Lời tòa soạn:
4 tỉnh "láng giềng" Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau là những nơi có đông người Khmer sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp sông nước, lãng du dọc các tỉnh miền Tây này còn là dịp chiêm ngưỡng hàng trăm ngôi chùa Khmer đẹp lộng lẫy.
Loạt điểm đến Photo Travel từ kỳ này khám phá vẻ đẹp “Lộng lẫy những ngôi chùa Khmer Nam Bộ” với những tiên nữ Kâyno lấp lánh dưới mái chùa Khmer; Chén Kiểu, ngôi chùa của những mảnh sành làm nên "kiệt tác"; chùa Xiêm Cán, Monivongsa Bopharam đẹp rực rỡ theo phong cách Khmer với tông màu vàng chủ đạo, điểm tô nhẹ những màu sắc ấn tượng khác như cam, đỏ, xanh…
Là nơi có nhiều dân tộc cùng sinh sống, tạo nên sự đa sắc trong văn hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống chùa Khmer ở Sóc Trăng vì thế có lối kiến trúc riêng làm nên vẻ đẹp đặc sắc của “xứ chùa” Sóc Trăng. Chùa Dơi nổi tiếng là một quần thể đẹp và độc đáo bậc nhất trong số đó.
Chùa Dơi có tên Khmer là Wath Sêrâytêchô Mahatup, nhưng khi người Kinh và người Hoa nơi đây đọc “Mahatup” trại đi thành “Mã tộc” nên mới có tên gọi khác là chùa Mã Tộc.
Vốn là ngôi chùa cổ nhất Sóc Trăng, chùa được xây dựng từ cách đây 440 năm (năm 1569) và dù trải qua rất nhiều thăng trầm lịch sử, thậm chí bị cháy ngôi chánh điện năm 2008, sau khi được trùng tu, phục chế lại như cũ và vẫn là điểm đến thu hút đông khách tham quan.
Quần thể kiến trúc của chùa Dơi lọt thỏm trong khuôn viên rộng trồng nhiều cây sao và cây dầu cổ thụ càng làm tăng thêm vẻ cổ kính, huyền bí. Đây chính là nơi cư trú của cả ngàn con dơi, trong đó có những con sải cánh dài cả mét, sống thành đàn và treo mình lủng lẳng như trái cây trên cành. Đó cũng là lý do dân gian gọi cổ tự này thêm một tên nữa là chùa Dơi.
Theo các sư thầy đang tu học tại chùa, loài dơi sống ở chùa chủ yếu là dơi quạ, dơi ngựa. Con trưởng thành có trọng lượng khoảng 0,5 - 1kg. Ban ngày, chúng rủ nhau đi kiếm ăn, để lại một không gian tĩnh lặng nơi sân chùa. Trời chạng vạng tối, đàn dơi quay về treo mình trên những cành cây sao, cây dầu cổ thụ.
Dù Sóc Trăng là nơi có nhiều ngôi chùa thanh tịnh với vườn cây bóng mát thì việc bầy dơi này chọn chùa Mã Tộc làm nơi cư trú vẫn còn là điều bí ẩn.
Trong số các các công trình kiến trúc, chùa Dơi có 2 điện lớn với kiến trúc đặc biệt, những cột trụ đều được điêu khắc bằng những hoa văn tinh xảo đến từng chi tiết là chính điện và nhà Sala. Chính điện có mái gồm hai tầng, lợp ngói màu và cả bốn đầu mái đều được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga cong vút.
Bên trong chính điện là pho tượng pho tượng Thích Ca cao khoảng 2m, xung quanh là nhiều tượng Thích Ca nhỏ hơn với đủ tư thế như ngồi, nằm, đứng,… Trên bức tường bên trong chánh điện là những hình vẽ về cuộc đời đức Phật trải qua từ khi sinh ra đến lúc niết bàn và được sắp xếp theo một trật tự logic để người xem dễ hiểu.
Đối diện chánh điện là khu nhà Sala, như kiểu nhà rông hay hội trường là nơi sinh hoạt cộng đồng, hội họp, làm lễ, tiếp khách và cũng chính là nơi nghỉ ngơi của các sư và khách hành hương.
Không chỉ no mắt với màu vàng và các họa tiết chạm trổ đầy tinh xảo, nét khác biệt hẳn với kiến trúc chùa xứ Bắc, suốt thời gian dạo quanh chùa, du khách còn được nghe các giai điệu của dàn nhạc ngũ âm do những nghệ sỹ người Khmer địa phương biểu diễn. Những nhạc cụ truyền thống không thể thiếu trong dịp lễ Sen Dolta hay Chol Chnam Thmay mà khi biểu diễn trở thành thứ âm nhạc đạt đến độ ổn định và hoàn mỹ nhất của người Khmer.
Một cảm nhận thật đủ đầy về văn hóa của người Khmer không chỉ mắt thấy qua kiến trúc chùa chiền mà tai còn nghe thứ thanh âm rộn rã cảm xúc hội hè khi kết thúc hành trình lãng du qua xứ sở của những ngôi chùa “lộng lẫy”.