Lời tòa soạn:
4 tỉnh "láng giềng" Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau là những nơi có đông người Khmer sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp sông nước, lãng du dọc các tỉnh miền Tây này còn là dịp chiêm ngưỡng hàng trăm ngôi chùa Khmer đẹp lộng lẫy.
Loạt điểm đến Photo Travel từ kỳ này khám phá vẻ đẹp “Lộng lẫy những ngôi chùa Khmer Nam Bộ” với những tiên nữ Kâyno lấp lánh dưới mái chùa Khmer; Chén Kiểu, ngôi chùa của những mảnh sành làm nên "kiệt tác"; chùa Xiêm Cán, Monivongsa Bopharam đẹp rực rỡ theo phong cách Khmer với tông màu vàng chủ đạo, điểm tô nhẹ những màu sắc ấn tượng khác như cam, đỏ, xanh…
Theo tiếng Pali (Phạn ngữ) và lấy ý nghĩa từ kinh điển Phật giáo, Monivongsa Bopharam có thể hiểu là Liên Hoa Tự (chùa Liên Hoa). Đây là một quần thể kiến trúc mang đậm nét văn hoá của người Khmer Nam Bộ, được xây dựng năm 1964 bởi cố Hòa thượng Thạch Kên.
Chùa gồm chính điện, sa la (nhà hội của các sư sãi), tháp để cốt, am... Cao 32m, chính điện của chùa có kiến trúc và hoa văn dựa theo Tam Tạng kinh của Phật giáo. Bốn cửa chính và 10 cửa sổ nằm song song hai bên chính điện. Xung quanh những cột đà bê tông cốt sắt kiên cố được chạm trổ những nét hoa văn theo sử học Phật giáo. Phía trên là những miếng ngói đỏ làm sáng ngời khu trùng tự và ba đỉnh chuông trên đỉnh tháp, tượng trưng cho việc bảo vệ, duy trì Kinh - Luật - Luận.
Bên trong chính điện, nơi chư tăng hành tăng sự, có tam cấp Bồ đoàn và đại thọ Bồ đề, nơi đức Phật ngồi tham thiền, phía trước là hai Long Vương chầu Phật, Bồ Tát đản sinh và trì bình khất thực. Trên bốn vách tường chính điện là những hình họa như cảnh động tâm, đản sinh, xuất gia, thành đạo và nhập niết bàn cùng tiền sử của đức Phật…
Giữa chính điện là những cột đà bao phủ với những hoa văn như Mạn Đà La Hoa, chân cột là những hoa sen chen nhau đua nở và tượng Phật an tịnh sau những ngày thuyết pháp độ sinh, trì bình khất thực...
Trên vách, trần và các cột chùa được trang trí nhiều màu sắc, với những phù điêu, bích họa kể lại cuộc đời của đức Phật và chuyện Riêm-kê, tức trường ca Ramayana, do nghệ nhân Danh Bên ở Cà Mau thực hiện.
Khuôn viên chùa rộng lớn với những hàng cây bao quanh, bên trong có bốn bức vòng thành được gắn liền những tượng chàng Yasa gồng mình gánh nặng (có ý nghĩa quay đầu phục thiện, sửa chữa lỗi lầm). Lối vào chùa đi qua cổng nhất ngọ môn với nhiều cấp bước, có ý mời các Phật tử muốn thoát tục mạnh dạn bước vào quy y Tam bảo, sống theo thiện Pháp mà đức Phật đã giáo truyền.
Theo các nhà sư ở chùa Monivongsa Bopharam, để có được một ngôi chính điện nguy nga (trên diện tích 230m2), các Phật tử đã bỏ ra nhiều công sức nhằm duy trì nền văn hóa chung trong cộng đồng người Việt, cũng là nơi hành lễ để duy trì các giá trị Chân - Thiện - Mỹ mà Đức Phật đã dạy. Với dân tộc Khmer, vốn được xem là có tính cộng đồng rất cao, ngôi chùa là nơi thiêng liêng nhưng cũng rất gần gũi.