Tập golf từ khi 14 tuổi, chơi golf chuyên nghiệp được 7 năm và từng được mệnh danh là “Golf thủ số 1 Việt Nam” nhưng Nguyễn Thái Dương lại bất ngờ dừng sự nghiệp thi đấu khi đang ở thời kỳ sung sức nhất.
Trở thành giám đốc điều hành của Hệ thống giải golf chuyên nghiệp Việt Nam VPGA Tour bên cạnh công việc làm huấn luyện viên của Hanoi Golf Academy, golf thủ một thời quyết tâm thực hiện mục tiêu lớn lao trong đời, đó là đưa nền golf Việt Nam lên tầm chuyên nghiệp.
Trong cuộc trò chuyện với Reatimes, Nguyễn Thái Dương đã bày tỏ ông có niềm tin vào việc phát triển golf chuyên nghiệp nước nhà, đồng thời cũng chia sẻ những trăn trở, khó khăn cần phải vượt qua.
PV: Xin chào ông Nguyễn Thái Dương. Ông có thể cho biết, điều gì khiến ông dừng sự nghiệp chơi golf chuyên nghiệp khi đang ở đỉnh cao phong độ để chuyển sang phát triển VPGA Tour?
Ông Nguyễn Thái Dương: Khi thi đấu chuyên nghiệp và đạt những thứ hạng nhất định, đó vẫn chỉ là thành tích cá nhân. Tôi cũng như những người khác cùng thành lập VPGA Tour đều có mong muốn phát triền nền golf của Việt Nam hơn nữa, vì ở bất cứ quốc gia, khu vực nào, hệ thống chuyên nghiệp mới là nền tảng quan trọng nhất. Một đất nước mà muốn golf mạnh thì bắt buộc hệ thống golf chuyên nghiệp phải mạnh. Chẳng hạn như Mỹ, nơi có golf chuyên nghiệp mạnh nhất thế giới thì nền golf cũng mạnh nhất. Bởi chơi golf chuyên nghiệp là để kiếm tiền, không chỉ là để cho vui, nên khi càng có nhiều giải đấu với giá trị lớn, sẽ có càng nhiều người chơi.
Khi quyết định theo đuổi công việc này, tôi buộc phải lựa chọn việc dừng sự nghiệp thi đấu golf chuyên nghiệp bởi không thể có thời gian cho cả hai. Nếu muốn thi đấu, tôi phải dành ít nhất 8 tiếng để tập mỗi ngày. Chỉ riêng việc đi dạy thôi cũng đã ảnh hưởng tới việc tập luyện chứ chưa nói đến việc trở thành người quản lý cả một hệ thống giải.
VPGA Tour là viết tắt của Professional Golf Association Tour - Hệ thống giải golf chuyên nghiệp Việt Nam. Đây là giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên ở môn thể thao golf được tổ chức tại Việt Nam. Mục tiêu quan trọng nhất của VPGA Tour là thiết lập giải đấu chuyên nghiệp dành cho các golfer chuyên nghiệp Việt Nam thể hiện tài năng, qua đó nâng cao trình độ kỹ thuật, tôi luyện bản lĩnh và tích lũy kinh nghiệm thi đấu nhằm chuẩn bị đầy đủ cho các golfer khi tham dự các giải đấu chuyên nghiệp quốc tế. Tinh thần thể thao "cao thượng" và "công bằng" là yếu tố xuyên suốt trong mọi giải đấu của VPGA Tour. |
PV: Môn golf đã du nhập vào Việt Nam gần 30 năm, tuy nhiên VPGA Tour mới là hệ thống giải chuyên nghiệp đầu tiên ở nước ta. Là một đơn vị tiên phong, vừa có cơ hội nhưng chắc cũng gặp nhiều thử thách. Với VPGA, những cơ hội và thử thách đó là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Thái Dương: Hiện nay cả nước ta có khoảng 50.000 người chơi golf, tức là đã gấp đôi so với khoảng 10 năm trước. Và 5 năm trở lại đây thì số lượng người chơi tăng rất nhanh. Số người chơi tăng, số sân cũng tăng, nhưng người hiểu biết thực sự về golf còn rất hạn chế, họ chưa tư duy được golf chuyên nghiệp ra làm sao. Điều đó kéo theo việc trẻ con chơi golf còn ít, giá cả vẫn khá đắt đỏ, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cho hệ thống trẻ. Nhiệm vụ của người quản lý golf là phải làm cho người chơi hiểu thực sự về golf. Đó cũng là thuận lợi cho những người có hiểu biết về golf chuyên nghiệp như chúng tôi.
Nhưng bên cạnh đó, việc tổ chức một hệ thống giải chuyên nghiệp là không hề đơn giản. Muốn tổ chức được một giải đấu, cần tìm nhà tài trợ và phải hiểu cách tổ chức. Mà muốn như thế, người tổ chức phải có kinh nghiệm đánh giải chuyên nghiệp và am hiểu về hệ thống giải chuyên nghiệp với hàng loạt yếu tố như: hệ thống giải bao gồm cái gì, bao nhiêu giải, cần người như thế nào, tổ chức ở sân nào, hoạt động truyền thông PR ra sao, chất lượng trình độ vận động viên, trọng tài, cách tổ chức sân thi đấu… Nếu không nắm được hết những việc đó, bạn không thể tổ chức một giải đấu chuyên nghiệp được.
PV: Golf chuyên nghiệp Việt Nam bây giờ mới tạm coi là bắt đầu, tức là từ trước đến nay chúng ta chưa có tiêu chuẩn cụ thể nào. Vậy VPGA Tour có áp dụng tiêu chuẩn hay học theo mô hình nào khi phát triển hệ thống giải đấu không, thưa ông?
Ông Nguyễn Thái Dương: Tiêu chuẩn của golf không có mức xác định chung mà phụ thuộc vào trình độ golf của từng quốc gia để đánh giá. Tiêu chuẩn này sẽ phụ thuộc vào trình độ thi đấu, chất lượng vận động viên, số lượng giải đấu. Ở nước mới bắt đầu thì mức độ thấp, sau đó tăng dần lên. Trên thế giới, nếu nói về quốc gia thì Mỹ đang đứng đầu về hệ thống giải chuyên nghiệp, sau đó tới Nhật Bản. Ở nước ta, trình độ chuyên nghiệp gần như đang thấp nhất trong khu vực. Chúng ta mới bắt đầu nên còn sơ khai và tiêu chuẩn thấp là chuyện tất nhiên. Bây giờ mỗi năm VPGA mới tổ chức 1-2 giải đấu, nhưng trong 5 – 10 năm nữa, chắc chắn số giải sẽ tăng lên, thậm chí cả chục giải mỗi năm. Theo đó, dần dần tiêu chuẩn của golf chuyên nghiệp Việt Nam sẽ tăng lên.
Do đặc thù xã hội, kinh tế, khí hậu… của từng nước khác nhau, chúng ta không thể áp dụng nguyên xi từ mô hình của một nước nào mà ai có cái gì tốt, phù hợp với mình thì mình học. Về độ chuyên nghiệp, Mỹ là số 1 nhưng không có nghĩa là chúng ta đi theo con đường y như Mỹ đã từng làm. Về golf nam, rất khó để cạnh tranh với những cường quốc golf trên thế giới; nhưng với golf nữ thì lại khác, chúng ta hoàn toàn có thể nhìn vào Hàn Quốc, nơi có golf nữ đang dẫn đầu thế giới, để học hỏi.
“Việc phát triển golf trong giới trẻ là nâng cao vị thế của Việt Nam về chơi golf. Chúng ta cũng nên khuyến khích mở các trường dạy golf cho trẻ em. Bởi những người đứng đầu về môn golf trên thế giới hiện nay đều luyện tập chơi golf từ khi mới 5- 6 tuổi. Nếu không đào tạo lớp trẻ về chơi golf thì không bao giờ chúng ta đua tranh được với thế giới cả” - Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
PV: Theo ông, ngoài hệ thống giải chuyên nghiệp, Việt Nam cần làm gì để có thể phát triển golf mạnh mẽ hơn nữa?
Ông Nguyễn Thái Dương: Cũng giống như các môn thể thao khác, để phát triển golf, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển du lịch golf. Bên cạnh đó ưu tiên phát triển hệ thống golf trẻ, hệ thống đào tạo giải chuyên nghiệp, tăng số lượng sân, số lượng người chơi.
Về hệ thống golf trẻ, nếu tính tầm lứa tuổi khoảng 21 trở xuống, cả nước giờ mới chỉ có vài trăm bạn tham gia tập luyện thường xuyên. Như vậy là quá ít. Chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ cho đối tượng này. Ngoại trừ rất ít sân có giá ưu đãi, còn lại đa phần ở các sân, golf trẻ chưa được đánh giá rẻ.
Còn về sân golf, mặc dù số lượng đã tăng nhiều trong những năm gần đây nhưng so với số lượng người chơi bây giờ vẫn là quá ít. Khi mà số lượng người chơi vượt quá số sân thì sân golf không giảm giá. Giả dụ bây giờ mình có khoảng 1.000 sân thì giá chơi sẽ giảm ngay, việc cạnh tranh buộc các sân phải giảm. Như vậy, lứa trẻ hay các đối tượng người chơi bình dân sẽ dễ dàng tiếp cận. Ở những nước có nền golf phát triển, trẻ em chỉ cần trả số tiền khoảng 150 USD là có thể chơi golf cả năm. Họ có nhiều sân nên có nhiều lựa chọn. Sân cộng đồng (public) dành cho giới bình dân, sân trung cấp dành cho tầng lớp trung lưu, còn sân cao cấp (private) cho giới thượng lưu. Ở nước ta, sân golf đều mở cửa cho mọi người (sân public) nhưng giá vẫn quá cao nên không thể giống như tiêu chí của sân cộng đồng của các nước khác được.
Xin trân trọng cảm ơn ông!