Theo báo cáo Các Điểm Đến Châu Á/Thái Bình Dương của Mastercard, Việt Nam đang trở thành trung tâm kinh doanh lớn tại Châu Á/Thái Bình Dương và lọt vào Top 10 điểm đến với Hà Nội đứng thứ 7 và TP.HCM đứng thứ 9. Điều đó cho thấy vai trò của du lịch trong việc thúc đẩy sự phát triển các thành phố thông minh và tăng trưởng kinh tế đang chiếm ưu thế hiện nay.
Theo báo cáo, trong năm 2017 khu vực thu hút gần 50 triệu du khách, chiếm gần 15% du khách quốc tế đến các quốc gia Châu Á/TBD để du lịch và công tác, chi tiêu gần 42 tỷ USD.
Những thông tin giao dịch từ Mastercard cũng cho thấy rằng, ngoài du lịch công tác và đi học, du khách đến những thành phố Đông Nam Á đều có những mục đích khác nhau. Ví dụ, du khách đến Thái Lan chi tiêu nhiều hơn cho y tế, Việt Nam là ăn uống, Myanmar và Lào là du lịch trọn gói.
Theo báo cáo, Trong khi Singapore vẫn là trung tâm giáo dục của khu vực, thì Hà Nội, Khánh Hòa và TP.HCM đạt được sự tăng trưởng cao nhất về chi tiêu của sinh viên quốc tế trong 3 năm qua. Điều này cho thấy, phân khúc khách du lịch then chốt khác của Việt Nam chính là sinh viên.
Theo phân tích của giới chuyên gia, một yếu tố đóng góp then chốt cho sự phát triển kinh tế ấn tượng của Đông Nam Á trong thập niên qua là sự tăng trưởng nhanh chóng về chi tiêu du lịch quốc tế nhờ vào những địa điểm du lịch lớn và những điểm ít được biết đến hơn.
11 tháng của năm 2018, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 1.301.909 lượt.
Trong đó, lượng khách đến bằng phương tiện đường không đạt 1.036.051 lượt, chiếm 79,6%, tăng 3,2%; khách đến bằng phương tiện đường biển đạt 4.323 lượt, chiếm 0,3%, giảm 83,2%; khách đến bằng phương tiện đường bộ đạt 261.535 lượt, chiếm 20,1%, tăng 83,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Số khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 14.123.556 lượt, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lượng khách đến bằng phương tiện đường không đạt 11.397.232 lượt (tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017); khách đến bằng phương tiện đường biển đạt 204.375 lượt (giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2017); khách đến bằng phương tiện đường bộ đạt 2.521.949 lượt (tăng 64,4% so với cùng kỳ năm 2017).
Trong 11 tháng đầu năm 2018, hầu hết các thị trường khách đều tăng, trong đó: Hàn Quốc tăng 46,5%, Phần Lan tăng 29,6%, Trung Quốc tăng 26,9%, Hồng Kông tăng 32,8%, Đan Mạch tăng 15,4%, Đài Loan tăng 15,6%, Italia tăng 13,1%, Thụy Điển tăng 13,0%, Malaysia tăng 13,4%, các nước châu Phi tăng 19,7%; một số thị trường khác giảm như Lào giảm 16,2% và Campuchia giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Số khách du lịch nội địa 11 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 73,9 triệu lượt khách, trong đó có 36,1 triệu lượt khách lưu trú; tổng thu từ khách du lịch đạt 558.000 tỷ đồng, tăng 20,91% so với cùng kỳ năm 2017.