Khám phá

Sa Pa mùa thảo quả

Khám phá - 06:06, 26/08/2022 G8T+7 - Tùng Dương

Thảo quả là một loại dược liệu rất quý được sử dụng phổ biến trong y học và ẩm thực, được trồng ở sâu trong các cánh rừng tại Sa Pa. Không quá nhiều người đến được đây vì địa hình hiểm trở, rừng thiêng nước độc.

Thảo quả là một loại dược liệu rất quý được sử dụng phổ biến trong y học và ẩm thực, được trồng ở sâu trong các cánh rừng trên đỉnh núi cao tại Sa Pa và một số tỉnh vùng Tây Bắc. Do địa hình quá hiểm trở nên không quá nhiều người đến được những nương thảo quả, nơi rừng thiêng nước độc. Để đến được nương trồng thảo quả, ngoài việc được người dân bản địa cho phép, chúng tôi phải đi xe máy mất mấy tiếng đồng hồ vượt qua những con suối ngập nước, những con đường nhỏ đất đá treo leo trên sườn núi, rồi đến khi không thể đi xe được nữa, lúc này còn phải leo bộ khoảng 2 giờ đồng hồ mới đến nương trồng thảo quả.

Là loại cây chỉ ưa sống dưới những tán cây rừng rậm rạp, ở độ cao trên 1.000m phù hợp với điều kiện tự nhiên có không khí lạnh quanh năm. Thảo quả ra hoa từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm và đến khoảng tháng 11, 12 thì bắt đầu thu hoạch, thảo quả sau khi hái về sẽ được sấy khô để bán. Người dân bản địa dùng thảo quả nhằm tăng thêm hương vị của một số món ăn như cho vào món thắng cố ngựa, bò hầm… nó cũng là công thức để tạo nên một nồi nước dùng hấp dẫn và còn là một vị thuốc. Ở cây thảo quả, bộ phận được sử dụng chính là phần hạt.

Quả cây thảo quả mọc ở gốc sát mặt đất

Vào dịp cuối năm, người dân tộc Dao, Mông, Hà Nhì của vùng núi cao tỉnh Lào Cai lại nô nức vào rừng thu hái vụ thảo quả mới. Điểm đặc biệt của cây thảo quả là chỉ phát triển bình thường và cho ra quả nếu được trồng dưới những tán cây lớn trong rừng nguyên sinh. Hiện nay tỉnh Lào Cai gần 3.000 héc ta thảo quả, sản lượng lớn nhất cả vùng Tây Bắc, năng suất bình quân 250kg quả khô/ha, giá bán tại bản là 150 nghìn đồng/kg quả khô, còn đưa sang thị trường Trung Quốc, nước ngoài có giá bán trên 250 nghìn đồng/kg.

Để trồng và thu hoạch được thảo quả, người dân phải làm nhà gỗ ở luôn trên nương vào mùa thu hoạch, quả chín đến đâu hái đến đó và sấy ngay trên lò củi cho khô, đấy là khi thời tiết nắng ráo chứ gặp thời gian mưa rừng kéo dài thì việc sấy rất vất vả bởi củi ướt sẽ khó cháy, cả lán sấy thảo quả ngập trong khói. Cứ 10kg thảo quả tươi sau khi sấy được 2kg thảo quả khô, quá trình này mất khoảng 3 ngày, 3 đêm liên tục khi thảo quả đã khô đạt yêu cầu mới đóng bao gùi xuống bản, vì nương thảo quả trồng trên đỉnh núi cao nên mọi công đoạn chế biến, vận chuyển đều dùng sức người và đôi vai bởi không có đường giao thông đi lại, ngựa cũng không đi được, chính vì vậy cuộc sống của người dân trồng thảo quả rất vất vả.

Vất vả là vậy nhưng đổi lại thảo quả đem lại nguồn thu lớn và quan trọng của một số xã và nhiều gia đình ở vùng cao tỉnh Lào Cai. Không ít gia đình đã thoát nghèo và trở thành triệu phú, tỷ phú từ trồng thảo quả trong rừng nguyên sinh. Có lẽ vì vậy, những cây rừng tự nhiên trong những nương thảo quả luôn được người dân tự nguyện bảo vệ nghiêm ngặt từ đời này sang đời khác.

Đổi đời nhờ cây thảo quả

Xã Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, Lào Cai) là một trong những xã có diện tích thảo quả lớn nhất tỉnh (hơn 850ha). Cây thảo quả đã gắn bó với đồng bào các dân tộc Trung Lèng Hồ hàng chục năm qua, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm trên 1 héc ta.

Ông Sùng A Su (thôn Pờ Hồ, xã Trung Lèng Hồ) cho biết: Khi thảo quả trở thành hàng hóa, người dân trong thôn đã mở rộng diện tích trồng. Cây thảo quả liên tiếp được mùa, được giá nên người dân chúng tôi vui lắm vì có nguồn thu nhập cao mà không vất vả như cấy lúa, trồng ngô. Cây thảo quả giúp nhiều hộ trong thôn thoát nghèo, có của ăn của để và mua sắm được ti vi, xe máy, xây nhà…

Xã Hoàng Liên, thị trấn Sa Pa hiện có gần 900ha thảo quả, chiếm gần 50% diện tích thảo quả trồng trong rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Theo thống kê, 90% hộ trên địa bàn trồng thảo quả, đây là cây trồng chính trong phát triển kinh tế của người dân. Nhờ trồng thảo quả mà nhiều hộ dân ở thôn Cát Cát, thôn Sín Chải đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu với thu nhập hơn 100 triệu đồng một năm.

Thu hoạch thảo quả chín
Cây thảo quả có thân và lá khá giống với cây rong riềng
Những nương thảo quả thường heo hút không có đường đi lại
Nương thảo quả trồng trên đỉnh núi cao quanh năm có không khí lạnh
Thảo quả khi chín có màu đỏ rực
Lò sấy khô thảo quả
Thảo quả sấy khoảng 3 ngày là khô
Đời sống vất vả của người trồng thảo quả
Thảo quả sấy khô đạt tiêu chuẩn 
Người dân phải ăn, ở ngay tại nương thảo quả để trông và chế biến bởi đã xảy ra không ít vụ mất trộm thảo quả khô
Nương thảo quả dưới tán rừng cổ thụ
Thảo quả tươi mọc thành chùm
Lá cây thảo quả
Thảo quả mọc ra từ gốc cây
Nhà ở của người dân trồng thảo quả trên đỉnh núi
Thảo quả khô rất có giá trị, nhiều hộ dân làm giàu từ thảo quả
Bản làng người dân tộc dưới chân núi nơi trồng thảo quả
Thảo quả được trồng trên những đỉnh núi phía xa

 

Bạn đang đọc bài viết Sa Pa mùa thảo quả tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục