Trải nghiệm

Kỳ III: Phải lòng hương chè cổ Tà Xùa

Trải nghiệm - 06:30, 23/05/2020 G5T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Từ chuyến đi Tà Xùa lần đầu năm 2015, chén trà shan tuyết ấm nóng, đậm hương chè cổ mà chị Mùa Thị Chóng mời hôm ấy ở Bản Bẹ, uống một lần mà nhớ mãi.

5 năm sau, với tôi, những búp chè múp míp, có nội chất tuyệt hảo, tuổi không dưới 280 năm ở đây đã trở thành thứ đồ uống không thể thiếu mỗi sớm mai thức dậy hay trên những cung đường xê dịch.

“Chuyền cành” hái chè shan tuyết Bản Bẹ

Rời Trà Mây, tôi lên Bản Bẹ theo con đường giờ đã trám xi măng, khác hẳn mấy năm trước, lát đá cấp phổi, lổn nhổn. Có chăng, những đụn mây vây kín lối đi suốt gần 10km đường thì vẫn thế.

Là xứ sở của cây chè shan tuyết cổ thụ, Tà Xùa có gần 500 hộ gia đình với hơn 3.000 nhân khẩu, đều là người Mông, cùng nhau sống ở nơi quanh năm mây mù và sương giá bao phủ. Cây chè cổ thụ trong khí hậu ấy, hội đủ tinh tuý của đất trời ban tặng, trở thành một sản vật quý báu và thiêng liêng của bà con dân tộc Mông.

Trồng nhiều ở Tà Xùa từ khi còn các HTX vào những năm 1967 - 1970, chè shan tuyết tập trung chủ yếu ở các bản Tà Xùa A, Tà Xùa C, Mống Vàng, Chung Chinh và Bản Bẹ, với diện tích trên 100ha. Ngoài ra, có cả trăm cây chè cổ thụ mọc tự nhiên, tán rộng, thân xù xì cao 10 - 15m mọc trên những triền núi và đỉnh núi ở đại ngàn Tà Xùa. Sau khi nghiên cứu và thẩm định, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam tổ chức đánh giá và đã công nhận 200 “cụ” chè shan tuyết, có tuổi từ 124 đến 280 năm ở Tà Xùa là Cây Di sản Việt Nam, vào tháng 9/2019.

Bản Bẹ là nơi tập trung nhiều “cụ” chè shan tuyết nhất Tà Xùa. Ngay lối vào đầu Bản Bẹ là cây chè cổ nhất Tà Xùa mang số 27 của nhà Mùa A Sủ, thân bám đầy địa y và rêu phong. Ở tuổi 280, “cụ” chè shan tuyết số 27 này vẫn vươn mình trổ búp mãnh liệt. Vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, Mùa A Sủ và những người dân Bản Bẹ bắt đầu hái vụ chè đầu tiên, thời điểm búp chè cho chất lượng cao nhất. Trên “cụ” chè số 27 nhà Sủ, tôi được trải nghiệm “chuyền cành”, hái búp shan tuyết cùng vợ chồng anh ở vụ thứ hai, vào tháng 5, tháng 6 và là vụ chè có năng suất cao nhất trong năm. Vụ chè thứ ba vào tháng 8 và vụ cuối cùng là dịp cuối năm, vào khoảng tháng 10 và 11. Sau đó, cây chè tuyết sẽ “ngủ” đông vào những ngày rét cắt da thịt ở Tà Xùa.

Cây chè cổ nhất Bản Bẹ được đánh số 27, có tuổi 280 năm của nhà Mùa A Sủ phủ đầy rêu phong, địa y từ gốc đến thân nhưng vẫn cho lá to, dày, búp mập và không ngừng cho lộc mới. Để hái được những búp chè shan tuyết, Thào Thị Mỵ, vợ Sủ hướng dẫn tôi một lần trải nghiệm “chuyền cành” hái chè tuyết nhớ đời. Ảnh: Nguyễn Đức Vinh

Để hái những búp chè shan tuyết trên thân, cành cổ thụ, chỉ những người phụ nữ dân tộc Mông như Thào Thị Mỵ, vợ Sủ đảm nhận. Có lẽ đơn giản là bởi cơ thể của họ nhẹ hơn, giúp cho việc di chuyển ra những cành nhỏ, vươn xa lấy búp dễ dàng hơn… Mỵ cũng chia sẻ rằng, búp chè không hái sau 9 giờ sáng và trước 3 giờ chiều, bởi khi đó, ánh nắng gắt, chè sẽ mất đi nhiều dưỡng chất. Trên thân cây chè cổ thụ, Mỵ hướng dẫn tôi leo lên các nhánh chè thấp, di chuyển dần lên cành cao hơn, thu hái.

Một cảm giác lâng lâng thật khó tả của kẻ “nghiện” thứ vàng trắng Tà Xùa này khi tận tay ngắt những búp chè xuân, đẹp viên mãn trong lớp tuyết bạc lấp lánh dát trên mỗi búp chè. Cứ đều tăm tắp, đạt chuẩn 1 tôm, 2 lá là tôi lóng ngóng thò tay hái, cạnh đôi tay khéo léo của những người phụ nữ Mông như Mỵ. Mặt trời lên cao, Mỵ mang chè về, tãi trên những chiếc nong, phơi cho búp chè rũ nước tự nhiên.

Thào Thị Gống (Bản Bẹ) “chuyền cành” hái búp chè 1 tôm, 2 lá khi cậu con trai 1 tuổi ngủ ngon lành trên lưng. Chè Tà Xùa đắt và quý bởi cứ khoảng 5 - 6kg búp chè tươi như Gống hái mới sao ra được 1kg chè khô thành phẩm.
Giữa tinh khôi của mây trời Tà Xùa là rừng chè Bản Bẹ, nơi những cây chè có thân cổ thụ vạm vỡ, rêu phong, địa y bám đầy từ gốc đến thân.

Buổi tối là thời điểm tôi chứng kiến phương pháp làm chè shan tuyết thủ công của người Mông ở Tà Xùa, vẫn là phụ nữ đảm nhiệm những công đoạn chính. Theo thời gian, bà truyền cho mẹ, mẹ truyền cho con và khó nhất là công đoạn vò, quyện hương chè bằng tay. Sau công đoạn này, các búp chè xoăn lại, phủ tuyết trắng và mang hương vị độc đáo. Đó là thứ chè khi pha đượm màu vàng mật ong, vị đắng chát khi mới nhấp, sau ngọt dần nơi đầu môi, chót lưỡi, cuống họng rồi hậu vị ngọt đậm cả ngày. Một ấm trà tuyết pha đến nước thứ 5, thứ 6 vẫn còn ngon.

Hai cô gái dân tộc Mông Mùa Thị Tồng và Mùa Thị Mỷ “chuyền cành” trên những “cụ chè” có tuổi cả trăm năm, thu hái những tôm, nõn.
Bởi có lá to, búp và lá non bên dưới có một lớp lông trắng như tuyết nên được gọi là trà shan (sơn) tuyết. Búp chè khi đạt chuẩn “1 tôm 2 lá” là thời điểm thu hoạch Tồng, Mỷ và những người Mông Bản Bẹ thu hái.
Suốt mùa đông chịu giá buốt trên núi cao, ngậm hạt sương sớm lúc giao mùa, ủ từng khối mù mây mỗi sớm và cây chè shan tuyết bừng thức khi mùa xuân về. Chồi non của chè lúc này hội tụ trong nó tất cả tinh túy của trời đất thiên nhiên, sương gió, mù mưa của Tà Xùa.
Trân quý nhâm nhi chén chè shan tuyết để biết rằng, những người phụ nữ Mông đứng trên thân cây chè cổ thụ này hái mải miết từ sáng đến khi mặt lên cao mới có những búp tuyết Tà Xùa 1 tôm, 2 lá.
Làm nên sự độc đáo của trà Tà Xùa chính là ở việc sao trà do phụ nữ đảm nhiệm. Theo thời gian, bà truyền cho mẹ, rồi mẹ truyền cho con, đặc biệt công đoạn vò chè bằng tay giúp cho búp chè xoăn lại theo từng nhịp vò. Sau quá trình đã sao và vò trà bằng tay với những búp trà trắng như sương tuyết.

Shanam - thương hiệu mang hương trà Tà Xùa bay xa

Như đã viết ở kỳ trước, thực chẳng dễ chút nào để vượt cả trăm kilomet lên với Tà Xùa. Ở đây, loại chè shan tuyết “nhất phẩm” mọc trên những cây trà cổ thụ mấy trăm năm tuổi như “cụ” số 27 nhà Mùa A Sủ càng khó mua được. Đó là lý do mà những ngày không lên núi tìm chè, tôi dùng bộ sản phẩm trà Viên, Trúc, Mây được sản xuất từ những búp chè shan tuyết cổ thụ Tà Xùa của Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (Tafood).

Trước thực tế vào chính vụ chè, các hộ gia đình người Mông như nhà Mùa A Sủ hái được nhiều chè nhưng mỗi gia đình cũng chỉ có vài bom quay, sao thủ công làm không xuể nên nhiều khi để búp chè già trên cây. Thêm nữa, Tà Xùa lại là một vùng nguyên liệu chè quý, có thể mang lại sinh kế lâu dài cho người dân nên huyện Bắc Yên đã xây dựng hẳn một “Dự án phục tráng và phát triển vùng chè shan tuyết Tà Xùa”. Tafood được UBND huyện chọn là đơn vị phối hợp để phát triển thương hiệu chè shan tuyết Tà Xùa, đã hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách thu hái đúng tiêu chuẩn, thu mua sản phẩm với giá từ 60.000 - 110.000 đồng/kg chè búp tươi.

Nhà máy chế biến chè đầu tiên đã được xây trên xã Tà Xùa của Tafood. Những năm gần đây, việc thu hái và sản xuất trà đã trở thành nguồn thu nhập chính giúp bà con dân tộc Mông ở Tà Xùa.

Nhưng để mang được chè shan tuyết xuống núi, những người làm trà thương hiệu Shanam của Tafood như anh Phạm Khánh đã đưa ra một quy trình chế biến nghiêm ngặt, tiêu chuẩn khắt khe với sứ mệnh mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm trà cổ thụ sạch, 100% nguồn gốc từ tự nhiên. Đặc biệt, thứ sản vật hội tụ hương thơm của trời đất xứ mù mây này còn được truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đúng danh trà mà những người tiêu dùng kén chọn như tôi kiếm tìm.

Cùng với chiến lược thương hiệu, Shanam cũng dần khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế khi đưa chè shan tuyết cổ thụ Tà Xùa ghi danh vào bản đồ ngành chè thế giới. Sản phẩm Bạch trà Thiên được chế biến từ những búp chè tuyết Tà Xùa đạt giải Bạc (không có giải Vàng) Châu Á Thái Bình Dương tại Trung Quốc năm 2019, đây là cuộc thi quốc tế về trà có tầm ảnh hưởng nhất hiện nay. Ngoài ra, sản phẩm Trà xanh Mây đã đạt giải Đồng thế giới trong cuộc thi do Tổ chức AVPA tổ chức tại Pháp vào năm 2019.

Mẻ trà Viên được sản xuất từ búp chè shan tuyết cổ thụ Bản Bẹ của Tafood…
… Ngoài ra, thương hiệu Shanam còn có trà Trúc, trà Mây và các sản phẩm trà túi lọc Shanam, làm từ nguyên liệu búp chè shan tuyết Tà Xùa.

Ngoài ra, với quy cách đóng gói bao bì theo chuẩn quốc tế, bảo quản chè từ 2 năm trở lên, lại thiết kế trang trọng và thân thiện với môi trường, những hộp trà Viên, Trúc, Mây… đã chinh phục và đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của những người yêu trà tuyết ở bất kỳ đâu. Trà shan tuyết chính tông trong những hộp này có búp to màu trắng xám nhìn như được phủ một lớp lông tơ mỏng như tuyết. Dù đã được sao lên và sấy khô nhưng vẫn thấy những đốm lấm tấm trắng như tuyết, chứ không có màu đen tuyền như những loại trà khác. Sau khi UBND huyện Bắc Yên tổ chức lễ công bố nhãn hiệu tập thể chè Tà Xùa và trao quyền sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể chè Tà Xùa cho Tafood vào tháng 12/2017, thứ nông sản đặc biệt này giờ đã có thể đặt mua ngay tại Hà Nội hay các thành phố lớn.

Những ngày công sở, nhấp ngụm trà shan tuyết Tà Xùa lên môi, vị chát nhẹ dần chuyển sang ngọt nơi cuống họng để cảm nhận ở đó những tinh hoa nhất của đất trời, của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất làm nên một trong thập đại danh trà Việt.

Để pha một ấm chè shan tuyết thơm hương, đậm vị và nước màu vàng óng, người ta thường dùng loại ấm đất nung già và nước phải đun sôi đủ độ. Trong làn khói tỏa dậy hương nghi ngút là màu vàng sóng sánh của chén trà shan tuyết Tà Xùa...
Nâng chén trà ngang miệng đã thấy mùi thơm ngào ngạt và khi nhấp một ngụm trà, không thấy vị chát, chỉ đọng lại vị mát, mùi hương càng nồng nàn, cuối cùng là cái dư âm ngọt ngào, cứ đọng mãi sau hàng giờ vẫn chưa tan nơi đầu lưỡi.


Bạn đang đọc bài viết Kỳ III: Phải lòng hương chè cổ Tà Xùa tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục