Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển nhà ở xã hội

- 03:00, 12/02/2017 G2T+7 - Phạm Trần (Tổng hợp)

Thời gian qua, chương trình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều doanh nghiệp lớn và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc khiến nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hào hứng hoặc gặp khó khăn khi đầu tư vào phân khúc này.

Dự án NƠXH Ecohome của Công ty CP đầu tư và Thương mại Thủ đô. Ảnh: Kháng Trần.

Dự án NƠXH Ecohome của Công ty CP đầu tư và Thương mại Thủ đô. Ảnh: Kháng Trần.

Theo con số thống kê, từ năm 2009 đến nay, cả nước đã hoàn thành xây dựng 179 dự án phát triển NƠXH cho người thu nhập thấp, tại khu vực đô thị, KCN, với khoảng 71.150 căn hộ, tương đương khoảng 3,7 triệu m2, tổng mức đầu tư khoảng 25.900 tỷ đồng (gồm 97 dự án NƠXH cho công nhân KCN, 82 dự án NƠXH cho người có thu nhập thấp).

Có thể thấy, thời gian qua, chương trình phát triển NƠXH đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều doanh nghiệp lớn và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc khiến nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hào hứng hoặc gặp khó khăn khi đầu tư vào phân khúc này. Trước hết là cơ chế liên quan đến nguồn vốn.

Ngoài ra, tình trạng thiếu quỹ đất, giá bán NƠXH qua các cơ quan chức năng kiểm tra phê duyệt với mức lợi nhuận thấp; thủ tục bán nhà chặt chẽ, qua nhiều khâu thẩm duyệt; các quy định về vật liệu xây dựng phải sử dụng trong công trình NƠXH chưa hợp lý;… là các trở ngại mà doanh nghiệp nêu ra trong quá trình đầu tư, phát triển NƠXH.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước cần khoảng 1 triệu căn hộ, tương đương khoảng 50 triệu m2. Một số địa phương có nhu cầu NƠXH lớn như Hà Nội (110.000 căn), TP. Hồ Chí Minh (134.000 căn), Đà Nẵng (11.500 căn), Đồng Nai (36.700 căn), Bình Dương (41.250 căn)… Cũng đến thời điểm trên, nhu cầu về nhà ở cho công nhân rơi vào khoảng 1,6 triệu người (khoảng 12,8 triệu m2). Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 191 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỷ đồng (gồm 70 dự án NƠXH cho công nhân KCN, 121 dự án NƠXH cho người có thu nhập thấp).

Năm 2017, dự báo phân khúc NƠXH phục vụ nhu cầu của đại đa số người dân sẽ có nhiều khởi sắc, sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhất là quyết định về mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 5%/ năm.

Bên cạnh các chính sách về nguồn vốn tín dụng ưu đãi, thì một trong những vấn đề quyết định còn lại là cải cách các thủ tục liên quan đến xây dựng NƠXH, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng triển khai được dự án.

Mặc dù chính sách đã có, nhưng việc vận hành các thủ tục hành chính đối với việc triển khai, thực hiện dự án NƠXH ở nhiều địa phương thời gian qua còn phức tạp, tạo “điểm nghẽn” trong phát triển nhà ở. Trong đó phải kể đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án kéo dài.

Tham gia xây dựng một dự án NƠXH ở quận Hà Đông, Hà Nội, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Kiến Hưng cho hay, hiện nay các thủ tục dài nên tính rủi ro của các chủ đầu tư rất cao. Vẫn đang ràng buộc bởi nhiều quyết định chi phối, có những việc chủ đầu tư tự quyết định được, nhưng có những việc chủ đầu tư phải trình, chờ phê duyệt.

“Ví dụ vừa rồi giá nhà trình lên nhưng chủ đầu tư vẫn phải chờ giữa thông tư Bộ với Sở có hướng dẫn 2 bên chưa đồng thuận. Thông tư của Bộ ra rồi nhưng có thể phía Sở cần chi tiết rõ hơn, sau đấy sẽ phải mất rất nhiều thời gian chủ đầu tư mới triển khai được nên rất khó khăn”, ông Trung cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM nhận định, các thủ tục làm NƠXH nhiều gấp 1,5 lần so với làm nhà ở thương mại, phải được duyệt qua nhiều cấp, duyệt đơn giá thi công xây dựng, đơn giá bán, phải cam kết lợi nhuận không quá 10%. Do đó, càng kéo dài thời gian chờ đợi thủ tục, đồng nghĩa với rủi ro về lợi nhuận càng cao.

“Chính quyền là người quyết định sự thành bại của chương trình nhà ở này. Chính quyền cần hỗ trợ cho doanh nghiệp giải quyết hết các khâu khó khăn đó, kể cả hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ tất cả những điều kiện mà doanh nghiệp gặp khó khăn như khi làm thủ tục ở các quận, các Sở… Dự án muốn thành công thì 70% thuộc về chính quyền kiến tạo, doanh nghiệp chỉ quyết định 30%”, ông Đực cho biết.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Rất nhiều cơ chế, doanh nghiệp cũng rất khó chịu khi xin được cơ chế đất rồi lại đến cơ chế vốn… , tôi phải nói là quá nhiều cửa. Thủ tục hành chính đè lên các doanh nghiệp làm về NƠXH quá nặng nề. Tôi nghĩ các bộ, ngành phải kiểm tra giám sát, Quốc hội, hội đồng nhân dân cũng phải kiểm tra, giám sát. Nhưng tôi cho rằng, đối với tổ chức triển khai thực hiện, cái yếu nhất của chúng ta chính là vận hành thủ tục hành chính ở các cơ sở, địa phương đang có vấn đề”.

Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong kế hoạch hàng năm của các địa phương, phần về NƠXH rất mờ nhạt, cơ bản không có, thậm chí cũng không có kiến nghị bố trí về nguồn vốn.

Chính các địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến yêu cầu phát triển nhà ở xã hội, ngay cả tại các đô thị có nhu cầu rất lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Quy định về việc bắt buộc dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH chưa được thực hiện nghiêm, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án NƠXH. Các địa phương chưa đầu tư ngân sách để hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án NƠXH…

Để thúc đẩy chương trình phát triển NƠXH, vai trò chủ động, tích cực, quyết tâm của từng địa phương trong cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp xây dựng nhà ở, nhất là nhà ở xã hội rất quan trọng. Bên cạnh đó còn phải kể đến vai trò của Bộ Xây dựng trong việc tham mưu, xây dựng thể chế, chính sách một cách kịp thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, chương trình phát triển NƠXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017.

“Chúng ta phải nắm bắt tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt để điều chỉnh, loại bỏ ngay những quy định không hợp lý, bổ sung những gì thực tiễn đang thiếu. Đối với Bộ Xây dựng, đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là cơ sở để đánh giá trình độ, khả năng cũng như tinh thần phục vụ, thái độ của cán bộ Bộ Xây dựng”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ./.

Bạn đang đọc bài viết Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển nhà ở xã hội tại chuyên mục của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục