Từng là xứ Đông của kinh thành Thăng Long, Hải Dương cách Hà Nội chừng 60km về phía Đông là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi được nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa chọn làm nơi ở ẩn tuổi già như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An... Dù chưa nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam nhưng Hải Dương vẫn có những điểm đến không thể bỏ qua như đảo Cò Chi Lăng Nam - “vương quốc” cư ngụ của hàng chục ngàn con cò và vạc, hai loài vật khá quen thuộc với vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.
Không phải vào tận các sân chim ở miền Tây Nam Bộ mới được chứng kiến những cánh cò bay rợp bầu trời, đảo Cò trên lòng hồ An Dương (xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, Hải Dương) đủ khiến du khách thoả mắt ngắm nhìn hàng nghìn, hàng vạn con xoáy tròn trên không hay vút bay, kéo theo cả đàn bay sát mặt hồ, nhất là lúc 17h đến 18h mỗi ngày.
Được ví như “sân chim” xứ Bắc, đây hiện là nơi cư ngụ của hơn 15.000 con cò, 5.000 con vạc với các chủng loại khác nhau như cò trắng, cò lửa, cò hương, cò ruồi, cò diệc, cò bợ, cò đen, vạc xám, vạc xanh, vạc đen… Có cảnh quan thiên nhiên của vùng ngập nước ven sông Hồng, lại trải rộng trên diện tích 3.000m2, đảo Cò là một dải đất nổi, được phủ kín bởi những rặng tre, xanh mướt mát.
Xưa đây là vùng đất chiêm trũng nằm ven bờ sông Hồng, tương truyền vào khoảng thế kỷ 15, một trận đại hồng thủy đã làm vỡ đê sông Hồng, gây ngập lụt nơi đây. Khi mưa, lũ rút đi để lại một hồ nước giờ mang tên An Dương với độ sâu hơn 20m tồn tại đến ngày nay.
Theo thời gian, từng đàn cò, vạc và nhiều loài chim nước đã tìm về đây trú ngụ, đông nhất là 6 loài gồm cò trắng, cò lửa, cò bợ, cò ghềnh, cò diệc và cò ruồi. Làm tổ và cư ngụ ở đảo Cò từ tháng 9 cho đến tận tháng 4 năm sau và trong khoảng thời gian này là những “vũ điệu” cò, vạc rợp trời, gây huyên náo cả một cả một vùng quê vốn tĩnh lặng.
Xứ Đông còn nổi tiếng với Côn Sơn - Kiếp Bạc, quần thể di tích thuộc TP. Chí Linh đã được xếp là một trong 15 khu di tích lịch sử, nghệ thuật của cả nước và cũng là nơi non nước hữu tình, thu hút du khách. Vùng đất này nằm giữa thung lũng trù phú, tựa lưng vào núi, kề bên Lục Đầu (tụ hội của 6 con sông: Cầu, Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy và Thái Bình).
Đặc biệt, thung lũng dưới chân núi Côn Sơn là cánh đồng rễ bạt ngàn, bên cạnh rừng thông gợi nhớ một thời của người Anh hùng dân tộc kiệt xuất Nguyễn Trãi. Đây chính là nơi ông đã dành tình cảm cháy bỏng và gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất này. Cây rễ vẫn được người Chí Linh nhắc nhớ theo thời gian với câu “ông trồng thông, bà cấy rễ” từ thời Trần Nguyên Đán cùng phu nhân đưa cháu ngoại Nguyễn Trãi về sống tại Côn Sơn khi lui về ở ẩn, ông trồng thông trên núi Côn Sơn, còn vợ ông thì kiên trì cấy rễ dưới chân núi. Còn giờ với khách lãng du, những đồi thông vi vu gió và cánh đồng hoa rễ trổ bông đầu đông lại trở thành thiên đường để tận hưởng những phút giây thư thái.