PV: Hôm nay (27/2), Hội Nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 chính thức diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện này được đánh giá sẽ có tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và trong đó có lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng. Xin ông cho biết, ngành bất động sản nghỉ dưỡng sẽ “hưởng lợi” gì từ sự kiện lớn này?
Ông Thân Thành Vũ: Tôi cho rằng đây là một sự kiện có tác động cực lớn đến nhiều lĩnh vực tại Việt Nam mà trong đó có bất động sản. Trong mấy ngày qua, báo chí thế giới viết về Hội nghị thượng đỉnh này và hôm nay vẫn viết, ngày mai vẫn sẽ viết. Hàng trăm ngàn tờ báo của các quốc gia đều viết về sự kiện Hội nghị thượng đỉnh. Một sự kiện lớn của những người nổi tiếng trên thế giới. Do vậy, đây là dịp để quảng cáo miễn phí chưa từng có mà Việt Nam mình nhận được khi khoảng 7 tỷ người có thể biết đất nước hình chữ S đang nằm ở đâu.
Rõ ràng, sự kiện này không chỉ tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và còn có ảnh hưởng đến bất động sản du lịch. Đầu tiên, chúng ta nhận thấy, muốn phát triển bất động sản du lịch thì buộc phải có khách du lịch. Trong khi đó, Hội nghị thượng đỉnh giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam, thu hút khách đến, sử dụng dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Khách du lịch càng tăng thì bất động sản du lịch sẽ có cơ hội phát triển.
Đặc biệt, sự kiện này sẽ mang tới Việt Nam những nhà đầu tư tiềm năng. Những doanh nhân trên khắp thế giới cũng hiểu rằng, đây là cơ hội ngàn năm để thăm dò một thị trường mới. Điển hình như câu chuyện của Mũi Né cách đây hơn 20 năm. Khi đó, sự kiện nhật thực và nguyệt thực diễn ra, nhưng phải đến Mũi Né mới có thể ngắm được hiện tượng kỳ thú này. Những năm đó, người Sài Gòn đổ đến nơi đây rất đông. Rồi từ sự kiện ngắm nhật thực và nguyệt thực họ mới thấy Mũi Né đẹp và quyết định mua đất, xây nhà, xây biệt thự và khách sạn.
Đấy mới chỉ là sự kiện nhỏ, còn đây là sự kiện rất lớn nên mức độ tác động sẽ còn mạnh mẽ hơn rất nhiều.
PV: Mặc dù được đánh giá là ngành hưởng lợi lớn từ sự kiện Hội nghị thượng đỉnh lần này nhưng có nhiều quan ngại cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam khó tận dụng hết cơ hội vàng, khi lĩnh vực này vẫn còn nhiều rào cản. Quan điểm của ông thì sao?
Ông Thân Thành Vũ: Ngày xưa, người ta hay nói về phần cứng nhiều. Nhắc đến bất động sản nghỉ dưỡng, họ nghĩ tới các căn hộ, biệt thự, khách sạn hay resort. Thực ra, xây phần cứng dễ lắm, điển hình như Vincom ở Phú Quốc, chỉ trong 4 năm mà chủ đầu tư có thể xây dựng được hàng trăm hécta. Nhưng đó chỉ là một phần của ngành kinh tế du lịch. Điều quan trọng nhất vẫn là dịch vụ.
Tới bây giờ, người ta vẫn chê dịch vụ của Việt Nam. So với Malaysia, Thái Lan hoặc Singapore, dịch vụ ở Việt Nam vẫn còn rất thấp. Trong khi đó, phần mềm (phần dịch vụ) trải nghiệm du lịch sẽ quan trọng hơn là phần cứng. Phần mềm khiến người ta có muốn quay lại để chi tiền hay không. Nhưng muốn thay đổi được dịch vụ phải mất thời gian dài, có thể bằng cả một thế hệ.
Thứ hai, phải nhắc tới quy hoạch. Tôi lấy điển hình như mình đi Hà Nội đến Sài Gòn, hay tới Nha Trang. Cảnh tượng kẹt xe khiến người ta mỏi mệt, không muốn đi đâu, chi tiêu gì.
Do vậy, muốn tận dụng được cơ hội vàng từ sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, chúng ta phải có một quy hoạch chiến lược về sản phẩm du lịch hoặc có một nền tảng quy hoạch để làm sao khai thác tài nguyên hữu hạn. Cùng một miếng đất đó, bờ biển đó, nhưng làm sao phải quy hoạch đế tận dụng nó, phát triển nó để đời đời kiếp kiếp sẽ gắn bó. Chứ không thể, làm đi rồi lại phá, các mảnh ghép cứ lộn xộn.
Chúng ta phải quy hoạch và phát triển thế nào để khách nước ngoài đến một lần và muốn quay lại. Còn câu chuyện, xây thật nhiều căn hộ để bán rồi thu tiền về rất nhanh nhưng quá trình bê tông hóa cũng tỷ lệ thuận với điều đó.
Sự kiện Hội nghị thượng đỉnh là cơ hội với chúng ta, với bất động sản nghỉ dưỡng thì đồng nghĩa phải biết tận dụng nó. Khách du lịch sẽ đến nhiều nhưng để họ quay lại thì cần cả một chiến lược tốt.
PV: Cách đây 1 năm, sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất tổ chức tại Singapore. Nhiều đánh giá cho rằng, đất nước đảo quốc đã thực sự thành công trong việc nắm bắt cơ hội vàng có một không hai này. Liệu rằng, Việt Nam sẽ có tạo ra được những bước chuyển mình mạnh mẽ sau sự kiện này như Singapore không, thưa ông?
Ông Thân Thành Vũ: Khi Việt Nam được lựa chọn là quốc gia tổ chức sự kiện Hội nghị thượng đỉnh, đó là tín hiệu cho thấy nước ta được tin tưởng.
Quay lại với trường hợp của Singapore. Từ một đảo quốc tách khỏi Malaysia, họ ban đầu chỉ là con số 0. Nhưng các nước phương Tây đã đầu tư rất lớn vào đây, vì họ tin tưởng con đường mà Singapore đang bước sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho họ.
Singapore đã khẳng định một lần nữa là điểm đáng đến với các nhà đầu tư nước ngoài. Và Việt Nam, tôi tin rằng, sau sự kiện này, nền kinh tế sẽ tiến thêm 1 bước. Tuy nhiên, dù được hưởng lợi lớn nhưng đẩy mạnh cơ hội đó đến đâu lại còn phụ thuộc vào môi trường đầu tư, nền tảng pháp lý.
Nhà đầu tư và du khách đến Việt Nam là do tò mò. Họ ở một thời gian và sẽ đánh giá nền kinh tế nước ta. Nhưng nếu nền kinh tế không bền vững thì họ sẽ không trở lại. Vấn đề là tận dụng cơ hội như thế nào? Điều này rất cần những kế hoạch, chiến lược cũng như hành lang pháp lý rộng mở, chặt chẽ để nền kinh tế nói riêng và bất động sản du lịch có thể tận hưởng cơ hội này.
PV: Ông dự đoán thế nào về sự vận động của thị trường bất động sản Việt Nam sau sự kiện mạng tầm cỡ quốc tế này?
Ông Thân Thành Vũ: Xét ở góc độ ngành bất động sản Việt Nam được hưởng lợi gì sau sự kiện này, tôi cho rằng có rất nhiều thay đổi mới.
Thứ nhất, trong nước, thực tế, người dân Việt Nam cũng đã cảm thấy phấn khởi, tin vào triển vọng và tương lai của nước mình. Họ sẽ đưa ra những ra quyết định đầu tư mạnh mẽ hơn.
Với doanh nghiệp, họ nhận thấy đây là cơ hội sắp tới từ sự kiện Hội nghị thượng đỉnh. Họ dự trù những kế hoạch đưa ra, chuẩn bị các bước phát triển mới cho sản phẩm bất động sản của mình.
Thứ hai, đối với nhà đầu tư nước ngoài, khi chưa tới Việt Nam, họ còn băn khoăn. Nhưng qua sự kiện này, họ tin tưởng Việt Nam là môi trường an toàn để đầu tư nên họ sẽ mạnh mẽ hơn trong việc đưa ra quyết định.
Những tác động tích cực lên ngành bất động sản là chắc chắn nhưng nó diễn ra trong chốc lát, ngắn hạn hay là dài hạn thì điều này lại phụ thuộc vào chiến lược phát triển của Chính phủ. Nếu chiến lược và kế hoạch tận dụng được sự kiện này thì ở khía cạnh lâu dài, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ có cơ hội tập trung phát triển.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!