PV: Ông đánh giá như thế nào về diễn biến phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian vừa qua?
Ông Thân Thành Vũ: Bất động sản nghĩ dưỡng trong 10 năm qua phát triển rất mạnh, điển hình như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang…
Năm 2008, khi du khách đến Phú Quốc, họ không thể tìm thấy một khách sạn 4 sao. Nhưng bây giờ ở Phú Quốc đã có Vinpearl, Sunword…
Tương tự như vậy, tôi lấy ví dụ ở Quy Nhơn. Dự án do FLC đầu tư vào đã tạo ra sự chuyển mình rất nhanh của du lịch nơi đây. Ở Vịnh Hạ Long, Sapa (Lào Cai), nhiều dự án khách sạn 5 sao cũng xuất hiện. Đà Nẵng, Khánh Hòa đang chào đón sự nở rộ của hàng loạt dịch vụ hạng sang. Chỉ cần đi dọc các bãi biển đẹp của Việt Nam là dễ dàng tìm thấy khách sạn hay resort hiện đại.
Đặc biệt ở Nha Trang (Khánh Hòa), cứ mở thông tin trên internet ra lại thấy có một công trình mới mọc lên. Từ đường Trần Phú (Nha Trang, Khánh Hòa) dọc bờ biển là hàng loạt các dự án, lấp đầy khu đất trống trước đây.
Chỉ trong vòng 10 năm qua, bất động sản nghỉ dưỡng đã có bước phát triển như vũ bão. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có 2 mô hình vừa mới xuất hiện nhưng có sức hút và độ lan rộng rất mạnh, đó là resort và condotel. Đặc biệt, mô hình condotel đã khiến bất động sản nghỉ dưỡng trở nên nhộn nhịp và sôi động khác thường.
PV: Như ông vừa trao đổi, tốc độ phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng dường như chỉ tính bằng ngày, bằng tháng. Sự phát triển quá nhanh đó liệu có nảy sinh những bất cập không, thưa ông?
Ông Thân Thành Vũ: Sức nóng tăng trưởng của bất động sản nghỉ dưỡng diễn ra quá nhanh, chắc chắn dẫn đến nhiều bất cập. Ví dụ, gần đây, ở đường Trần Phú (Nha Trang, Khánh Hòa) luôn xảy ra tình trạng tắc đường. Mật độ xây dựng dọc con đường này đang hình thành nên một mạng lưới như Vạn Lý Trường Thành. Hãy tưởng tượng trên một con đường du lịch vẫn còn chật chội nhưng bị áp lực quá tải bởi một “Vạn Lý Trường Thành” mọc lên, hệ quả đưa tới là lưu lượng người quá lớn dẫn đến “tắc cứng” vào giờ cao điểm. Khi du khách tới đây sẽ cảm thấy khó chịu vì mất quá nhiều thời gian cho việc di chuyển, nhích từng đoạn nhỏ, ngắn.
Thứ hai là vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Đây là vấn đề rất đáng báo động. Chẳng hạn như Đà Nẵng, khách sạn mọc lên như nấm, du khách đến đông nhưng chúng ta lại chưa có hệ thống xử lý nước thải. Và hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy là những bãi biển ô nhiễm.
Thật khó có thể hình dung được nếu biển ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến toàn bộ nền kinh tế du lịch. Các bất động sản nghỉ dưỡng sẽ bị sập xuống nếu không có khách thuê phòng. Chúng ta không thể để những bãi biển Việt Nam lăn vào vết xe đổ của Mũi Né. 20 năm trước, đi đâu, người ta cũng nhắc tới Mũi Né. Nhưng rồi đến bây giờ, du khách rất ít đến nơi đây chỉ vì ô nhiễm do rác thải, xây dựng quá nhiều, các bãi biển bị ăn mòn. Du khách không thể tắm được vì bãi biển ăn mòn, làm sập các khu nghỉ dưỡng bên trong. Phan Thiết đã và đang đối mặt với nguy cơ giống Mũi Né.
Điều đó cũng có thể xảy ra với Phú Quốc, Nha Trang và nhiều điểm du lịch khác, nếu chúng ta không điều tiết được vấn đề xây dựng, bảo vệ môi trường.
PV: Tương lai của bất động sản nghỉ dưỡng sẽ đi về đâu nếu không kiểm soát được những bất cập mà ông vừa nêu ở trên?
Ông Thân Thành Vũ: Tôi đặt ra 2 nguy cơ lớn cho ngành bất động sản nghỉ dưỡng. Thứ nhất, ô nhiễm và quá tải sẽ dẫn đến áp lực về hạ tầng, có khả năng phá hủy môi trường. Hậu quả của nó là tác động trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế du lịch.
Thứ hai, do phong trào nhà nhà, tỉnh tỉnh làm du lịch, cùng kỹ thuật marketing chào bán hàng khiến người ta cảm giác bước ra ngoài, mở mạng lên là thấy bất động sản nghỉ dưỡng. Cách marketing khiến người ta bị ấn tượng rất nhiều bởi một hình tượng thành công rồi ảo tưởng về mức sinh lợi. Cuối cùng, ai ai cũng đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, vô hình chung tạo nên hiện tượng “bội thực”.
Tôi cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ là khách sạn đắt tiền, là khu resort sang trọng mà còn là bãi biển, là cảnh đẹp. Khách sạn suy cho cùng là chỗ để du khách lưu trú. Giá trị thực sự mang lại cho người là bãi biển, là cảnh đẹp. Thế nên muốn bất động sản nghỉ dưỡng phát triển, chúng ta phải phát triển đồng thời 2 yếu tố đó.
PV: Thưa ông, ngoài yếu tố cảnh quan tự nhiên, thì cơ sở hạ tầng cũng là điểm thu hút khách du lịch. Nhưng có ý kiến cho rằng, những khách sạn hạng sang vẫn chưa là nhân tố cần nhưng chưa đủ để phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mà phải có dịch vụ chuyên nghiệp đi kèm? Quan điểm của ông thế nào về nhận định này?
Ông Thân Thành Vũ: Hiện nay, tôi thấy rằng, chúng ta chưa có 1 chiến lược nào thu hút nguồn khách, chẳng hạn như ở Khánh Hòa, lượng khách phụ thuộc vào khách Trung Quốc. Giả định, 50% lượng khách Trung Quốc ngừng lại thì 50% lượng phòng ở, khách sạn, nhà hàng Khánh Hòa cùng với các nơi vui chơi giải trí có nguy cơ “sập” hết.
Chúng ta mới mải nói về phần cứng là bất động sản mà thiếu quan tâm đến phần mềm là dịch vụ. Chúng ta phải tính tới bài toán tiếp thị du lịch ra sao, đưa nguồn khách tới ra sao. Phần mềm phải là con người. Làm thế nào phải đào tạo một đội ngũ chuyên nghiệp?
Hiện tại, để tuyển một người Việt Nam giỏi tiếng Anh có kỹ năng làm ở trong khách sạn, trong nhà hàng là khó vì tâm lý các bạn trẻ muốn làm các công ty nước ngoài. Trong khi đó sang Philipines, 1 nhận sự tốt nghiệp ngành du lịch, nói tiếng Anh như gió và phục vụ chuyên nghiệp chỉ phải thuê với mức 4,5 triệu đồng. Nhưng ở Việt Nam, tình trạng thiếu khát nhân sự giỏi tiếng Anh, khả năng phục vụ chuyên nguyện đang diễn ra rất phổ biến. Đây là điểm cản trở sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo tôi, để bất động sản nghỉ dưỡng phát triển, chúng ta cần phải quan tâm đến rất nhiều yếu tố, tạo sự đồng bộ giữa phần cứng và phần mềm.
- Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!