Xín Mần nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hà Giang, là một trong những huyện nghèo nhất, giao thông đi lại khó khăn, hiểm trở nhất của tỉnh Hà Giang. Để đến với chợ phiên thị trấn Cốc Pài, người dân trong khu vực, du khách phải đi qua những con đường quanh co, một bên núi cao, bên vực thẳm.
Chợ phiên là dịp để đồng bào các dân tộc người Mông Hoa, Nùng U, Tày Đen… trong vùng bán, mua, trao đổi các sản vật địa phương như nông sản, gia súc, gia cầm, những loại rau đặc sản, củ, quả tươi và những loại cây thuốc, mua sắm những vật dụng thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày.
Chợ Cốc Pài mỗi tuần họp một phiên vào sáng Chủ nhật, bà con người dân tộc trong vùng đi chợ mua vật dụng, bán những thứ của nhà làm ra, thậm chí chỉ vài bó rau, một ít củ cải, rau đậu, gừng, ớt…Cũng có khi người đến chợ chỉ để ăn một bát bún rau cải chua, hoặc gặp nhau chuyện trò. Bà con dân tộc các bản xa thường đi bộ xuống chợ từ chiều thứ Bảy, buổi tối ngủ tạm trong chợ hay bên hiên nhà dân quanh đó, chờ đến sáng sớm hôm sau vào chợ.
Chợ phiên tụ họp cả bên trong và ngoài chợ, men theo con đường chính của thị trấn. Chợ sặc sỡ sắc màu của váy áo, rộn ràng tiếng cười nói và đông đúc người ngược xuôi chẳng khác nào một phiên chợ Tết. Dãy hàng ăn lúc nào cũng đông khách, mùi thơm của thức ăn tỏa ra nghi ngút. Nước dùng chan phở, bún ở đây có mùi thơm của thảo quả. Phở, bún với thịt gà đen, phở lòng gà hay thịt lợn, loại nào cũng ngon.
Thác Tiên - Đèo Gió
Cách chợ Cốc Pài khoảng 15km là một trong những danh thắng cảnh bậc nhất huyện Xín Mần mà du khách không nên bỏ qua, đó là Thác Tiên. Thác bắt nguồn từ suối Tả Ngán (Tả Củ Tỷ, Bắc Hà, Lào Cai) ở độ cao trên 1.403m. Khi đến địa phận thôn Ngam Lâm (Nấm Dẩn, Xín Mần, Hà Giang), dòng nước thả mình qua vách núi Đèo Gió tạo thành dòng thác đôi như mái tóc dài mềm mại. Đổ xuống từ độ cao 70m giữa rừng già kỳ vĩ, Thác Tiên tung những bụi nước li ti vào không trung mang đến bầu không khí mát lành. Bởi thế thác Tiên ngoài tên gọi Táng Tinh (theo tiếng Nùng) còn được gọi là thác Gió.
Thác Tiên nằm trên Đèo Gió còn được coi là chốn “bồng lai tiên cảnh”, đến đây du khách sẽ cảm thấy thoải mái và thư thái trong lòng, được hòa mình vào không khí của núi rừng. Khi đặt chân lên bậc thang xuống thác, không khí mát lạnh ùa đến, bạn sẽ có cảm giác như đang bước vào một không gian hoàn toàn khác. Du khách chỉ mất khoảng 10 phút để men theo những bậc thang dốc, và trước mắt, giữa màu xanh ngút ngàn của rừng già hoang sơ là dòng thác đôi trắng xóa, đổ dốc thẳng xuống vách đá nhưng không ầm ào.
Rừng già nguyên sinh Đèo Gió nằm trên độ cao 1.480m, diện tích gần 800ha, tạo cho Xín Mần một cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên, hùng vĩ và bí ẩn. Hệ động thực vật phong phú, đa dạng về thành phần chủng loài. Rừng có nhiều nhóm gỗ quý, trong đó có hơn 300 cây có tuổi 500 năm với đường kính lên đến 2m. Trong rừng còn tồn tại nhiều loài động vật quý hiếm như hươu, nai, hoẵng, sơn dương, sóc bay, lợn rừng, cầy hương, gà rừng…, các loài chim quý như họa mi, chào mào, cắt, én đỏ… Năm 2009 thác Tiên - Đèo Gió được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là di sản thiên nhiên quốc gia.
Bãi đá cổ Nấm Dẩn
Xín Mần không chỉ nổi tiếng với những thắng cảnh hoang sơ hùng vĩ mà còn có bãi đá cổ Nấm Dẩn. Cách thị trấn Cốc Pài khoảng 10km, một địa danh kỳ bí, các tảng đá được chạm khắc các hình vẽ có cách đây cả nghìn năm. Từ trung tâm xã Nấm Dẩn, du khách đi bộ khoảng 2km, ngược con suối Nậm Khoòng, qua vài trăm bậc đá là tới bãi đá Nấm Dẩn. Dòng suối Nậm Khoòng nhẹ nhàng, trong vắt và những ruộng lúa bậc thang chín vàng luôn là điểm thu hút du khách.
Bãi đá cổ Nấm Dẩn được phát hiện vào năm 2004 bởi các nhà khoa học Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Giang. Nhiều tảng đá trầm tích lớn nằm dọc bờ suối với hình thù đa dạng và độc đáo. Bề mặt và ở các rìa cạnh của tấm đá vẫn giữ được nguyên trạng. Các hình khắc vẽ rất đa dạng, mang vẻ đẹp riêng. Mỗi tảng đá là một điều bí ẩn, gắn với những câu chuyện ly kỳ mang dấu ấn tín ngưỡng, thể hiện sự linh nghiệm cầu ứng các đấng thần linh của nhân dân các dân tộc thiểu số trong vùng.