Cung tăng mạnh
Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 128 dự án du lịch (trong đó, có 19 dự án đầu tư nước ngoài và 109 dự án đầu tư trong nước) với diện tích 2.705ha, vốn đầu tư đăng ký gần 9,15 tỷ USD và 35.075 tỷ đồng; 33 chủ trương đầu tư các dự án du lịch sinh thái trong rừng.
Thêm vào đó, thị trường căn hộ khách sạn, nhà nghỉ hiện tại của tỉnh cũng đang có trên 10.000 căn. Đây được cho là nguồn cung lớn, đáp ứng cho sự phát triển của ngành du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bởi từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu có thể kể đến khu nghỉ dưỡng phức hợp 1.100 phòng khách sạn 5 sao Hồ Tràm Strip tại TP. Bà Rịa, Khách sạn Pullman Vung Tau gồm 356 phòng, khách sạn 5 sao The Imperial Hotel với 300 phòng, Saint Simeon Resort & Spa Long Hải, Oceanami Villas & Beach Club, Cao Hotel Vung Tau…
Bên cạnh đó, hiện còn có hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng lớn khác chờ duyệt. Chẳng hạn, Tập đoàn Korea Infrastructure Company Limited (Hàn Quốc) vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về phương án nghiên cứu dự án đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Paradise và Khu đô thị mới Bàu Trũng.
Mục tiêu dự án là khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp với các hợp phần: Sân golf 27 lỗ tiêu chuẩn quốc tế; khu trung tâm thương mại, hội nghị, triển lãm; khách sạn 5 sao và căn hộ du lịch cao cấp; căn hộ văn phòng; nhà phố phục vụ thương mại… Nếu được tỉnh chấp thuận, Korea Infrastructure Company Limited sẽ đầu tư dự án với tổng vốn dự kiến khoảng 3,2 tỷ USD.
Ngoài ra, Tập đoàn Novaland cũng vừa đề xuất với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phương án xây dựng Dự án Palm Beach Vũng Tàu - là khu đô thị nghỉ dưỡng mới mang phong cách châu Âu với đầy đủ các tiện ích cao cấp tại trục đường 3/2 thuộc phường 10 và 11, TP. Vũng Tàu.
Dự án có diện tích dự kiến khoảng 99,5ha, gồm 3 phân khu có chức năng chính như cây xanh cảnh quan, đất ở, khu dịch vụ du lịch. Trong đó, khu đất ở gồm có nhà phố và biệt thự (khu ở thấp tầng), công trình công cộng, Làng châu Âu (khu ở trung tầng), trung tâm thể dục, thể thao; khu đất dịch vụ du lịch gồm có condotel, cửa hàng bán lẻ, khách sạn nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng timeshare, câu lạc bộ nghỉ dưỡng.
Trong khi các dự án liên tục đổ bộ về thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu, thì nhu cầu lưu trú ở tại đây không tăng trưởng theo kịp, khiến nguồn cung đang có nguy cơ vượt cầu.
Cụ thể, báo cáo từ Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, năm 2017, toàn tỉnh đón khoảng 2,79 triệu lượt khách du lịch lưu trú, tăng 11,3% và doanh thu tăng 11,6% so với năm trước đó. Còn trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu lưu trú ước tính đạt 4.530 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 13,8%.
Ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, so với lượng khách lưu trú như hiện nay, đang có sự lệch cung - cầu lớn. Bởi thực tế, các sách sạn từ 4 - 5 sao luôn thừa phòng, lượng khách lưu trú chủ yếu ở các khách sạn, nhà nghỉ nhỏ, có giá thấp. Lý giải cho vấn đề này, ông Hải cho biết, vì 80% lượng khách đến với Bà Rịa – Vũng Tàu là người dân trong nước, nghỉ ngắn ngày vào cuối tuần và chi tiêu cho du lịch rất thấp.
Thiếu đòn bẩy
Theo đánh giá của ông Hải, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ gặp khó trong thời gian tới, khi các dự án lớn được cấp phép xây dựng, cũng như các dự án đang xây dựng đưa vào hoạt động. Bởi nhu cầu nghỉ dưỡng tại địa phương lại đang gặp nhiều khó khăn do tiện ích du lịch còn kém, không có sức hút với du khách nước ngoài, cũng như du khách có tiền.
“Hiện nay, TP. Vũng Tàu không có khu vui chơi giải trí lớn, cũng như trung tâm mua sắm cho khách du lịch. Ngoài ra, với bãi biển tắm manh mún và có phần nhếch nhác, sẽ khó có thể hút được khách du lịch quốc tế, cũng như khách du lịch hạng sang trong nước lựa chọn”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, hiện mỗi năm, cảng Cái Mép - Thị Vải đón khoảng 20.000 du khách quốc tế đến bằng đường biển, nhưng lượng khách dừng chân ở lại TP. Vũng Tàu du lịch rất ít ỏi, thay vào đó, khách du lịch thường đến thẳng TP.HCM.
Tại buổi hội thảo về du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây, Ths. Đoàn Hoài Nhân, Viện kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ đánh giá, du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghèo về các dịch vụ du lịch. Cụ thể, loại hình lưu trú của tỉnh mới chỉ là khách sạn, condotel, thiếu những loại hình lưu trú như homestay. Hoặc những loại hình ở các khu du lịch truyền thống như hội chợ, triển lãm đồ ăn, uống đặc sản, hay du lịch tâm linh…, đều thiếu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
“Hiện tại, môi trường biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang ô nhiễm khá nặng, rác thải, kinh doanh ăn uống vẫn còn hiện tượng chặt chém. Cũng có thể vì lý do đó, mà tại các trang quảng bá những điểm du lịch hấp dẫn đáng đến của Việt Nam, không hề có tên Bà Rịa - Vũng Tàu, dù địa phương này có bãi biển đẹp”, ông Nhân nói.
Bên cạnh đó, các ý kiến còn cho rằng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần quy hoạch du lịch theo hướng bảo vệ môi trường biển, bởi các điểm du lịch của TP. Vũng Tàu đang bị xâm phạm bởi ô nhiễm môi trường từ các quán ăn, nhà hàng tự phát.
Trong khi đó, Khu du lịch tâm linh Bạch Dinh thuộc Dinh 2 của vua Bảo Đại tại đường Trần Phú, TP. Vũng Tàu đang bị ban quản lý di tích cắt xén cho thuê làm quán nước, quán ăn lụp xụp, mất mỹ quan và xâm phạm di tích nghiêm trọng.
Thêm vào đó, việc phát triển ồ ạt các dự bán bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có những dự án phát triển trên núi như Dự án The Regal của Công ty cổ phần Trùng Dương Thái Sơn làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Bất động sản Rio Land làm đơn vị phát triển, qua mô hình 28 căn biệt thự cũng ảnh hưởng tới môi trường du lịch của địa phương.
Việc phát triển dự án trên ngọn núi đẹp nhất TP. Vũng Tàu là núi chắn gió biển, bảo vệ khu dân cư trung tâm TP. Vũng Tàu và cũng là mảng xanh lớn nhất của thành phố biển này là điều khó hiểu. Tỉnh cấp phép xây dựng, nhưng lại chưa đánh giá tác động môi trường hợp lý đối với vấn đề này.
Giới phân tích cho rằng, việc đua nhau đổ bộ phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nhưng lại thiếu sức hút từ các tiềm năng tiện ích du lịch, khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Bà Rịa - Vũng Tàu gặp khó. Vì vậy, nguy cơ bội cung sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tại Bà Rịa Vũng Tàu là hiện hữu nếu địa phương không có bài toán đột phá trong phát triển ngành du lịch theo hướng tích cực và bền vững.