Tháng trước, một cô bạn nhờ thiết kế giúp kỳ nghỉ cho một gia đình người Bungaria 15 ngày ở biển. Yêu cầu là không phải di chuyển nội địa quá nhiều, chỗ ở sang trọng, tiện nghi, nhưng vẫn có nhiều trải nghiệm về đời sống bản địa, nhiều sản phẩm lưu niệm, ẩm thực đa dạng vì ở lâu, thăm thú thắng cảnh tự nhiên, di tích thuận tiện.
Yêu cầu thoạt nghe khá đơn giản. Đà Nẵng, Nha Trang, hay Phú Quốc, Hạ Long… đều là những lựa chọn tốt với rất nhiều khách sạn đẳng cấp hàng đầu thế giới, phong cảnh thì đa dạng, văn hóa bản địa đặc sắc. Mình nhanh chóng đưa ra lịch trình 15 ngày ở Đà Nẵng, nơi có những resort đẹp bậc nhất thế giới, vui chơi thì có Sun World, đời sống bản địa thì vào Hội An, trải nghiệm thiên nhiên thì ra Bạch Mã, Cù Lao Chàm, di tích văn hóa có Huế, Mỹ Sơn…gửi cho bạn, thấy like với tim thả lên tưng bừng.
Đêm qua, bạn nhắn tin cảm ơn, toàn lời có cánh, nói gia đình bạn đã về, hết lời khen phong cảnh và văn hóa Việt Nam. Mình hào hứng gặng hỏi xem có điều gì chưa hài lòng thì bạn bảo “có chút ít thôi” nhưng liệt kê ra khá dài.
Đầu tiên là bạn bảo chẳng mua được gì làm quà lưu niệm, vì những thứ nhỏ nhắn xinh xắn thì không đặc sắc, những thứ to lớn, quý giá thì cồng kềnh không hợp mua trong chuyến đi.
Đồ ăn thì đa dạng và ngon, nhưng hầu hết là đồ ăn vặt đối với người Âu. Nhà hàng thực sự ngon và đẳng cấp thì không nhiều, tìm kiếm cũng vất vả.
Đêm thì buồn, sau nửa đêm thì không thể nghĩ rằng Đà Nẵng là một thành phố du lịch vì chẳng có chỗ nào mà chơi.
Đạp xe đạp ở Hội An thì vừa đạp vừa run vì đường đạp xe lẫn với ô tô, xe máy liên tỉnh.
Ra Cù Lao Chàm lặn biển ngắm san hô thì dịch vụ quá thô sơ. Tiếc nhất là lên núi Bạch Mã chơi, nhìn đường đi xuyên rừng lên núi kỳ vĩ những xe lên đến đỉnh, ngắm cảnh một lúc là phải về vì tất cả những điểm thú vị có gắn biển chỉ đường thì hướng dẫn viên đều lắc đầu vì nhà có trẻ nhỏ trong khi chỉ có cách đi bộ đường mòn.
Cuối cùng, đáng sợ nhất là tất cả những bãi biển tự nhiên, phong cảnh còn hoang sơ chút thì lại ngập rác.
Đọc “chút ít” những điều không hài lòng của bạn mà chẳng biết phải nói gì. Bởi, thực ra những điều mình tư vấn đã là lựa chọn tốt nhất có thể. Nếu mình giới thiệu Nha Trang, Phú Quốc, hay Hạ Long thì chắc cái sự “chút ít” than phiền kia sẽ còn đầy đặn hơn.
Những năm gần đây, du lịch ở Việt Nam được kỳ vọng rất nhiều, đầu tư cũng lớn. Rất nhiều dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới đã được xây dựng, song có cảm giác tất cả các dự án đó đều giống như các ốc đảo biệt lập, chẳng thể nào kết nối liền lạc với hạ tầng du lịch chung. Sapa, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, hay Hạ Long... ở đâu cũng có những dịch vụ 5 sao nhưng đều là những vì sao lạc giữa bối cảnh hỗn loạn của hạ tầng du lịch các địa phương, nơi mà mạnh ai nấy làm, thiếu đồng bộ.
Du khách đến Phú Quốc có thể ở những resort đẹp nhất thế giới nhưng ra khỏi khuôn viên sẽ là những con đường mịt mù bụi đỏ, là những bãi rác khổng lồ không có nơi xử lý.
Du khách đến Sapa có thể ở khách sạn 5 sao tân cổ điển, đi cáp treo tiện nghi lên nóc nhà Đông Dương, nhưng trước hết phải vượt qua mấy chục km đường nhỏ hẹp thường xuyên ùn tắc và tai nạn.
Ước mơ về một nền kinh tế du lịch ở Việt Nam là một điều dễ hiểu. Song, ước mơ đó cần có một hạ tầng tương xứng. Đã đến lúc, du lịch Việt Nam cần có một sự đầu tư đúng mức về hạ tầng một cách đồng bộ và tập trung thay vì phó thác khát vọng cho các doanh nghiệp mạnh ai nấy làm trong những dự án ốc đảo 5 sao của mình.
Du khách ở Đà Nẵng, hay Nha Trang có thể tắm trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới nhưng ban đêm muốn nghe nhạc thì chỉ có cách về phòng mở TV.
Việt Nam có thể có những khu nghỉ dưỡng đắt tiền, có thể có những trung tâm vui chơi giải trí hiện đại, có thể có những điểm checkin hot nhất thế giới nhờ sự chịu chơi của những doanh nghiệp lớn. Song, nền kinh tế du lịch không chỉ là phong cảnh trời cho, không chỉ là những khách sạn, với những khu vui chơi cao cấp, mà là một hạ tầng đồng bộ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Đó là điều mà không thể chỉ dựa vào sự chịu chơi của các doanh nghiệp. Hạ tầng của một nền kinh tế du lịch nhiều tham vọng cần có một nhà đầu tư xứng tầm với tham vọng đó. Và nhà đầu tư đó, không phải ai khác, mà chính là bàn tay của nhà nước.
Không có nhà đầu tư nào ngoài một chính sách đồng bộ của nhà nước mới có thể biến một thị trấn nhỏ ở vùng núi heo hút tỉnh Vân Nam – Trung Quốc thành một điểm du lịch tuyệt vời như Lệ Giang, nơi mà người ta có thể đến bằng đường không, đường bộ, hay đường sắt đều dễ dàng và tiện nghi.
Người ta cũng có thể đi bộ mấy ngày trong thị trấn nhỏ bé đó mà không biết chán. Du khách đến Lệ Giang tiêu tiền theo từng bước chân bởi họ có quá nhiều thứ hấp dẫn để mua sắm, để vui chơi, để trải nghiệm khi mỗi nhà dân bên đường đều là một điểm checkin mà chủ nhà thì biểu diễn nghệ thuật truyền thống trước cửa như một niềm vui riêng, Du khách có thể đi bộ cả ngày vì có thể dễ dàng tìm thấy chỗ nghỉ chân bên đường, có thể tìm thấy nhà vệ sinh sạch sẽ trong cự ly không quá 500m, có thể bỏ rác vào thùng trong cự ly 50m và xe thu rác thì đổi thùng rác sạch thu thùng rác đầy chứ không nhấc thùng đổ rác vào xe rồi trả lại thùng bẩn.
Ở công viên quốc gia Phổ Đạt Thố trên cao nguyên Sangri-La,người ta không cấm du khách hút thuốc khi vào rừng. Thay vào đó, người ta đổi mỗi cái bật lửa của du khách lấy một chai nước, kèm theo lời hứa “bạn có thể dễ dàng hút thuốc, và bật lửa có sẵn trên lối đi.” Những phòng hút thuốc xinh đẹp nằm rải rác trên hành trình đều là những điểm ngắm cảnh tuyệt vời, và bật lửa được gắn sẵn bên trong. Vì thế, không ai lén hút thuốc bên đường.
Xung quanh hồ Thủ Độ trong lõi rừng quốc gia Phổ Đạt Thố hoa cỏ mọc tưng bừng mà không bị ai dẫm. Bởi xung quanh hồ là con đường gỗ trên cao mà người tàn tật cũng có thể nhẹ nhàng lăn xe, và dễ dàng chụp ảnh.
Du khách đến Thái Lan có thể tiêu số tiền trung bình gấp đôi so với đến Việt Nam bởi vì cũng thổ nhưỡng và khí hậu tương tự nhưng sản phẩm nông nghiệp của họ được chế biến thành muôn loại món quà, và những khu du lịch thì sôi động suốt đêm.
Ước mơ về một nền kinh tế du lịch ở Việt Nam là một điều dễ hiểu. Song, ước mơ đó cần có một hạ tầng tương xứng. Đã đến lúc, du lịch Việt Nam cần có một sự đầu tư đúng mức về hạ tầng một cách đồng bộ và tập trung thay vì phó thác khát vọng cho các doanh nghiệp mạnh ai nấy làm trong những dự án ốc đảo 5 sao của mình.