Vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản tăng mạnh
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 5,54 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các doanh nghiệp Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)… đang là những nhà đầu tư đứng đầu về hoạt động đầu tư bất động sản ở Việt Nam.
Dòng vốn FDI được các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam trước đây như CapitaLand, Keppel Land, Mapletree, Gamuda Land... tăng vốn, mở rộng thêm quy mô đầu tư. Một số nhà đầu tư mới vào thị trường bất động sản Việt Nam thì chọn phương thức liên kết với các doanh nghiệp nội địa qua góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp và cho vay vốn đầu tư.
FDI đổ bộ vào bất động sản với lượng lớn nhưng vẫn tập trung ở những phân khúc như bất động sản cao cấp, khách sạn nghỉ dưỡng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), dòng vốn FDI vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào thị trường bất động sản. Khi vốn đầu tư vào bất động sản đang bị hụt do ngân hàng giảm cho vay địa ốc thì nguồn vốn này càng quan trọng. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn phát triển sản phẩm của các dự án mang mác ngoại thường khá cao và được đầu tư tốt hơn về chất lượng dịch vụ.
“Nguyên nhân khiến dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường bất động sản là do Nhà nước đã thay đổi chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhà ở. Nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư, kinh doanh bất động sản gần tương tự nhà đầu tư trong nước” – ông Châu nói.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc, thu nhập người dân dần một nâng cao khiến tầng lớp trung lưu tăng mạnh… nhu cầu về các sản phẩm bất động sản vẫn ở mức cao. Đây là lý do được các nhà đầu tư nước ngoài nhắc tới khi đầu tư, ông Châu phân tích thêm.
Bất động sản nghỉ dưỡng có sức hút
Theo ông Trần Đạo Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEO, Việt Nam có tình hình chính trị ổn định, kinh tế Việt Nam xét về dài hạn tốc độ tăng trưởng GDP được kỳ vọng bật tăng từ 6.5 - 7% trong giai đoạn 2016 - 2021. Đầu tư cơ sở hạ tầng tăng mạnh giai đoạn 2015 - 2020.
Trong tăng trưởng kinh tế thì du lịch là một trong những điểm sáng nổi bật. Lượng khách đến Việt Nam ngày càng nhiều, dự kiến đến năm 2020 là 20 triệu lượt (gấp 2 năm 2016). Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam có mức tăng khoảng 20%/năm. Doanh thu du lịch năm 2020 dự kiến đạt 35 tỷ USD, gần sát với xuất khẩu nông nghiệp 40 tỷ USD (ngành có 44% lực lượng lao độngViệt nam tham gia).
“Du lịch đã tạo đà cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phát triển, đây cũng là khu vực thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Minh chứng là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… tăng mạnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang chờ đợi những chính sách cụ thể về loại hình bất động sản nghỉ dưỡng” – ông Đức nói.
Hệ thống luật pháp và các chính sách có liên quan đến doanh nghiệp và bất động sản đang hoàn thiện, đáp ứng chuẩn mực quốc tế, tạo môi trường thuận tiện cho các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam. Xu hướng hợp tác quốc trong lĩnh vực bất động sản có nhiều cơ hội phát triển. Trong 2 năm gần đây, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực Bất động sản diễn ra sôi động ở tất cả các phân khúc Bất động sản.
Đặc biệt là sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam. Thị trường chứng khoán Việt nam hoạt động với xu hướng tốt là kênh dẫn vốn gián tiếp cho doanh nghiệp được quản lý tốt và dự án có chất lượng./.