Bờ biển Bình Thuận - Ninh Thuận được thiên nhiên ưu đãi nắng gió chan hòa quanh năm. Chẳng thế mà đây lại là nơi tập trung sản xuất điện gió, điện mặt trời, cũng là nơi sản xuất muối lớn nhất cả nước, và là nơi được khách quốc tế chọn để lướt ván diều.
Đường bờ biển uốn lượn tạo nên những vịnh lớn, vịnh nhỏ, với bãi cát trắng tinh khôi, nước trong suốt nhìn tới tận đáy… Bởi vậy, nơi đây có rất nhiều nơi thuận tiện để phát triển các khu resort, nghỉ dưỡng.
Đây là vùng đất được mệnh danh: Cát trắng nắng vàng. Ngoài những dải cát ven biển tạo thành rất nhiều bãi tắm tự nhiên, hay những cồn cát vào sâu trong bờ, thì điểm độc đáo của vùng đất này chính là Bàu Trắng Mũi Né - nơi được mệnh danh là “Tiểu sa mạc”, là “phiên bản Dubai”. Nổi bật trong đó là đồi cát Trinh Nữ với vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ, hút hồn các du khách và nhiếp ảnh gia.
Đây cũng là vùng đất giao thoa của nhiều nền văn hóa và đặc biệt vẫn còn lưu giữ được nhiều di sản vật thể và phi vật thể cả nghìn năm tuổi… Điểm nhấn ở đây là việc phục hồi và lưu giữ nghề thủ công truyền thống với sản phẩm gốm Bàu Trúc và thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Điều đặc biệt của gốm Bàu Trúc là hoàn toàn chế tác bằng tay, không sử dụng bàn xoay nên các sản phẩm làm ra hầu như đều là độc bản. Gốm Bàu Trúc cũng không nung trong lò mà nung lộ thiên bằng củi và rơm nên cho màu sắc riêng không thể trộn lẫn.
Không chỉ biết lưu giữ, phục hồi, bảo tồn văn hóa truyền thống, vùng đất này còn luôn biết tiếp nhận những cái mới để làm nên nét riêng độc đáo và làm giàu cho miền khí hậu khá khắc nghiệt này.
Đến nay, Ninh Thuận đã nổi tiếng cả nước là vùng đất trồng nho và nuôi cừu lớn nhất nước. Nho và cừu đã tạo điểm nhấn độc đáo cho vùng khí hậu nhiệt đới, góp phần tạo nên sự phong phú cho du lịch Ninh Thuận.
Một điểm nhấn trong hành trình khám phá vùng đất cắt trắng nắng vàng này là Di tích Quốc gia đặc biệt - Tháp Po Klong Garai, nằm ở phường Đô Vinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm.
Tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, thờ vua Po Klong Garai (1151 - 1205), vị vua có nhiều công trạng trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi phát triển nông nghiệp ở địa phương, được đồng bào Chăm nhớ ơn, thờ phụng hàng trăm năm nay. Đây là một quần thể 3 tháp, gồm tháp Cổng (dài 5,10m; rộng 4,85m; cao 5,65m), tháp Lửa (dài 8,18m; rộng 5m; cao 9,31m) và tháp Chính (dài 13,8m; rộng 10,71m; cao 20,5m).
Theo các nhà nghiên cứu, quần thể tháp Po Klong Garai có nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo còn tồn tại tương đối nguyên vẹn, thuộc loại đẹp nhất của các đền tháp Chăm ở Việt Nam hiện nay.
Điểm độc đáo của quần thể tháp này không chỉ ở nghệ thuật kiến trúc, trang trí mà còn là kỹ thuật nung gạch và xây dựng. Trải qua gần nghìn năm dãi dầu nắng gió, mưa bão nhưng những viên gạch xây tháp không hề bị rêu mốc, những tòa tháp vẫn đỏ au màu lửa. Kỹ thuật xây dựng ở đây độc đáo ở chỗ không hề có mạch vữa, các viên gạch được liên kết với nhau bằng một kỹ thuật bí truyền đến nay vẫn chưa được giải mã.
Chúng tôi đi theo tour của Công ty du lịch Xuyên Việt đến đây đúng vào mùa hoa bún. Cây bún trên sân bên cạnh tòa tháp đang trổ hoa rực rỡ. Những bông hoa vàng ươm xen lẫn màu trắng sữa với các tua nhị như mành mành hòa quyện với sắc đỏ cam của các tòa tháp, tạo nên sự biến ảo mà không phải lúc nào cũng có được.
Tôi chợt nghĩ, có phải sự biến ảo của hoa, của tháp và của các đồi cát ở Bàu Trắng chính là bí ẩn của vùng đất hoang sơ chứa nhiều tầng văn hóa này, để du khách mỗi lần đến đây lại có thể khám phá ra vẻ đẹp khác lạ của một miền cát trắng nắng vàng…