Điểm nóng thị trường

Cố đô Huế: Độc đáo địa hình – tiềm tàng dư địa phát triển du lịch golf

Điểm nóng thị trường - 23:30, 09/12/2018 G12T+7 - Thanh Xuân

Nhiều chuyên gia đánh giá, Huế là nơi rất có lợi thế trong phát triển du lịch golf bởi địa hình đa dạng, được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan độc đáo, đồng thời là cái nôi văn hóa truyền thống của cả nước. Tuy nhiên, phát triển golf ở mảnh đất này vẫn ở dạng tiềm năng, chưa có sự đầu tư, bứt phá.

Vịnh Lăng Cô của Huế được bình chọn là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới.

Vịnh Lăng Cô của Huế được bình chọn là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới.

 

Độc đáo vẻ đẹp cố đô

Với địa hình ở ven biển miền Trung, Huế là địa điểm lý tưởng để xây dựng và phát triển du lịch golf.

Huế có 127km đường bờ biển với nhiều bãi biển đẹp và nổi tiếng như Thuận An, Cảnh Dương, Tư Hiền, Lăng Cô. Các bãi biển ở Huế đẹp một cách hoang sơ và rất trữ tình bởi biển nằm sát các vách núi tạo thành các vịnh. Vịnh Lăng Cô của Huế được bình chọn là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Ngoài ra, rất nhiều bãi biển khác chưa được khai thác như Cảnh Dương, Tư Hiền… vẫn đang mang trong mình vẻ hoang sơ, thuần khiết.

Bên cạnh đó, sông ngòi ở Huế cũng tạo nên một quần thể độc đáo với nhiều danh lam thắng cảnh thu hút khách du lịch. Đặc biệt là dòng sông Hương nổi tiếng với cảnh quan đẹp và thơ mộng trải dài từ rừng Trường Sơn đến cửa biển Thuận An. Sông Hương đẹp một cách trữ tình khi chiêm ngưỡng nó từ nguồn và chảy quanh các chân núi, xuyên qua các cánh rừng rậm của hệ thực vật nhiệt đới.

Với các dạng địa hình xen kẽ biển, vũng vịnh và sông ngòi độc đáo cùng khí hậu ôn hòa, thực vật nhiệt đới phát triển là điều kiện thuận lợi để Huế phát triển du lịch nghỉ dưỡng kế hợp với xây dựng sân golf theo phong cách bờ kè. Thêm vào đó, với tính chất thổ nhưỡng, địa tầng ổn định, chủ yếu đất đá bazan dễ tạo mặt bằng, san lấp thuận lợi, là lợi thế để nhiều khu vực tại Huế có thể xây dựng sân golf.

Ngoài sự ưu ái về cảnh quan thiên nhiên, nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử và nét văn hóa đặc sắc nên được nhiều du khách lựa chọn làm điểm đến.

Sông Hương nổi tiếng với cảnh quan đẹp và thơ mộng trải dài từ rừng Trường Sơn đến cửa biển Thuận An.

Sông Hương nổi tiếng với cảnh quan đẹp và thơ mộng trải dài từ rừng Trường Sơn đến cửa biển Thuận An.

Cố đô Huế đang lưu giữ 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận, đó là quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế. Riêng đối với quần thể di tích Cố đô Huế, lượng khách đến tham quan di tích năm 1993 chỉ đạt 235.000 lượt, nhưng sau 15 năm, đã có 1,8 triệu lượt khách mỗi năm đến tham quan, doanh thu đạt 80 tỷ/năm. Điều này cho thấy Huế là địa danh ngày càng thu hút khách du lịch.

Nghiên cứu của Khoa Du lịch- Đại học Huế gần đây về khả năng thu hút khách của điểm đến Huế cho thấy, phong cảnh thiên nhiên, hấp dẫn về văn hóa và an ninh, an toàn là ba yếu tố quan trọng nhất khiến du khách chọn Huế. Với ba yếu tố này vẫn có sự dịch chuyển khác nhau giữa khách quốc tế và nội địa, riêng phong cảnh thiên nhiên được cả hai dòng khách lựa chọn đầu tiên.

Ngày 28/6/2016, Huế đã vượt qua 125 thành phố trên toàn thế giới, được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế vinh danh là “Thành phố Xanh quốc gia”. Cùng với những nỗ lực để gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh môi trường, cuối tháng 12/2017, Tổng cục Du lịch thông báo, Huế vinh dự đạt giải thưởng “Thành phố Du lịch sạch ASEAN”.

Tất cả những yếu tố về địa hình, cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên một bức tranh du lịch tổng thể rất tiềm năng cho Huế - một trong những địa danh nằm trong “con đường di sản miền Trung”.

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Sân Golf Laguna Lăng Cô Golf Resort nằm sát bờ biển.

Sân golf Laguna Lăng Cô Golf Resort nằm sát bờ biển.

Chính vì những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên cũng như tích lịch sử văn hóa Huế đã trở thành địa danh thu hút đông đảo khách du lịch gần xa. Dịch vụ du lịch ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế và trở thành một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên Huế. Doanh thu từ dịch vụ, du lịch ngày càng tăng cao, tốc độ tăng trưởng bình quân 30-35% năm. Năm 2018 Huế đón khoảng 4 – 4,2 triệu lượt khách, tăng khoảng 10 -12% so với năm 2017; trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%; khách lưu trú đạt khoảng 2,1 - 2,2 triệu lượt, tăng khoảng 13-19% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch tăng khoảng 15-16% so với cùng kỳ năm 2017, đạt khoảng 4.000 - 4.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khách tới Huế chủ yếu là khách du lịch ngắn ngày. Số ngày khách lưu trú chỉ 1,78 ngày/người. Trong năm 2017, chi tiêu của khách chỉ 47 USD/ngày, thua kém hơn so với các tỉnh thành lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng.

Theo PGS.TS Bùi Thị Tám, nguyên Trưởng khoa Du lịch-Đại học Huế nguyên nhân nằm ở sản phẩm du lịch chưa có sự cạnh tranh cao, thiếu tính độc đáo;các thế mạnh tiềm năng du lịch chưa khai thác hết, chủ yếu mới dựa vào du lịch di sản.

Bên cạnh đó, hạ tầng lưu trú và các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tại Huế chưa có sự đa dạng do chưa được chú trọng đầu tư. Trong đó, hạ tầng sân golf vốn là một sản phẩm phù hợp với các loại địa hình của vùng đất này lại đang bỏ ngỏ, chưa có sự bứt phá. Trong khi đó, Đà Nẵng, khu vực có nhiều nét tương đồng về vị trí địa lý và cảnh quan với Huế, nhưng tiềm năng du lịch golf lại đang được khai thác một cách có hiệu quả với 4 sân golf mang tiêu chuẩn quốc tế và đem lại lợi nhuận rất cao.

Những hàng cây được trồng theo một cách tự nhiên với những loài cây khác nhau tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc với những đường golf được thiết kế uốn lượn.

Những hàng cây được trồng theo một cách tự nhiên với những loài cây khác nhau tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc với những đường golf được thiết kế uốn lượn.

Còn tại Huế, hiện nay mới chỉ một sân golf được hình thành mang tên Laguna Lăng Cô Golf Resort do Tập đoàn Banyan Tree và Norman Estates xây dựng. Sân golf được thiết kế uốn lượn theo những hàng cây, dòng suối, cánh đồng trải dài và bên những phiến đá ấn tượng đã trở thành điểm đến của nhiều du khách có thu nhập cao.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1988/BXD-QHKT cho ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc góp ý hồ sơ đề nghị bổ sung sân golf quốc tế tại xã Vinh Xuân, Vinh Thanh (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) (gọi tắt là sân golf Phú Vang) vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Có thể khẳng định, du lịch golf vừa là sản phẩm nghỉ dưỡng vừa là hạ tầng nghỉ dưỡng vì thế sẽ thu hút khách du lịch hạng sang, tăng thêm doanh thu cho ngành du lịch. Tuy nhiên, có thể thấy, Huế mới chỉ khai thác được một phần nhỏ tiềm năng giàu có của mình trong việc phát triển du lịch golf.

Theo nhận định của một số nhà đầu tư bất động sản, căn cứ vào bối cảnh hiện nay, phát triển sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng trong đó có sân golf là định hướng phù hợp nhất đối với Thừa Thiên - Huế. Sản phẩm này rất phù hợp cho những người đến cố đô để du lịch, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, tìm hiểu văn hoá Huế.

Với những tiềm năng lợi thế về địa hình cũng như cảnh quan, Huế hoàn toàn có thể phát triển ngành du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có hạ tầng sân golf và đưa phân khúc này trở thành mũi nhọn trong việc kết nối, thu hút khách du lịch cao cấp và khách quốc tế; đồng thời cũng sẽ tạo tiền đề để kích cầu các dự án bất động sản nơi đây.

Hiện tại, cơ sở hạ tầng, dịch vụ được đầu tư đang được nâng cấp hoàn thiện sẽ giúp Thừa Thiên - Huế phát huy được mạnh mẽ các tiềm năng đối với lĩnh vực du lịch- lĩnh vực có thế mạnh truyền thống của tỉnh. Và đây chính là lý do khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn Huế làm điểm đến mới đối với các dự án bất động sản của mình.

Bạn đang đọc bài viết Cố đô Huế: Độc đáo địa hình – tiềm tàng dư địa phát triển du lịch golf tại chuyên mục Điểm nóng thị trường của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục