Bây giờ sống ở thành phố hay thị trấn, gian bếp ở mỗi ngôi nhà chỉ nhìn thấy bếp ga, bếp từ, nồi cơm điện, vật dụng sáng choang, sạch sẽ; trong người có giây phút bỗng thèm hơi củi và hơi lửa, nhớ màu bồ hóng, chùm bồ kết đã bỏ quên trên gác bếp cũng trở thành ký ức xa xỉ, rời xa tôi; bây giờ chỉ còn cách ngược núi lên vùng cao ngồi với bếp lửa và nhìn khói lững đững trôi.
Khi tôi qua những ngôi nhà đất thó, làm bằng tường trình, đi qua những thung lũng mây ngang người, gặp những thiếu nữ Mông, hay thiếu nữ Hà Nhì gùi củi, ấy là gặp tết của người miền ngược mang về nhà những ánh lửa bập bùng. Ánh lửa, và khói bếp đã mang lại sự ấm áp khó tả của văn hóa miền núi, đặc biệt hơn, những nong nia phơi đỗ, những dần sàng xay lúa cũng mang lại niềm vui thật bình dị đầy ám ảnh, mỗi khi rời xa.
Về miền trời Y Tý, vùng (Bát Xát, Lào Cai) gặp cô gái Hà Nhì một bàn tay tím, một bàn tay đỏ, chuẩn bị gạo đồ xôi ngũ sắc, với hạt gạo và lá thơm, chưa kể đến giã nghệ dùng làm xôi vàng, chọn gấc làm xôi đỏ, màu tím tìm đến lá thơm làm sao đi rừng kiếm đủ lá để gói xôi đã là tết ngay cạnh bên mình; tíu tít nhất, bận rộn nhất là đám trẻ con ngồi nhìn bà đun nấu. Chưa kể đến việc nấu rượu ngô, luộc gà, kho cá suối. Những món ăn miền núi ít món đơn giản hơn ở dưới xuôi. Nhưng vị ngon của miền núi, sau khi ăn vẫn giữ lại trong niềm hân hoan, xa lâu rồi vẫn nhớ. Ở núi, đồ xôi bằng chõ gỗ rất ngon, thịt trâu gác bếp hay thịt lợn ngâm tẩm lá thơm cũng tạo được mùi vị không thể giống dưới xuôi. Ăn tết với người miền núi, tôi khư khư như muốn bảo tàng mãi trong lòng, vị của rượu ngô, vị của xôi nếp, của tình người thật nồng nàn chân thành. Cỗ tết miền núi không nhiều món, ngoài măng, nấm và khoai “lưu gù”, một món rau luộc, còn thịt thì ba bốn đĩa. Rượu uống say vẫn cất được chân đi, đầu vẫn tỉnh táo lạ thường.
Ngày tết có nhiều lễ hội, nhưng muốn xem người Mông diện tết, thì nét văn hóa mà người phụ nữ H'Mông ăn mặc màu sắc rực rỡ, cách chưng diện rất khác nhau với người Tày, người Hà Nhì. Người phụ nữ Mông ở Y Tý có hẳn chiếc mũ đính đầy bạc, áo trang sức hàng khuy cũng bằng bạc; thắt lưng cũng có chùm cúc bạc được coi là đẹp nhất. Bạc đính khắp người, đẹp hơn nữa là phải có một chiếc răng vàng, phụ nữ H'mông bảo: “Nếu em bọc một chiếc răng vàng nữa, rồi cười mới xinh”.
Những khác với văn hóa người H'mông; những cô gái Hà Nhì thì ngoài quần áo màu xanh thẫm, diện tóc trên đầu mới là chủ đạo, họ độn tóc rất dầy đội trên đầu, tóc ấy để tối ngủ làm gối, rét thì tóc làm khăn quấn cổ nữa kia, và họ cho rằng đó là vẻ đẹp nhất của tóc người Hà Nhì, diện tết.
Còn vẻ đẹp nữa là các cô gái Hà Nhì là học tiếng Kinh để thông thạo nói chuyện với du khách khi họ đi muốn đi tua thăm núi Ky Quan San, thăm bản làng mà nhà nhà bằng đất thó, tường trình. Cỏ hoa mọc trên nóc nhà, nơi đây vẻ đẹp luôn ngỡ ngàng và rung động trái tim ta, đó là những ngôi nhà mà cỏ cây còn mọc rêu phong trên nóc. Dưới nhà mẹ già ngồi sảy thóc và gà bu khắp sân.
Đến miền trời Y Tý để ngang ngửa với mây rồi ngược núi, chọn một ngày đi thăm thú bản làng người dân tộc Hà Nhì hay bản người Hmông với những lễ hội và vui thú thật khác miền xuôi, để thấy mỗi nền văn hóa của mỗi dân tộc trên đất Việt khác nhau nhưng rất thân thiện làm nên nhiều vẻ đẹp đa dạng của tết vùng cao. Ở đâu cũng thấy quà tết và mừng tuổi tết bằng rượu, bằng bánh và cả những đôi gà, đôi lợn giống tặng nhau dịp tết về.
Gặp lại Y Tý, có thể tạt sang Bắc Hà đi chợ ngựa xem ngựa, xem chợ ngày tết với đủ màu sắc của thổ cẩm thêu tay người H'mông đã biết thêu túi, khăn và túi đựng thư làm sản phẩm du lịch bản địa.
Khắp nơi hoa mận và đào phai thi nhau nở trên dãy núi đá xám, hoa chuối đỏ rực rỡ trong ngàn lau lách. Dưới chân ta là hoa rừng,bên cạnh ta là bếp lửa, xung qua ta là khèn môi và tình yêu của người miền núi, mắt ta cũng có lúc nhòa không phải vì khói mà ngược núi để tận hưởng niềm hạnh phúc yên tĩnh không giống dưới xuôi.