Nhận định về câu chuyện quy hoạch đô thị tại 2 thành phố lớn nhất Việt Nam, TS Ngô Minh Hùng nhận định: Nếu quan điểm của TP. HCM thiên về việc phát triển hơn bảo tồn; việc bảo vệ hay duy trì những công trình lịch sử không được ưu tiên thì ở Hà Nội, chính quyền thành phố lại đang ra sức để bảo tồn những đường phố, những kiến trúc xưa cũ.
Bên cạnh việc nỗ lực để giữ lại một "khu phố mê cung" bao gồm 36 phố phường cổ kính, chính quyền quận Hoàn Kiếm cũng đề ra những quy định nghiêm ngặt trong việc xây dựng nhà ở hay các kiến trúc khác. Hoàn Kiếm là một trong những quận nằm trong danh sách 5 khu vực trung tâm thành phố bị cấm xây dựng và phát triển những công trình cao ốc trên 24 tầng được chính quyền thành phố Hà Nội ban hành năm ngoái.
Theo TS. William Dogan, tác giả của cuốn sách “Biography of a City” (tạm dịch là “Tiểu sử của một thành phố”): Trong những năm 1990, thành phố Hà Nội đã có nhiều những thay đổi đáng kể, việc các công trình xây dựng cao tầng, hiện đại mọc lên thay thế những biệt thự hay nhà ở với kiến trúc thuộc địa diễn ra khá nhiều. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan chức năng của thành phố đang có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc phát triển những cao ốc trong thành phố, đặc biệt là tại khu Phố Cổ.
Tiến sĩ Logan là giảng viên danh giá về lĩnh vực di sản văn hóa tại trường Đại học Deakin, ông cũng là người đã nỗ lực và cố gắng làm việc với UNESCO từ năm 1990 để đưa các địa danh của thành phố Hà Nội, trong đó có khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, trở thành Di sản Thế giới.
Ông so sánh quy hoạch đô thị của Hà Nội là một mô hình quy hoạch kiểu Paris (“Paris Model”). Đây là kiểu quy hoạch mà những khu vực chứa đựng những ý nghĩa lịch sử hay nói cách khác là những địa danh lịch sử sẽ được bảo tồn tại khu vực trung tâm thành phố, còn những dự án phát triển đầy tham vọng hay có ý nghĩa kinh tế sẽ được chuyển ra các khu vực ngoại ô.
“Đó là những gì mà Hà Nội đang làm và theo ý kiến của cá nhân tôi thì đây là một mô hình thực sự hiệu quả bởi thành phố vừa có thể xây dựng những công trình phục vụ mục đích phát triển kinh tế, vừa có thể giữ lại những gì thuộc về lịch sử có ý nghĩa lớn về mặt văn hóa, đồng thời đem lại những lợi ích về du lịch.”, Tiến sĩ Logan nói. “Mô hình kiểu Paris có nghĩa là chính quyền thành phố đã nhận ra rằng một đô thị có một vai trò khác chứ không chỉ là phát triển kinh tế”.
Lấy một ví dụ gần đây để minh họa cho việc TP Hà Nội đã ra sức cân bằng giữa phát triển và bảo tồn như thế nào. Đó là việc giữ hay không giữ cầu Long Biên, một trong những cái tên lâu đời và được khách du lịch yêu thích nhất tại Hà Nội.
Cầu Long Biên được thiết kế bởi một kiến trúc sư người Pháp có tên Gustave Eiffel. Khởi công xây dựng vào năm 1898, hoàn thành và đưa vào sử dung năm 1902, cây cầu dài gần 2km bắc ngang con sông Hồng được coi là cây cầu lớn nhất Đông Dương tại thời điểm xây dựng.
“Đến năm 2008, diện tích toàn thành phố Hà Nội đã được mở rộng đáng kể thông qua việc sáp nhập một số tỉnh lân cận. Với kế hoạch phát triển giao thông và bộ mặt thủ đô trước năm 2030 thành một đô thị với 5 tuyến metro, những đường cao tốc, những tòa nhà chọc trời và những thành phố vệ tinh, thành phố đã có những sự thay đổi đáng kể. Vào năm 2007 và 2014, cầu Long Biên đã nhiều lần bị đề xuất phá bỏ để xây một cây cầu vững chắc hơn”, bà Nguyễn Nga, một trong những người đã tham gia tích cực trong việc bảo vệ chứng nhân lịch sử của thành phố.
Tuy nhiên, những nỗ lực bảo tồn đã được đền đáp khi chính quyền thành phố đã quyết định xây dựng một cây cầu khác song song với cầu Long biên cho phù hợp với việc thiết lập các tuyến metro mới.
Nếu Hà Nội đang theo đuổi “Mô hình kiểu Paris” thì TP. HCM lại đang sử dụng một phương pháp tiếp cận kiểu Mỹ, có nghĩa là khẳng định tên tuổi của mình là một trung tâm thương mại sầm uất. “Trong tương lai, TP. HCM sẽ phát triển giống như Hồng Kông hay Thượng Hải, chứ sẽ không còn cái gọi là “Sài Gòn” như trước nữa”, TS. Logan nói.