin làm thuộc hạ của chúa Nguyễn, được phong chức Tổng binh của vùng đất Hà Tiên.
Trải bao thăng trầm lịch sử từ thời mở cõi của dòng họ Mạc, Phú Quốc vẫn nguyên đó những bãi biển với nước màu xanh ngọc lục bảo cùng hàng loạt hòn đảo lớn nhỏ đủ hình kỳ dị. Đặc biệt, với Nghị quyết thành lập TP. Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang được Quốc hội thông qua ngày 9/12/2020, một vận hội lớn đưa hòn đảo rộng gần 600 cây số vuông này trở thành một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế.
Nhiều công trình mang tính biểu tượng do các Tập đoàn lớn đã được xây dựng nơi đảo Ngọc như cáp treo vượt biển dài nhất thế giới Hòn Thơm của Sun Group, khu nghỉ dưỡng chuẩn quốc tế JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay… Không ít tập đoàn kinh tế khác cũng đã rót vốn, đầu tư nhiều dự án lớn vào hòn đảo này, tạo nên những sản phẩm và dịch vụ du lịch cao cấp.
Với tổng chiều dài 7.899,9km, tuyến cáp treo Hòn Thơm do Tập đoàn Sun Group đầu tư đã đưa vào vận hành khai thác từ năm 2018. Đây là hệ thống cáp kết nối trung tâm An Thới sang hòn Dừa, hòn Rỏi và kết thúc tại hòn Thơm. Không chỉ rút ngắn một nửa thời gian đến với hòn Thơm so với các phương tiện tàu, thuyền trước đây, cáp treo còn mang đến cho du khách những góc nhìn "đã con mắt" khi chiêm ngưỡng "thiên đường" biển Nam đảo Ngọc từ không trung.
Điểm nhấn đầu tiên của quần thể cáp treo bắt đầu với ga Hòn Thơm, nơi được ví như "đấu trường La Mã" phiên bản Việt bởi những bức tượng chiến binh kết hợp ô cửa hình vòm uốn cong lạ mắt. Đây là nơi cũng khiến nhiều người ngỡ mình đang chứng kiến những tàn tích còn sót lại của đấu trường La Mã xưa ở tận xứ Ý xa xôi.
Khi cabin cáp treo rời đỉnh đồi An Thới là lúc vùng biển, đảo phía Nam Phú Quốc cứ nhỏ dần, nhỏ dần theo độ cao của trụ cáp. Từ góc ngắm này, màu xanh của rừng, nâu đen của ghềnh đá, xanh ngọc của làn nước biển bắt nắng cứ thế pha trộn, ánh lên sắc lấp lánh, long lanh.
Ga cuối là hòn Thơm, hòn đảo lớn nhất quần đảo An Thới, nơi vẫn còn đó các bãi tắm hoang sơ, đủ khiến lữ khách muốn lao ngay xuống nước biển, để tinh thần và thể xác được tan hòa với mây, trời, biển, núi... phía Nam đảo Ngọc./.