Bất động sản du lịch

Về xứ Nghệ nghe câu hò điệu ví

Bất động sản du lịch - 06:30, 15/02/2020 G2T+7 - Phóng sự ảnh: Trọng Chính

Được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO công nhận là “Di sản Văn hoá Phi vật thể” đại diện của nhân loại, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một trong những di sản đặc biệt.

Nó được phổ biến và thực hành trong một cộng đồng dân cư rộng lớn. Lần đầu tiên, vẻ đẹp của chính người dân lao động được đề cao, tôn vinh ngay trong công việc của họ.

Hơn 5 năm trước, ngày 27/11/2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, do người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt.

Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ được thực hành trong cuộc sống, lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa… Đó là lý do các lối hát thường được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt như: Ví Phường Vải, Ví Phường Đan, Ví Phường Nón, Ví Phường Củi, Ví Trèo Non, Ví Đò Đưa, Giặm Ru, Giặm Kể, Giặm Khuyên… Hai lối hát dân ca này thường được hát xen kẽ cùng nhau nên có tên ghép là dân ca Ví, Giặm.

Trần Công Sơn và Phạm Thị Nhàn, hai thành viên CLB Dân ca Ví, Giặm xã Nam Thanh (Nam Đàn, Nghệ An) thực hành lối hát đối đáp giao duyên…

Về “miền Ví, Giặm”, địa danh đầu tiên phải đến là xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây được coi là một trong những nơi có phong trào hát dân ca Ví, Giặm phát triển mạnh mẽ nhất và cũng là cái nôi của điệu Ví Phường Vải, một trong những điệu Ví nổi tiếng của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

… tại điểm sinh hoạt thuờng xuyên của CLB là ngôi nhà cổ nhất ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn…

Nơi sinh hoạt thường xuyên của gần 30 thành viên trong CLB Ví Phường Vải Kim Liên là ngôi nhà cổ có niên đại cả trăm năm trong xã. Nếu xưa, nam thanh nữ tú của làng Kim Liên ai cũng biết hát Ví Phường Vải, bởi đây là lối trò chuyện, đối đáp thông minh giữa hai bên nam - nữ trong những làng làm nghề dệt vải. Nay tuy Nam Đàn không còn nghề dệt vải thủ công nữa, nhưng không vì thế mà dân ca Ví, Giặm bị mai một đi. 

… vùng đất xưa nam thanh nữ tú ai cũng biết hát Ví Phường Vải, một cách trò chuyện, đối đáp thông minh giữa hai bên nam nữ ở các làng có nghề dệt vải. Cũng từ hát Ví Phường Vải, nhiều đôi nam nữ trong vùng đã nên duyên vợ chồng.

Ở trường Trung học Cơ sở Kim Liên, giờ học nhạc của các em học sinh thật đặc biệt, thay vì dạy những bài hát tân thời, các thầy cô giáo dạy các em cách hát những bài dân ca Ví, Giặm. Nhờ đó mà những câu hát của quê hương xứ sở cứ thế ngấm dần vào lòng giới trẻ. Hiện nay, hầu hết các trường học ở Nam Đàn đều đã đưa dân ca Ví, Giặm lồng ghép vào các tiết học chính khoá cũng như ngoại khoá.

Huyện Thanh Chương lại nổi tiếng với Ví Phường Nón dân dã, mộc mạc nhưng cũng đầy thi vị. CLB dân ca Ví, Giặm Ngọc Sơn là nơi có công lớn trong việc phục dựng lại hiện trường các phường hát Ví để làm hồ sơ đệ trình UNESCO. Thành lập gần chục năm, CLB Ví, Giặm Ngọc Sơn hiện đã có hơn 40 thành viên, sinh hoạt đều đặn 2 lần/tuần.

Phùng Thị Tình, Võ Thị Mai Anh, Võ Thị Vân, các thành viên của CLB Dân ca Ví, Giặm Ngọc Sơn (xã Ngọc Sơn, Thanh Chương, Nghệ An) biểu diễn những câu Ví, Giặm ngay trên thửa ruộng ngô quê mình.
Phùng Thị Tình, một trong những thành viên trẻ của CLB Dân ca Ví, Giặm Ngọc Sơn.

Những tưởng cuộc sống hối hả ở thành thị sẽ khiến cho con người không mấy mặn mà với dân ca, dân vũ. Ấy vậy nhưng ở thành phố Vinh vẫn có những câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm phát triển rất mạnh. CLB dân ca phường Vinh Tân có gần 40 thành viên và đa phần là công chức, nhưng lại rất khéo léo khi hóa thân trở thành những chàng trai, cô gái thạo việc đồng áng cấy cày.

Những ngày tìm về quê hương của những làn điệu dân ca Ví, Giặm, tôi đã tìm thấy một tình yêu đặc biệt của người dân xứ Nghệ đối với loại hình di sản đặc biệt này. Đây chính là cơ sở để chúng ta tin rằng, cùng với sông Lam, núi Hồng, dân ca Ví, Giặm sẽ mãi trường tồn cùng người xứ Nghệ.

Nếu Nam Đàn nổi tiếng với những làn điệu Ví Phường Vải đầy chất trí tuệ và trữ tình, thì Thanh Chương lại nổi tiếng với Ví Phường Nón dân dã, thôn quê nhưng cũng đầy thi vị.
Các thành viên trong CLB Dân ca Ví, Giặm Vinh Tân (TP. Vinh, Nghệ An) diễn xướng Ví Phường Cấy trên những thửa ruộng mạ vụ đông xuân với các động tác mô phỏng công việc nhà nông khéo léo như: tát nước, cấy hái...
Vốn là cán bộ, công chức, viên chức… ngày thường, các thành viên của CLB Vinh Tân khi hóa thân biểu diễn câu hò, điệu ví và khoác trên mình những chiếc áo nâu gụ, lại là những cô gái, chàng trai thôn quê phường nón xưa.
Lối hát dân ca Ví, Giặm thường được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt đời thường như: đan nón, ru con, dệt vải, trồng lúa, hò hẹn giao duyên, hội hè đình đám…
Nét đặc sắc của dân ca Ví, Giặm chính là sự gắn bó chặt chẽ với không gian diễn xướng nên khi trải nghiệm loại hình nghệ thuật này, người nghe không chỉ cảm nhận cái hay của câu hát, giọng hát, mà còn thấy được trong đó cả một không gian lao động thường ngày của người biểu diễn.


Bạn đang đọc bài viết Về xứ Nghệ nghe câu hò điệu ví tại chuyên mục Bất động sản du lịch của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục